Multimedia Đọc Báo in

Thương nhớ Y Moan…

18:18, 22/09/2011

“Như một cái chớp mắt. Thoáng mà đã một mùa thu nữa đi qua. Mới một năm Y Moan Ênuôl từ biệt cõi tạm để về nơi vĩnh hằng. Bầu trời cao nguyên vẫn xanh bao la thế và tiếng hát đắm say với quê hương Tây Nguyên của Moan trên sóng phát thanh truyền hình vẫn bay lượn lên vòm trời mênh mang ấy. Những hiện vật lớn nhỏ của cuộc sống Êđê thuở xa xưa mà Moan trân trọng tìm về trên căn nhà sàn bé nhỏ, nơi có chiếc cầu thang với đôi bầu vú mẹ như vẫn còn ấm bàn tay Moan trìu mến, nâng niu sắp đặt. Trong tâm hồn gia đình và bạn bè, hình ảnh Moan, nụ cười Moan vẫn còn đang sống động … mà người thì đã khuất nẻo đường xa lắm…”. Những giọt nước mắt bắt đầu rơi và niềm thương nhớ Y Moan lại càng da diết khi nghe những lời tâm tình của nhạc sĩ Linh nga Niê Kđăm (một trong những người đầu tiên phát hiện ra tài năng của Y Moan) trong ngày giỗ đầu 22-9 (tức 25 - 8 âm lịch) của cố NSND Y Moan.

Ngoài nhạc sĩ Linh Nga, người ta còn thấy sự xuất hiện của những nhân vật đặc biệt gắn bó với tên tuổi Y Moan. Từ ông thầy Nguyễn Cường, đến Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng – người rất yêu mến và đã dành nhiều tâm huyết góp sức vun đắp cho tài năng Y Moan; đó còn là Nhà sử học Dương Trung Quốc, Giáo sư Nguyễn Lân Hùng cùng nhiều bạn bè, đồng nghiệp… Trong cơn mưa mỗi lúc một nặng hạt, gia đình và những người “say” tiếng hát Y Moan từ khắp mọi miền đất nước cùng tụ hội, thắp lên nén nhang tưởng nhớ về một người con ưu tú của mảnh đất Tây Nguyên. Y Moan đã đi hết một đời người, một đời đam mê và “cháy” hết mình với vốn văn hóa của dân tộc. Y Moan ra đi nhưng giọng hát vẫn nằm lại với rừng già, tình yêu ca hát cháy bỏng tận đáy con tim ấy đã từng lay động xúc cảm hàng triệu bạn bè yêu nhạc trong cả nước. Và trên cao xanh kia, “Cánh chim đại ngàn” vẫn bay trong ngàn sao, lung linh trời thảo nguyên vang mãi bao thế hệ…

Để tướng nhớ về một giọng ca khoẻ khoắn, hào sảng, đậm chất Tây Nguyên, dịp này, tại khu mộ của cố nghệ sĩ, bạn bè, người thân đã tổ chức lễ khánh thành bức tượng đồng bán thân cố NSND Y Moan. Bức tượng được đặt đúc tại làng Đại Bái (Bắc Ninh) do nhà điêu khắc Lê Liên thể hiện có chiều cao 60 cm, nặng 40 kg. Đối với người Tây Nguyên, đồng là biểu tượng cho sự bền vững vĩnh cửu, bất biến như âm thanh của những bộ chiêng đồng làm nên sự sang trọng của nền văn minh nương rẫy miền cao nguyên đất đỏ. Ca sĩ Y Vol, con trai trưởng của cố nghệ sĩ cho biết ngoài ra, còn một bức tượng thạch cao được đặt tại nhà riêng của ông tại buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột. 

UBND tỉnh Dak Lak cũng đã có kế hoạch lấy tên Y Moan để đặt tên cho một con đường. Đó là đường Lê Thị Hồng Gấm nối dài. Con đường này vừa được xây dựng, mở rộng khang trang, bắt đầu từ cuối đường Lê Thị Hồng Gấm vào buôn Dhă Prông, đi qua trước ngôi nhà của cố NSND Y Moan.

Một số hình ảnh gia đình, người thân và bạn bè tưởng nhớ cố NSND Y Moan:

 

a
Nơi yên nghỉ của cố NSND Y Moan trong ngày giỗ đầu
a
Người vợ hiền...
a
và những người yêu mến giọng ca Y Moan không nguôi niềm thương nhớ
a
Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kđăm, một trong những người đầu tiên phát hiện ra tài năng ca hát của Y Moan xúc động chia sẻ đôi dòng cảm nghĩ
a
Gửi nhớ thương Y Moan qua tiếng cồng lời chiêng

 

a
Bức tượng đồng cố NSND Y Moan
a
Phóng viên báo chí đội mưa ghi lại những khoảnh khắc về sự trân trọng, tưởng nhớ của người thân, bạn bè đối với một giọng ca huyền thoại của cao nguyên
a
Phải chết trong bài hát của đời mình cũng tuyệt vời cái chết...
a
 Y Moan về yên nghỉ nơi vĩnh hằng
Đỗ Lan – Đàm Thuần

Ý kiến bạn đọc