Multimedia Đọc Báo in

Vui buồn lễ hội

15:09, 17/03/2012

Lễ hội Hảng Pồ là một hoạt động văn hóa, tâm linh quan trọng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng; đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, giao lưu, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; là ngày hội giao duyên, tâm sự đầu xuân, chúc tụng nhau một năm mới hạnh phúc và may mắn…

Đặt 1 ăn 10, trò "chiếc nón kỳ diệu" lôi kéo nhiều người chơi có máu ăn thua.

Lễ hội thường được tổ chức vào giữa tháng 2 với những trò chơi dân gian đặc sắc như hát sli, hát lượn, đi cà kheo, kéo co, ném còn, lẩy cây... Lễ hội có hai phần gồm phần lễ, phần chính với các nghi thức, nghi lễ trang nghiêm cầu cho mùa màng tốt tươi, bình an hạnh phúc và phần hội với các trò chơi dân gian, giải trí lành mạnh nhằm xua đi những mệt mỏi hằng ngày, đem lại niềm vui, sự phấn khởi cho người tham dự. Thế nhưng, thực tế khi tham dự lễ hội Hảng Pồ ở Ea Siên (TX. Buôn Hồ), điều dễ nhận thấy là phần lễ hầu như biến mất, còn phần hội rầm rộ nhưng có nhiều biến tướng. Lễ cầu mùa – một nghi lễ quan trọng nhất trong lễ hội Hảng Pồ xưa kia – được tiến hành một cách rất sơ sài. Trong khi đó, cả khu vực tổ chức lễ hội là cảnh nhốn nháo, lộn xộn, mất trật tự; các sạp hàng quần áo, giày dép… được bày bán tùm lum, choán hết các lối đi. Dạo quanh một vòng, du khách không tìm thấy cho mình một trò chơi dân gian nào đề cao tinh thần thượng võ với phần thưởng mang giá trị tinh thần để xem; thay vào đó là các trò chơi mang tính ăn thua, pha mùi đỏ đen, cờ bạc như: “Chiếc nón kỳ diệu”, bầu cua, ném vòng, phóng tiêu… Chính sự hên xui, được mất, có thể đặt từ một nghìn đồng tới cả triệu đồng nên những trò cờ bạc trá hình này dễ dàng len lỏi, kích thích khách tham dự, đặc biệt là các em học sinh tiểu học. Ban đầu, người chơi đơn giản chơi chỉ vì tò mò muốn biết, dần thành quen, chơi hết tiền thì đứng xem người khác chơi, vô tình hình thành và nuôi dưỡng tính ham mê cờ bạc cho các em nhỏ…

Lễ hội là một hoạt động văn hóa góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng tình đoàn kết trong cộng đồng. Vì vậy, thiết nghĩ các địa phương khi tổ chức các lễ hội cần phải chuẩn bị một cách kỹ lưỡng để tránh những biến tướng lệch lạc, phản văn hóa, làm mất đi giá trị đích thực của lễ hội. Bên cạnh đó, việc bảo tồn các loại hình nhạc cụ, diễn xướng truyền thống cũng như trò chơi dân gian… là việc cần thiết lâu dài, nó không chỉ xây dựng nội dung cho phần hội, ngăn chặn các trò cờ bạc trá hình mà còn tạo không khí linh thiêng, tôn kính như bản thân vốn có.

Nguyễn Hường


Ý kiến bạn đọc