Multimedia Đọc Báo in

Nguyễn Du và những bài thơ về “Thăng Long một thuở”

15:07, 17/03/2012

Có giai thoại kể rằng: Một cậu bé 12 tuổi, sau khi nghe mẹ ru Kiều, cứ khóc mãi, vì thương nàng Kiều tài sắc vẹn toàn nhưng phải chịu cảnh giông gió dập vùi. Dỗ mãi cậu không nín, bà mẹ đành nói: “Con ơi, nếu cô Kiều còn sống đến giờ thì cũng như bà lão cạnh nhà mình kia kìa: Tóc bạc trắng, miệng móm mém, lưng còng, tay chống gậy lom khom đấy, con ạ!”. Cậu bé nghe mẹ tả vậy, nín khóc, chạy theo các bạn ra đồng thả diều.

Thăng Long thời Nguyễn Du.

Thế mới biết nét bút của Nguyễn Du tài hoa đến chừng nào. Bằng ngôn ngữ văn học, ông đã vẽ nên chân dung một nàng Kiều sống mãi trong lòng các thế hệ độc giả Việt Nam.

Nguyễn Du tài hoa và Nguyễn Du vĩ đại. Tác phẩm của ông để lại, ngoài Truyện Kiều còn có: Thanh Hiên thi tập, Thác lời trai phường nón, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục, Văn chiêu hồn... Đặc biệt, Nguyễn Du còn có một mảng thơ khá phong phú viết về đề tài “Thăng Long một thuở”, tiêu biểu như: Long thành cầm giả ca, Ngô gia Đệ cựu ca cơ, Ngẫu hứng V, Mộng đắc Thái liên, Điểu La Thành ca giả. Ở những bài này, ta thấy thấp thoáng hình ảnh Thăng Long xưa, dưới thời phong kiến, như một xã hội thị dân trải nhiều biến cố. Những cảnh đời lăn lóc, phong trần trong “ Văn chiêu hồn”, hay thân phận mỏng manh của người con gái trong “ Độc Tiểu Thanh ký”... được ông viết ra trong cảm hứng chung về nét hào hoa phong nhã cũng như cái phức tạp bề bộn của đời sống kinh kỳ.

Tìm hiểu về thơ văn Thăng Long xưa, ta thấy Nguyễn Du không phải là người đầu tiên viết về Thăng Long. Đã có các tác giả: Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Giản Thanh, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Huy Lượng, Phạm Thái, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án, Bà Huyện Thanh Quan v.v... viết rất hay về Thăng Long. Có điều, với ngòi bút tài hoa, Nguyễn Du đã vẽ lên được một Thăng Long vừa hiện thực, cụ thể, vừa giàu chất trữ tình, với một nỗi đau nhân tình thế thái. Nhân vật của ông là những con người hết sức cụ thể: Là cô gái hái sen ở Hồ Tây, là người bạn cũ ở Thăng Long, là người lữ khách giữa chốn kinh thành, là cô Cầm hát hay đàn giỏi... Qua đó, ông đã khái quát lên một Thăng Long thăng trầm, dâu bể; một Thăng Long với những phận người chìm nổi như thân phận nàng Kiều.

Hãy nghe tiếng thở dài của nhà thơ về một Thăng Long đổi thay, dâu bể:

Nghìn năm dinh thự thành quan lộ

Một dải tân thành lấp cố cung

Người đẹp thủa xưa nay bế trẻ

Bạn chơi thủa nhỏ thảy thành ông

Thâu đêm chẳng ngủ, lòng thêm bận

Địch thổi trăng trong tiếng não nùng

Rõ ràng, một Thăng Long vàng son, đô hội, một vẻ đẹp tươi sáng rực rỡ đang biến đổi, đang mất dần: Dinh thự thành quan lộ, thành mới lấn cố cung xưa; và người thì đã đổi thay, đang già dần, cũ dần... Tất cả như những nghịch lý lay động nỗi lòng mẫn cảm của nhà thơ.

Trong những da diết nỗi niềm, Nguyễn Du thấy trong bóng dáng của hiện tại luôn ẩn hiện một dĩ vãng đã từng thân thiết; có cảm giác thấm thía về nỗi đau của sự tan vỡ những ước vọng, những ước mơ, những triết lý về cuộc đời chìm nổi, biến hoá, về thế thái nhân tình - kết quả về những năm tháng thăng trầm trong cuộc đời Nguyễn Du.

Ở nhiều bài thơ khác, như: Long thành cầm giả ca, Ngô gia đệ cựu ca cơ... với cái nhìn sắc sảo, đầy khám phá; và trên hết là tình cảm yêu thương con người, tình cảm gắn bó với Thăng Long, ngòi bút của thi hào Nguyễn Du đã phản ánh sâu sắc, sinh động những vấn đề xã hội của bức tranh Thăng Long cuối thế kỷ XVIII. Cũng chính ở đề tài này, nhà thơ lại một lần nữa khẳng định tài năng của một ngòi bút nhân đạo chủ nghĩa đang tiến rất gần với chủ nghĩa hiện thực.

Tuy nhiên, Nguyễn Du không chỉ đau đời, đau cảnh; ta còn thấy có một Nguyễn Du rất thơ mộng với một Thăng Long, với một Tây Hồ rực hồng và ngan ngát hương sen. Hãy đọc bài thơ sau:

Xắn gọn quần cánh bướm

Chèo thuyền con hái sen

Nước hồ đầy lai láng

Dưới nước bóng người in.

 

Hái hái sen Hồ Tây

Hoa, gương bỏ lên thuyền

Hoa: Tặng người mình sợ

Gương: Tặng người mình thương.

 

Sáng sớm đi hái sen

Hẹn với cô hàng xóm

Không biết gặp lúc nào

Bỗng sau hoa nghe tiếng

Người cười nói xôn xao.

Một bài thơ hay và thấm đẫm chất trữ tình, chất nhân văn. Có thể đây là những kỷ niệm đẹp của Nguyễn Du trong những ngày ở đất Kinh kỳ, được dạo thuyền và hái sen trên Hồ Tây; cũng có thể ông đã có nỗi thương trộm nhớ thầm một cô “ hàng xóm” nào đó ở đất Thăng Long. Và, sâu xa hơn, có thể đây là nỗi nhớ khôn nguôi về con người và vùng đất Tràng An thanh lịch, về “Thăng Long một thuở” hào hoa, thăng trầm, dâu bể… 

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc