Multimedia Đọc Báo in

Những cánh chim hòa bình giữa lòng thành phố

11:57, 19/09/2011

Tại khu vực Nhà thờ Đức Bà ở TP. HCM, vào mỗi buổi sáng hay lúc chiều tà, hình ảnh một đàn chim bồ câu chao lượn rồi sà xuống khoảng sân trước nhà thờ, đậu cả lên tay mỗi khi ai đó cho chúng ăn… tạo nên một hình ảnh đẹp đẽ, thanh bình giữa lòng thành phố…

Có mặt tại khu vực đài hoa trước Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện thành phố khoảng hơn 5 giờ sáng, hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp là cảnh đàn bồ câu quây quần ăn đậu, ngô, gạo, những mẩu bánh mỳ bẻ nhỏ. Tôi quan sát thấy có một người đàn ông đứng tuổi đội chiếc mũ cao bồi chăm chú theo dõi đàn chim với ánh mắt trìu mến và liên tục ném thức ăn cho chúng. Đang cho ăn, bất ngờ người đàn ông vỗ tay, cả đàn chim khoảng 300 con lập tức tung cánh bay lên rồi lượn vòng quanh khu vực Nhà thờ Đức Bà, tạo nên một cảnh tượng rất đẹp. Để gọi đàn chim trở lại, anh lại lấy trong túi ra một ống sắt bằng i-nốc lắc lên những tiếng kêu leng keng vui tai. Sau tiếng leng keng, đàn chim lại sà xuống ăn. Người đàn ông đó có tên Nguyễn Phi Cường (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM), người đã dày công  chăm sóc và huấn luyện đàn bồ câu. Gần chục năm nay, anh đã tự bỏ tiền túi mua thức ăn đãi bầy chim trời, âm thầm tạo cho thành phố một biểu tượng đẹp của hòa bình. Ngày nào cũng vậy cứ tầm 5h30 sáng, khi nhiều cư dân của thành phố còn chìm trong giấc ngủ, anh Cường đội chiếc mũ cao bồi quen thuộc đi lại vòng quanh Nhà thờ Đức Bà, tay cầm chiếc ống sắt màu trắng lắc đều những tiếng leng keng. Đó là tín hiệu anh báo cho lũ chim bồ câu biết đã đến bữa ăn. Thức ăn của chúng là những hạt thóc, hạt đậu, gạo; có khi là mẩu bánh mỳ do anh mang đến...

Những đứa trẻ tỏ ra yêu thích những chú chim bồ câu thân thiện.
Những đứa trẻ tỏ ra yêu thích những chú chim bồ câu thân thiện.
Anh Cường kể: đàn bồ câu có ở đây khoảng từ năm 1990. Người đầu tiên nuôi chúng là một bác làm nghề chụp hình dạo tại Nhà thờ Đức Bà, tên là Ba Lê. Lúc đầu bầy chim thường đậu bên tòa nhà UBND thành phố, mỗi khi ông Lê ra đây chụp hình thường cho chúng ăn, lâu dần lũ chim dạn người và quay sang trú ngụ ở khu vực nhà thờ. Năm 2002, bác Lê mất, một người bạn làm cùng nghề là ông Vũ Khắc Điệp đã thay bác chăm sóc đàn chim, được chừng 1 năm thì ông Điệp chuyển nghề, đàn chim  trở nên “mồ côi”. Sau đó, vì thương đàn chim bơ vơ, anh Cường đã đứng ra nuôi. Trong đợt cúm gia cầm H5N1 năm 2005 đàn chim bồ câu bị săn ráo riết, chỉ còn lại hơn chục con. Để phục hồi đàn chim, anh Cường đã ra sức chăm sóc những con còn sống sót. Dần dần đàn chim hồi phục và tăng số lượng đến hơn 300 con như ngày nay. Anh Cường chia sẻ: chim câu là loài rất thông minh, có thể sống từ 8-10 năm. Khi trưởng thành, dù bay đi đâu thì đến giờ ăn chúng cũng quay về. Khi anh huýt sáo, lắc hộp sắt phát ra tiếng leng keng chúng sẽ hiểu là anh đang gọi chúng đến ăn, còn khi vỗ tay, đàn chim sẽ vỗ cánh bay lên đậu trên nóc Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện Trung tâm Sài Gòn... “Có người từng đặt vấn đề mua những con chim câu này nhưng tôi từ chối, bởi với tôi chúng như chính những đứa con của mình. Tôi nuôi không phải để bán mà để làm đẹp cho thành phố. Cũng có người đến thuê bồ câu để quay phim, chụp ảnh, họ trả tiền tôi không nhận, sau đó, họ thường mua thức ăn cho lũ chim câu. ”- anh Cường chia sẻ.

Giờ đây, người dân thành phố cũng như du khách khi đi ngang qua đây đều có thể dừng lại ngắm nhìn hình ảnh những cánh chim hòa bình chao liệng trên bầu trời; trở thành một biểu trưng đẹp giữa lòng thành phố.

Lệ Văn

Ý kiến bạn đọc