Multimedia Đọc Báo in

“Sáng tác văn học thiếu nhi phải dựa trên thế giới quan, góc nhìn, cảm xúc của trẻ...”

08:56, 30/03/2012

Đó là một trong những kinh nghiệm quý giá được các nhà văn Đan Mạch  chia sẻ chân tình, cởi mở trong buổi giao lưu giữa Ban dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch với các văn nghệ sĩ Dak Lak vừa diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột.

Buổi giao lưu giữa các văn nghệ sĩ Đan Mạch và Dak Lak diễn ra trong không khí chân thành, cởi mở.

Triển khai từ năm 2006, Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch được xác định là hoạt động hợp tác văn hóa lớn của hai nước nhằm tăng cường năng lực sáng tạo cho các nhà văn, họa sĩ Việt Nam, mở ra cánh cửa giao lưu giữa nhà văn, họa sĩ hai nước, qua đó tạo điều kiện cho các em nhỏ được tiếp cận với những hình thức sáng tạo mới, đem những cuốn sách mới đến tận tay trẻ em trên khắp các vùng miền. Trong khuôn khổ Dự án, các cuộc vận động sáng tác văn học dành cho thiếu nhi được tổ chức thường niên trong suốt 5 năm qua đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên trên toàn quốc. Tính đến nay, giai đoạn 1 của Dự án đã trải qua 4 cuộc vận động sáng tác với các chủ đề: “Tình bạn tuổi thơ” (2006-2007); “Một ngày kỳ lạ” (2007-2008); “Bước qua hai thế giới” (2008-2009) và “Đối thoại với thiên nhiên” (2009-2010). Trong số 4 tác phẩm thể loại văn xuôi đoạt giải Nhất có truyện ngắn “Chuyện kể của bốn mùa” của nhà văn Nguyên Hương (Dak Lak). Nối tiếp thành công của giai đoạn 1, Dự án tiếp tục vận động sáng tác giai đoạn 2 (2010-2015). Năm đầu tiên của giai đoạn 2 với chủ đề “Ước mơ xanh” ở thể loại truyện ngắn, giải Nhất lại thuộc về một tác giả nhỏ tuổi ở Dak Lak, đó là Vũ Hương Nam, 13 tuổi, học sinh lớp 8G Trường THCS Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột với tác phẩm “Vỏ ốc diệu kỳ”.

Chính vì vậy, bà Lê Thị Dắt, Giám đốc Dự án Hỗ trợ văn hóa thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch hy vọng sẽ có thêm nhiều tác phẩm hay cho thiếu nhi từ những nhà văn “tiềm năng” với nguồn “nguyên liệu” quý giá dồi dào là vùng đất quy tụ nhiều nền văn hóa, đa sắc tộc như Dak Lak.

Tại buổi giao lưu, ông Sally Alttschuler, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Đan Mạch và nữ họa sĩ kiêm nhà văn Tove Krebs Lange đã trả lời những câu hỏi của các nhà văn Dak Lak về đời sống văn học thiếu nhi ở Đan Mạnh, về những điểm khác nhau giữa sáng tác truyện, tranh cho thiếu nhi của 2 nước. Đồng thời các nhà văn Đan Mạch cũng chia sẻ những kinh nghiệm quý giá trong sáng tác cho thiếu nhi như: sáng tác cho trẻ em cần phải dựa trên góc nhìn, cảm xúc của trẻ ở từng lứa tuổi; những ấn phẩm được xuất bản phù hợp với thế giới quan của trẻ, không cần quá nghệ thuật và quá cao siêu, nội dung chuyện đơn giản vốn như cuộc sống. Điều cốt lõi khi viết cho trẻ là cốt truyện phải mang tính giáo dục, những người viết giỏi là những người có tác phẩm mà khi trẻ đọc xong tự rút ra được bài học cho mình… Các nhà văn cũng bày tỏ độ phấn khởi khi được ông Khôi Nguyên, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Dak Lak cho biết: Dak Lak luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của trẻ, tiêu biểu như mở những trại sáng tác “Hạ xanh”, “Hương rừng”, “Núi hoa” và các lớp hội họa… dành cho trẻ ở nhiều lứa tuổi, hoàn cảnh, môi trường sống để các em thỏa sức thể hiện năng khiếu, ý tưởng và viết lên những suy nghĩ, cảm nhận… của mình. Bà Tove cũng đề xuất ý kiến với Hội Văn học Nghệ thuật Dak Lak:Thay vì tổ chức các hoạt động văn học và hội họa cho trẻ riêng rẽ như bây giờ thì nên phát động cuộc thi vẽ tranh minh họa cho tác phẩm văn xuôi của các trại sáng tác văn học để các em phối hợp nhuần nhuyễn giữa văn học với hội họa, tạo nên những ấn phẩm xuất bản có giá trị và hấp dẫn hơn, thực sự là món ăn tinh thần cho các em. Vì hơn ai hết, chính các em mới thấu hiểu và nói lên được những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, phản ánh chân thật nhất cuộc sống của chính mình…

Các nhà văn của Dự án đã vận động và mời giới văn, nghệ sĩ và những người yêu văn học, hội họa, yêu trẻ em ở Dak Lak tham gia Dự án, sáng tác cho trẻ em giai đoạn 2011-2012 gồm 2 thể loại. Thứ nhất là tranh truyện chủ đề “Lời cảm ơn” dành cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi. Lứa tuổi này hầu hết chưa biết đọc nên các sáng tác ở dạng truyện người lớn đọc, trẻ em nghe. Đây là một dạng sách cho thiếu nhi đòi hỏi người viết, người vẽ cùng sáng tạo vì tranh vẽ ở đây không chỉ mang tính minh họa mà còn đóng vai trò chuyển tải một phần quan trọng câu chuyện đến các bé. Thể loại thứ hai là truyện ngắn cho bạn đọc từ 10 đến 14 tuổi với chủ đề “Bí mật của tôi”. Đây là lứa tuổi giàu mộng mơ, các sáng tác không đòi hỏi sự suy tư quá cao nhưng lại có yêu cầu lớn về trí tưởng tượng của tác giả…

Thời gian nhận tác phẩm kết thúc vào ngày 30-6-2012 và trao giải thưởng vào trung tuần tháng 11-2012. Sẽ có 2 bộ giải thưởng trao cho 2 thể loại truyện tranh và văn xuôi, giải Nhất 20 triệu đồng; giải Nhì 17 triệu đồng; giải Ba 15 triệu đồng; giải Khuyến khích 7 triệu đồng.

Minh Quân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.