Multimedia Đọc Báo in

Một góc Tây Nguyên thu nhỏ được tái hiện sinh động bằng hiện vật và hình ảnh

08:19, 15/03/2011

Bằng hình ảnh, hiện vật sinh động, Triển lãm ảnh thời sự - nghệ thuật về cà phê và du lịch Dak Lak đã để lại cho người xem nhiều ấn tượng đẹp về vùng đất Tây Nguyên huyền thoại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc và tiềm năng du lịch… Một góc Tây Nguyên thu nhỏ đã hiện lên với cảnh sắc thiên nhiên hài hòa, con người hồn hậu cùng những sinh hoạt văn hóa độc đáo.


Đồn điền CADA và câu chuyện về lịch sử cà phê Tây Nguyên

Qua 139 hiện vật, 100 hình ảnh với nhiều chủ đề như “Đồn điền CADA - dấu ấn một thời”, “Đồn điền CADA - chặng đường phát triển”, “Uống nước nhớ nguồn”, người xem không chỉ đọc được câu chuyện lịch sử về cà phê mà còn cảm nhận sâu sắc về đời sống cơ cực của những người công nhân bản xứ thời Pháp thuộc cũng như tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường,  bất khuất của họ dưới dự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Dak Lak.

 

Với “Dấu ấn một thời”, các hình ảnh đưa người xem trở về với hành trình của những cây cà phê đầu tiên trên đất Tây Nguyên cùng với sự ra đời của Đồn điền CADA. Đây là đồn điền trồng cà phê tập trung, quy mô lớn đầu tiên của tư bản Pháp tại Buôn Ma Thuột và cả Tây Nguyên. CADA không chỉ được biết đến là nơi thực dân Pháp mở đầu việc cướp đoạt đất đai, khai thác tài nguyên một cách quy mô trong quá trình khai thác thuộc địa của chúng ở Dak Lak mà còn ghi dấu ấn lịch sử của quá trình vận động cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xóa bỏ bộ máy cai trị của thực dân Pháp nhiều thập niên xây dựng.

 

Với “Đồn điền CADA – Chặng đường phát triển” và “ Uống nước nhớ nguồn”, những hình ảnh, tư liệu, hiện vật đã giúp người xem biết đến sự đóng góp của Công ty Cà phê Phước An, Công ty Cà phê Tháng 10 ngày nay trong công cuộc xây dựng kinh tế, xã hội tại địa phương, góp phần đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho những người công nhân và nông dân nơi đây.

 

Chị Bùi Minh Truyền, một du khách đến từ TP. Biên Hòa, Đồng Nai cảm nhận: “Triển lãm cho tôi hiểu thêm về cà phê qua những thăng trầm lịch sử cùng với những giá trị về kinh tế, văn hóa của nó đối với Dak Lak - Tây Nguyên". Câu chuyện về lịch sử cà phê Dak Lak – Tây Nguyên vì vậy càng trở nên ý nghĩa, bởi nó gắn liền với nước mắt, mồ hôi và cả máu xương của người lao động bản xứ, của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp. Để hôm nay, cà phê mang trong mình sức mạnh “kết nối” toàn cầu. 
Đồng chí Y Dhăm Ênuôl, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu bên cuốn Ngoạn thạch vi ảnh. (Ảnh: Lệ Văn)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl cùng các đại biểu bên cuốn Ngoạn thạch vi ảnh. (Ảnh: Lệ Văn)


Tây Nguyên huyền thoại


Bằng những hình ảnh tươi tắn, 100 bức ảnh thời sự - nghệ thuật được chọn lọc từ 444 bức ảnh do 24 tác giả đã tái hiện sinh động một góc Tây Nguyên thu nhỏ với cà phê, lễ hội và thiên nhiên hùng vĩ. Mảnh đất này mỗi khi đặt chân đến có bao điều gợi nhớ. Đó là Hoa cà phê - tác giả Lê Quang Khải - vươn mình đón ánh nắng mai, thu hút đàn ong tìm về hút mật; là thiếu nữ Êđê xinh xắn với nụ cười rạng rỡ bên những chùm cà phê chín mọng - Cô chủ nhỏ của Bảo Hưng… Con người vùng đất này hiện lên thơ mộng, đẹp ngay cả khi lao động hăng say qua Tưới cà phê của Đăng Trình và Đón nắng sân phơi  của Lương Tuấn Vũ. Đó là cùng tận hưởng cảnh hùng vĩ của đại ngàn trong Đèo Phượng hoàng - Đặng Bá Tiến, ngắm một buổi chiều tà trên  hồ Lak thơ mộng, thử cảm giác khi qua cầu treo Buôn Đôn lắc lư, một thác Gia Long nước tung trắng xóa; là Ngã 6 Ban Mê khi thành phố về đêm huyền ảo nên thơ qua Ngã Sáu Ban Mê về đêm - Bảo Hưng. Không gian lễ hội cũng được mở ra với: hội voi, lễ mừng lúa mới, cầu mưa, lễ cúng bến nước, cúng sức khỏe cho voi...  Qua 107 ảnh tư liệu và 61 hiện vật giới thiệu về âm nhạc cồng chiêng, Triển lãm giúp người xem hiểu thêm về cách thức diễn tấu cũng như các nghi lễ liên quan đến cồng chiêng, âm nhạc cồng chiêng trong đời sống của người dân Tây nguyên xưa và nay. Điều đặc biệt, không gian cồng chiêng xưa được giới thiệu đến với người xem lần này có nhiều ảnh tư liệu được lựa chọn từ các kho lưu trữ của Pháp, hầu hết là của Trường Viễn Đông Bác cổ, Hội Thừa sai Paris. Đó là những bức ảnh do các viên chức thuộc địa, sĩ quan quân đội, các nhà truyền giáo và học giả Pháp chụp trong khoảng từ thập niên 30 đến những năm 60 của thế kỷ 20. Được sắp xếp thành các tiểu chủ đề: “Dàn nhạc cồng chiêng”, “ Tập quán chơi cồng chiêng”, “Bối cảnh âm nhạc cồng chiêng”, “ Vượt khỏi truyền thống”, triển lãm giúp người xem có được cái nhìn tổng quát và hệ thống về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.   

Dễ xem, gần gũi, dễ cảm nhận và truyền tải được cảm xúc đến với người xem là nhận xét chung của nhiều người khi đến với Triển lãm. Anh Mai Văn Hoàng, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, cho biết, đây là lần đầu tiên anh đến Dak Lak để tham gia Lễ hội Cà phê, anh thích thú tìm hiểu các loại nhạc cụ của đồng bào Ê đê được trưng bày tại đây, cũng từ đó hiểu hơn về phong tục tập quán, các nghi lễ cúng tế có liên quan đến cồng chiêng của đồng bào. Còn với chị Mai Thị Xuân, ở huyện Cư M’gar thì những bức ảnh đã phản ánh chân thực cuộc sống lao động của người dân nơi đây, qua đó, thấy thêm yêu hơn về vùng đất mình đang sinh sống.

 Lê Hương - Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc