Multimedia Đọc Báo in

Festival Huế 2012: "Đại tiệc" văn hóa đặc sắc

08:43, 13/04/2012

Festival Huế 2012 diễn ra từ ngày 7-4 đến 15-4-2012 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” và “Nơi hội tụ của các thành phố lịch sử”. Trong không gian lộng lẫy, hoành tráng của âm thanh, màu sắc, ánh sáng, Festival Huế 2012 đã thực sự trở thành một “đại tiệc” văn hóa cho người dân Huế và du khách thập phương.

Khúc nhã nhạc trong Đêm Hoàng cung.
Khúc nhã nhạc trong Đêm Hoàng cung.

Ngoài các chương trình lễ hội đã trở thành “thương hiệu” qua các kỳ Festival trước như: Lễ Tế Giao, Đêm Hoàng Cung, Đêm Phương đông, Hương xưa làng cổ, Chợ quê ngày hội… được chuẩn bị công phu với quy mô hoành tráng, tại  Festival Huế 2012 còn có thêm những lễ hội mới lần đầu được trình diễn như Lễ hội Thiên hạ thái bình với những câu chuyện biểu thị khát vọng cuộc sống thái bình của dân tộc Việt Nam thông qua các hình thức diễn xướng như: ngâm thơ, bình, hoạt cảnh, ca múa nhạc cung đình, ca múa nhạc dân gian, được xây dựng thành ba chương, chín hồi (Chương I: Nước ngàn năm văn hiến; Chương II: Muôn dân hưởng thái bình. Chương III: Thịnh vượng một trời Nam). Ngoài ra, còn có Lễ hội áo dài với hơn 300 mẫu áo dài của 17 nhà thiết kế được 150 người mẫu đến từ Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh cùng các hoa hậu Mai Phương Thúy, Trần Thị Thùy Dung, Đặng Thị Ngọc Hân trình diễn; Lễ hội trống và nhạc cụ gõ Âm vang hào khí Việt, Âm sắc Việt, cùng với nhiều chương trình lễ hội đường phố sôi động diễn ra hầu như khắp thành phố Huế và vùng phụ cận.

Chính sự mở rộng không gian lễ hội với nhiều chương trình văn hóa “mở” nên  Festival Huế 2012 không chỉ là nơi trình diễn vinh danh cho văn hóa Việt mà còn là nơi hội tụ của nhiều loại hình di sản văn hóa nghệ thuật đặc sắc của cả năm châu lục. Theo ông Nguyễn Duy Hiền, Phó Ban tổ chức Festival Huế 2012 cho biết, đến với Huế kỳ Festival này, còn có 65 đoàn nghệ thuật và nhóm nghệ sĩ, trong đó có 40 đoàn nước ngoài đại diện cho 28 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Pháp, Bỉ, Nga, Thụy Sĩ, Đức, Ba Lan, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Mông Cổ, Sri Lanka, Israel, Philippines, Mexico, Argentina, Venezuela, Panama, Columbia, Cuba, Mỹ, Úc. Năm nay lần đầu tiên châu Phi có đoàn nghệ thuật của Senegal và Bờ Biển Ngà cũng tham gia.  Đặc biệt có nhiều đoàn nghệ thuật nổi tiếng lần đầu tiên tham dự như đoàn múa Odyssey (Ấn Độ), đoàn Nghệ thuật Ca múa nhạc hàn lâm quốc gia Piatnitsky Matxcơva (Nga), đoàn Raices Profundas (Cuba), đoàn nghệ thuật sắp đặt lửa Carabosse (Cộng hòa Pháp), đoàn nghệ thuật quốc gia Gugak  (Hàn Quốc), nhóm nhạc Love and Other oddities (Israel)… với rất nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn  phong phú và hấp dẫn như: ca múa nhạc, xiếc, kịch câm, sân khấu, nghệ thuật đường phố, nghệ thuật sắp đặt, rối, điện ảnh, triển lãm, pháo hoa… Bên cạnh các chương trình lễ hội chính được chia làm 3 tour, mỗi tour 3 ngày, còn rất nhiều chương trình bổ trợ đặc sắc khác như triển lãm ảnh “Thắng cảnh Việt Nam” của Nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ; triển lãm cổ vật văn hóa Huế; triển lãm gốm Bình Thuận, Chu Đậu,  tranh gương, trang phục triều Nguyễn…

Lâu nay, không ít người còn hồ nghi sự lặp đi lặp lại các chương trình nghệ thuật trong Festival Huế dễ làm người thưởng thức nhàm chán. Thế nhưng, từ khi khai mạc Festival 2012 vào đêm 7-4 đến nay, tại các sân khấu trên địa bàn thành phố Huế như Nghinh lương đình, Bia Quốc học, sân khấu nổi trên sông Hương, Quảng trường Phu Văn Lâu… lúc nào cùng nườm nượp người xem. Điều thú vị là, không chỉ bó hẹp trong phạm vi thành Huế, Festival Huế lần này cũng làm “nóng” nhiều vùng quê bằng các hoạt động văn hóa nghệ thuật cộng đồng đặc sắc như: “Chợ quê ngày hội” diễn ra bên Cầu Ngói Thanh Toàn, xã Thủy Thanh (Hương Thủy); “Sắc màu Thanh Tiên” diễn ra ở làng nghề hoa giấy Thanh Tiên Phú Mậu (Phú Vang); “Hương xưa làng cổ” diễn ra ở làng Phước Tích, Phong Hòa (Phong Điền); Hội thi điêu khắc các dân tộc thiểu số diễn ra ở A Lưới… Nhờ vậy mà lần đầu tiên những người dân vùng nông thôn, vùng cao Thừa Thiên - Huế được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Tại các huyện miền núi Nam Đông và A Lưới còn có đoàn nghệ thuật dân gian hàng đầu của Cuba, Raices Profundas (Deep Roots), bộ đôi nghệ sĩ Erwan Hamon và Janick Martin (Pháp) và nhiều đoàn nghệ thuật nổi tiếng trong nước về biểu diễn phục vụ người dân. Tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Thủy, người dân cũng sẽ được thưởng thức những chương trình nghệ thuật đặc sắc của các đoàn nghệ thuật Kalasin (Thái Lan), đoàn múa Sri Lanka, vũ đoàn "Raduga" (Nga)...

Có thể nói, Festival Huế 2012 thực sự là đại tiệc văn hóa của cố đô, là nơi hội tụ và tỏa sáng của nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc của cả năm châu lục. Đến với Huế trong những ngày này, ta như lạc vào thế giới của lễ hội âm thanh, màu sắc, ánh sáng mang nhiều cung bậc tình cảm khác nhau. Bên cạnh các đoàn nghệ thuật nước ngoài, trong nước cũng có 25 đoàn nghệ thuật tên tuổi đại diện cho các địa phương tham gia biểu diễn như: Đoàn ca múa Lào Cai, Nhà hát Ca múa dân gian Việt Bắc, Nhà hát Thăng Long (Hà Nội), Nhà hát Ca múa Quân Đội, nhóm nghệ sĩ đường phố Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Ca múa Lam Sơn (Thanh Hóa), Trung tâm Nghệ thuật Dân tộc Nghệ An, Đoàn ca múa Quảng Bình, Đoàn ca múa dân tộc Biển Xanh (Phú Yên), Đoàn Ca múa Dak Lak, Nhà hát Ca múa Bông Sen (TP. Hồ Chí Minh)... Ngoài ra các đoàn của Huế sẽ tham gia gồm Nhà hát ca kịch Huế, Nhà hát cung đình Huế, Học viện Âm nhạc Huế. 

Sự góp mặt đông đủ của các nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật nổi tiếng trong nước và trên thế giới đã góp phần làm cho Festival Huế 2012 thực sự hấp dẫn  với chất lượng nghệ thuật cao. Vì thế, không quá lời khi nói rằng, Festival Huế 2012 là nơi gặp gỡ hội tụ những di sản văn hóa nghệ thuật đặc sắc của nhân loại lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta

Ngô Minh Thuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.