Multimedia Đọc Báo in

“Bi kịch dưới camera” – Lời cảnh báo về sự tha hóa nhân tính và đạo đức xã hội

22:32, 23/03/2012

 

1.Một bóng nhỏ

-Không bịa tạc –

Một bóng nhỏ chập chững trên đường

Đã rơi vào bánh ô tô như quả chuối.

Chiếc xe không dừng lại

Lỳ lợm, thản nhiên tăng tốc

Bỏ lại trên mặt đường

Một thân thể dập nát.

Chiếc thứ hai tiến lại.

-Không bịa tạc –

Nó dừng lại chăng?

Không, nó nghiền lên cặp chân

khẳng khiu dẫy dụa

Và đi thẳng.

Những người đàn ông đàn bà

                           qua đường

Làm như không nhìn thấy

Làm như không nghe thấy

Tiếng khóc

Nỗi đau thét của bé gái hai tuổi.

 

Từ trên cao

Chiếc camera giao thông

Lạnh lùng ghi lại bi kịch.

 

2.Hốt nhiên, từ trong bóng đêm

Các thiên thần lả tả gãy cánh

Những đền đài, điện thờ, kính sách

                                    ùn ùn sụp đổ

Những lời rao giảng vón cục.

 

3.Im ắng

Từ góc phố ngược sáng

Một người đàn bà nhặt rác tiến ra

Cúi bồng em bé lên với đôi tay

                                       trần thế…

Hà Nội, 20-10-2011

Nguyễn Khoa Điềm

Vào những ngày trung tuần tháng 10-2011, những người có lương tri ở Trung Quốc, bàng hoàng về cái chết thê thảm của bé gái hai tuổi Duyệt Duyệt khi em bị liên tiếp hai chiếc xe ô tô chèn qua người trong lúc đang tha thẩn chơi trong một khu chợ tại tỉnh Quảng Đông. Hình ảnh tang thương này được chiếc Camera giao thông “lạnh lùng ghi lại”.

Chiếc camera giao thông còn ghi lại tổng cộng 18 người đi qua “một thân thể dập nát” nhưng lạnh lùng bỏ mặc em, không một bàn tay nào nâng em dậy.

Hình ảnh do camera ghi lại được tung lên mạng. Cư dân mạng không chỉ ở Trung Quốc bàng hoàng đau xót, phẫn nộ khi nhìn thấy 18 người đi qua đã mất hết tính người. Những người còn chút ít lương tri ở nước đông dân nhất thế giới đã cay đắng nhận ra rằng: một đất nước đã có hàng nghìn năm tôn thờ chữ “Nhân” của đạo thánh hiền đang khủng hoảng về nhân tính! Để mong cứu vãn sự xuống cấp đạo đức xã hội, nghe đâu, nhiều người muốn dựng tượng Khổng Tử ngay nơi bé Duyệt Duyệt ra đi để nhắc nhở những người đang sống và các thế hệ mai sau lời răn dạy của bậc “thánh nhân”: “Nhân giả ái nhân” (người “nhân” thì yêu người”!...

Bài thơ “Bi kịch dưới camera” của Nguyễn Khoa Điềm viết về một vụ việc cụ thể của thực trạng xuống cấp về đạo đức xã hội và sự tha hóa nhân tính của con người. Tuy nhiên, đọc kỹ bài thơ, người đọc không thấy một câu nào, từ nào có chữ “đạo đức” hoặc về đạo làm người mà là cảnh và người cùng với nỗi đau thân xác của cháu bé hai buổi dưới camera cứ hiện lên một cách lạnh lùng. Cái công cụ của xã hội công nghiệp ghi lại một cách chính xác, máy móc, “không bịa tạc”. Từ ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ trần trụi, người đọc liên tưởng, tưởng tượng và có những phán xét về “bi kịch” trong tâm hồn con người thời kinh tế thị trường…

Khổ hai của bài thơ là lời cảnh báo về sự sụp đổ các giá trị văn hóa, đạo đức, giáo dục đã được xây dựng hàng nghìn năm khi mà con người đã đánh mất lương tri, không còn nhân tính. Khổ thơ mang phong cách triết luận của Nguyễn Khoa Điềm. Ngôn ngữ thơ hàm súc, giàu sức gợi với các động từ mạnh: lả tả gãy cánh, ùn ùn sụp đổ, rao giảng vón cục.

Khổ ba của bài thơ là hình ảnh của thiên thần trần thế – người đàn bà nhặt rác, đang đưa đôi tay cứu rỗi những linh hồn tha hóa, vô cảm và dâng lên cõi niết bàn sinh linh thơ bé yêu thương… Khổ ba của bài thơ vẫn là hình ảnh thật mà Camera ghi lại. Tuy nhiên, với những rung cảm thẩm mỹ của thi nhân, hình ảnh người đàn bà nhặt rác như một thiên thần, như một thiên sứ của đấng cứu thế lung linh tỏa sáng “từ góc phố ngược sáng”.

“Bi kịch dưới Camera” của Nguyễn Khoa Điềm vừa phản ánh một thực tế đau thương, vừa cảnh báo với hàng triệu người về sự tha hóa đạo đức và nhân tính hiện nay khi mà cả xã hội tập trung quá mức vào các mục tiêu kinh tế và tốc độ tăng trưởng, sao những riệc rèn luyện đạo đức dẫn đến lệch chuẩn, loạn chuẩn các thang giá trị của con người.

“Bi kịch dưới Camera” của Nguyễn Khoa Điềm viết theo bút pháp khác với “Mặt đường khát vọng”, “đất ngoại ô”: nhà thơ không thuyết giải, không trực tiếp bộc lộ cảm xúc mà ghi lại hiện thực trần trụi, lạnh lùng, chính xác từ chiếc Camera để bạn đọc tự liên tưởng, đồng sáng tạo và rút ra các bài học nhân sinh. Nói thơ hay là thơ có sức gợi là như vậy…

Trương Tử Kỳ


Ý kiến bạn đọc