Multimedia Đọc Báo in

Festival Huế 2012: Dòng chảy lịch sử và âm vang hào khí Việt

19:11, 11/04/2012

Chiều ngày 10-4, hàng nghìn người dân và du khách đã có buổi thưởng thức âm thanh đặc sắc của lễ hội trống và nhạc cụ gõ “Âm vang hào khí Việt” tại Nghinh Lương Đình, TP. Huế.

Tiếng trống đồng giục giã mở đầu lễ hội
Tiếng trống đồng giục giã mở đầu lễ hội

Lễ hội trống và nhạc cụ gõ Âm vang hào khí Việt là một trong những lễ hội chính của Festival Huế 2012, được xã hội hóa và do Công ty TNHH Lê Quý Dương (TP.HCM) tổ chức thực hiện.

Hơn 300 nghệ sĩ biểu diễn trống và nhạc cụ gõ của 5 đoàn nghệ thuật đặc sắc trong nước đã hội tụ tại lễ hội, gồm: Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, đoàn trống của Hội Di sản Thanh Hóa, đoàn cồng chiêng Tây Nguyên của Dak Lak, đoàn trống Phù Đổng và đoàn trống lân… Chương trình biểu diễn kéo dài 2 giờ đồng hồ, bao gồm cả giao lưu giữa người xem và nghệ sĩ biểu diễn.

Màn múa Lạc Long Quân - Âu Cơ
Màn múa Lạc Long Quân - Âu Cơ

Những tiết tấu và nhịp điệu âm thanh từ tiếng trống và nhạc cụ gõ qua sự biểu diễn khéo léo của các nghệ sĩ đã đưa người xem, người nghe cảm nhận được dòng chảy lịch sử và nét đẹp văn hóa của các vùng miền du lịch trên đất nước. Khai hội là tiếng trống đồng Đông Sơn - Thanh Hóa với bề dày lịch sử ngàn năm thuở Hùng Vương dựng nước (miền Bắc); tiếng trống cung đình Huế - một địa danh văn hóa, du lịch nổi tiếng của miền Trung; âm thanh hoang sơ của cồng chiêng Tây Nguyên; khí thế hào hùng của võ trống trận Tây Sơn; rồi tiếng trống hội của miền Nam, tiếng trống lân rộn ràng…

Âm vang tiếng trống của Nhã nhạc Cung đình Huế
Âm vang tiếng trống của Nhã nhạc Cung đình Huế

Sau chương trình biểu diễn, đơn vị tổ chức đã tặng 50 chiếc trống (trị giá 250 triệu đồng) cho 50 trường học khó khăn ở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Tối cùng ngày tại Đại Nội Huế cũng diễn ra hai lễ hội chính, thu hút hàng nghìn du khách trong nước và quốc tế. Chương trình Đêm Hoàng Cung diễn ra lúc 19 giờ 30, với nhiều hoạt động như: nghệ thuật sắp đặt “Mặt nạ tuồng” kết hợp triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật và thư pháp, triển lãm Ký ức Huế xưa qua các cổ vật; tái hiện trò chơi cung đình; dạ nhạc tiệc cung đình; vũ khúc cung đình; chương trình sân khấu hóa Ký ức cung nữ, hoạt cảnh Công chúa về dinh… Chương trình Đêm phương Đông (trước sân Điện Thái Hòa) với sự đa dạng, phong phú bản sắc văn hóa châu Á qua trình diễn trang phục các dân tộc một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Philippines, Việt Nam…

Theo thống kê của Ban Tổ chức, từ ngày 6 đến 8.4 đã có gần 36.000 lượt khách đến Huế, trong đó có gần 16.000 lượt khách quốc tế. Công suất đặt phòng đạt 87% (ngày 7.4 đạt 91% và ngày 8.4 đạt 87%). Khách quốc tế đến Huế chủ yếu là từ thị trường Thái Lan, Úc, Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản…

(Theo VHO)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.