Multimedia Đọc Báo in

Những kỳ vọng từ Trại sáng tác âm nhạc và múa 2012

08:19, 16/03/2012

Năm nay Dak Lak đăng cai với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) hai hoạt động lớn thuộc tầm khu vực: Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp vào tháng 5 và Ngày hội văn hóa các dân tộc dự định vào tháng 8.

Các nghệ nhân buôn Pơng, xã Ea Tul (Cư M'gar) biểu diễn giao lưu với các nhạc sĩ.

Chuẩn bị cho hai sự kiện này, Sở VH-TT-DL Dak Lak đã chọn ngày 10-3, đầu mùa xuân thật sự của cao nguyên Ban Mê, để khai mạc Trại sáng tác âm nhạc và múa lần thứ III-2012. Có 14 nhạc sĩ trong tỉnh và 10 nhạc sĩ từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội cùng tham gia trại lần này. Ngoài nhạc sĩ Nguyễn Cường, người đã gắn bó với Dak Lak, Tây Nguyên tính đến 2012 là vừa 31 năm (có lẽ hiếm thấy nhạc sĩ trung ương nào gắn bó với một địa phương lâu đến vậy); nữ nhạc sĩ Giáng Son, nhạc sĩ Minh Đạo và biên đạo múa Ly Ly cũng đã đáp xuống Buôn Ma Thuột đôi lần, thì có thêm mấy gương mặt mới, hầu hết đều trẻ trung: Lê Minh Sơn với những ca khúc đậm phù sa màu mỡ của dân gian đồng bằng Bắc Bộ; Lưu Hà An hồn nhiên, trẻ thơ  bao nhiêu với “Chúc bé ngủ ngon” thì lại làm điên đảo giới trẻ bấy nhiêu với tiếng hát liêu trai của Tùng Dương trong “Con cò”; Duy Thịnh với ca khúc pop rất được dân Tây Nguyên ưa chuộng “Cơn mưa, nhịp chiêng, nỗi nhớ” và Hoàng Minh, nhạc sĩ trẻ đang gây ấn tượng với giới chuyên nghiệp bởi khí nhạc. Nếu kể thêm phải có tên của nhạc sĩ Trần Tiến, người được mời nhưng dường như là lần thứ ba, không “có duyên” với âm nhạc Dak Lak, với lý do đang dưỡng bệnh.

Tác giả Dak Lak, đứng đầu về  tuổi tác có nhạc sĩ Sỹ Hùng của “Voi ơi vào hội” và “Ơi em Kon Hrinh” náo nức mỗi mùa lễ hội, em út là nhạc sĩ Y Phôn Ksor, người luôn là lựa chọn hàng đầu của các ca sĩ yêu Tây Nguyên  tham gia các hội thi ca hát bằng hai ca khúc “Đi tìm lời ru Mặt trời” và “Đôi chân trần”. Giữa hai đầu thời gian ấy là những gương mặt đã chai sần với nắng gió cao nguyên và gặt hái cũng không ít trên cánh đồng âm nhạc, như:  nhạc sĩ – nghệ sĩ biểu diễn ghi-ta điệu nghệ Quang Dũng (năm 2011, anh gần như “tái xuất giang hồ” bởi DVD độc tấu ghi-ta Huy chương vàng Liên hoan truyền hình); nhạc sĩ Mạnh Trí  đang hồi sức  bằng hàng loạt ca khúc mới sau ca mổ ung thư tưởng chừng không qua khỏi. Linh Nga Niê Kdam đã muốn an phận “người cao tuổi” nhưng chết nỗi chưa hết đam mê và một loạt các nữ đạo diễn múa trẻ trung, xinh đẹp đang sung sức: Tuyết Mai, Y Kiều Diễm, Tuyết Loan…

Trước khi bắt đầu cuộc hành trình đến với điệu tăm pớt và lời chiêng u ẩn của người M’nông ở nơi mênh mông sóng hồ Lak, câu arei và nhịp điệu ching knă náo nức của bà con Êđê ở miền núi lửa Cư M’gar, nơi khởi thủy của dòng sông Tóc – Krông Buk (thậm chí ban tổ chức còn “thiết kế” cả một buổi trò chuyện riêng với những nghệ nhân hàng đầu của thành phố Buôn Ma Thuột), nhạc sĩ Nguyễn Cường đề nghị ngay trong buổi chiều sau lễ khai mạc, đến thắp nhang tại nhà các cố  nhạc sĩ Kpă Púi, Đàm Thanh, Y Sơn Niê, Đức Hùng… những người đã làm nên một phần diện mạo âm nhạc Dak Lak;  trưởng đoàn Quốc Cường – anh cả của nghệ thuật biểu diễn Dak Lak, người “phát minh” và cổ vũ phong cách “trữ tình rực lửa” mà Đoàn ca múa Dak Lak vẫn duy trì cho đến hiện nay. Một việc làm khá là có ý nghĩa đối với lớp tác giả trẻ.

Chỉ nhìn đội ngũ và nghe tên thôi, cũng đã thấy “tiềm năng” của Trại sáng tác năm nay; nhưng như nhạc sĩ Lê Minh Sơn bị Nguyễn Cường “ép” nói trong buổi khai mạc, thì: “nghệ thuật không thể là sự cố gắng, mà phải bằng tài năng và xúc cảm”.

Hy vọng trại sẽ có những tác phẩm hay, đến và lưu lại trong lòng công chúng yêu nhạc, như đã từng có.

Vậy, hãy đợi nhé !

Linh Nga Niê Kdăm


Ý kiến bạn đọc