Multimedia Đọc Báo in

The Leopard, một trong những tiểu thuyết lịch sử hay nhất mọi thời đại

10:56, 13/07/2012

Kết thúc năm 2011, tờ Guardian của Anh đã bình chọn và công bố danh sách Top 10 tiểu thuyết lịch sử hay nhất mọi thời đại (Top 10 historical novels of all times), tôn vinh những tiểu thuyết có nội dung phong phú, mô tả những câu chuyện sinh động dựa trên sự kiện có thật trong lịch sử. Trong danh sách nói trên, tiểu thuyết The Leopard của nhà văn Italia Giuseppe Tomasi di Lampedusa (vị trí thứ 6) đã được ca ngợi là một "kiệt tác" của nhân loại thế kỷ 20.


Giuseppe Tomasi  di Lampadusa
Giuseppe Tomasi di Lampadusa

The Leopard (Con báo), tên nguyên bản tiếng Italia là “Il Gattopardo”, dày 330 trang, do NXB Pantheon (Mỹ) ấn hành với phiên bản mới có nhiều tình tiết chưa được công bố. Mặc dù câu chuyện mang bối cảnh ở Italy từ thế kỷ 19, nhưng nó lại được giới phê bình đánh giá là tiểu thuyết tiêu biểu của thế kỷ 20. Không chỉ có tên trong danh sách Top 10 của Guardian, The Leopard  còn có tên trong danh sách tương tự của tờ Observer và được chọn là một trong 50 tác phẩm văn học nước ngoài được dịch sang tiếng Anh hay nhất do Hội  Nhà văn Anh tôn vinh (xếp thứ 3).

Trang bìa  The Leopard
Trang bìa The Leopard

The Leopard được lấy bối cảnh ở Sicily thế kỷ 19, kể về sự sa cơ của ông hoàng Don Fabrizio Corbera xứ Salina. Chuyện được bắt đầu từ năm 1860 khi tổ chức Thống nhất Italia do Giuseppe Garibaldi đứng đầu đổ bộ lên Sicily và kết thúc năm 1910 bằng cảnh định giá những hòm đựng thánh tích của ông hoàng Corbera, vốn được cô con gái độc thân của ông bảo quản. Ngoài ra, chuyện còn kể về đứa cháu trai của Corbera được ông yêu quý  tên là Tancredi, nhưng lại ủng hộ những nỗ lực thống nhất đất nước Italia của Giuseppe Garibaldi  và đây chính là hành động mà Tancredi muốn đáp  trả người chú bởi ông không đồng ý cho Tancredi kết hôn với Angelica, con gái xinh đẹp có cha là nông dân nghèo, mẹ mù chữ nhưng có chí tiến thủ. Tuyên bố của Tancredi được xem là xuyên suốt của The Leopard vì nó phá vỡ tư tưởng cục bộ địa phương, do người Sicily không bao giờ muốn cải cách, mở mang tư tưởng vì một lý do rất đơn giản cho rằng họ là những người đã hoàn hảo. Và chính ông hoàng Don Fabrizio Corbera đôi khi cũng cực đoan không muốn trở thành nghị sĩ của nước cộng hòa Italia mới. Thay vào đó, ông đề nghị cha của nàng Angelica, lúc này đã trở thành một nông dân giàu có ra làm thay ông.

Áp phích phim  The Leopard
Áp phích phim The Leopard

The Leopard  là một trong những tiểu thuyết Italia bán chạy nhất thế kỷ 20 (trên 3 triệu bản) và là cảm hứng cho bộ phim kinh điển có cùng tên vào năm 1963 của đạo diễn Luchino Visconti. Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, nó lại bị gán vào tội mang chủ nghĩa Mác-xít, thậm chí còn bị xếp vào danh mục "đi trái lề đường", hay ngược lại với chủ nghĩa neorealism (tân hiện thực) trong điện ảnh do đạo diễn Rossellinin và De Sicca của Italia chủ xướng nên khi mới ra đời The Leopard  đã bị nhiều nhà xuất bản từ chối. Mãi đến năm 1958, nghĩa là sau khi tác giả Lampedusa qua đời, mới đến được tay Giorgio Bassani, tác giả tập truyện The Garden of the Finzi- Continis (Khu vườn của Finzi Continis), biên tập viên của NXB Feltrinelli  và ông đã quyết định cho ra mắt độc giả vào mùa thu năm 1958. Tiếp sau, NXB Pantheon (Mỹ) đã cho ấn hành The Leopard  tại Mỹ 1960. Từ đây The Leopard   đã đến với độc giả một cách nhanh hơn. Lampedusa được giới phê bình so sánh với các nhà văn tiếng tăm, đặc biệt là văn phong của ông, nó  thu hút sự quan tâm của những người ưa thích văn chương những năm cuối thế kỷ 20. Ngay sau khi ra đời, The Leopard ngay tức khắc thành công vang dội tại Italia, với 52 lần tái bản trong vòng 4 tháng đầu tiên. Có người ca ngợi, có kẻ thì chê, như nhà văn Mác-xít người Pháp, Louis Aragon đã nhận xét “Sau khi đọc The Leopard nhiều lần khiến đầu óc tôi sinh ra nhiều phương kế để sống, biết bao nhiêu cánh cửa khi thì đóng lại với người này nhưng khi thì mở toang cho những người khác". Thực sự The Leopard đã đi vào lòng người, được dư luận gần xa đón nhận một cách công tâm, được chuyển thể thành phim bởi đạo diễn Luchino Visconti, công chiếu lần đầu ngày ngày 28-3-1963 tại Italia và  tại Mỹ ngày 15-7-1963 (Mỹ). Với nội dung hấp dẫn, phim The Leopard đã được trao nhiều giải, như giải Cành cọ vàng cho đạo diễn Luchino Visconti tại  Liên hoan phim Cannes 1963, hay giải Oscar ở hạmg mục Thiết kế xuất sắc cho Migliore Scenografia - Mario Garbuglia.

Vài nét về Giuseppe Tomasi di Lampedusa

Giuseppe Tomasi di Lampedusa (23-12-1896 – 23-7-1957) là một nhà văn Sicily "cô đơn" như chính ông tự nhận, sinh trưởng trong một gia đình quý tộc, từng là cựu  binh Thế chiến thứ nhất. Khi còn trẻ, ông dành nhiều thời gian để đọc và nghiên cứu văn học Âu-Mỹ. Ông kết hôn cùng một nữ trí thức dòng dõi quý tộc người Latvia tên là Alessandra Wolff nhưng lại không có con. Chính điều này đã tác động rất lớn đến nghiệp văn chương của ông sau này.  Một năm trước khi qua đời, Lampedusa nhận Lanza, con một người bạn thân để làm con nuôi. Không chỉ là người thừa kế mà Lanza còn có công giữ gìn truyền thống  gia đình nên người con nuôi này được ví như nhân vật Angelica trong The Leopard. Ngoài ra, Lanza còn là một nhà nghiên cứu âm nhạc tên tuổi, người quản lý nhà hát opera và nguyên Giám đốc Viện Trao đổi văn hóa Italy ở New York. Trong một lần nói chuyện trước công chúng, Lanza Tommasi đã thừa nhận, sự phân chia giai cấp "được mô tả trong tiểu thuyết The Leopard là điều không thể phủ nhận được nhưng The Leopard đã vượt qua các định kiến, cả điểm yếu của chính nó, phản ánh  trọn vẹn bản chất của xã hội đương thời và giúp tác giả tái hiện lại những gì mà ông và gia đình mất mát, và cả những tiên đoán của nhà văn về văn minh  châu Âu trước nguy cơ bị qua mặt bởi sự hùng mạnh của nước Mỹ”.

Năm 1957, Tomasi di Lampedusa bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi và qua đời vào ngày 23-7 tại Rome. Sau lễ cầu hồn tại nhà thờ Del sacro Cuore di Gesu ở Rome, thi hài ông được mai táng tại Nghĩa trang Capuchin của Palermo. Tiểu thuyết The Leopard của ông đã được xuất bản một năm sau khi nhà văn qua đời và hai năm sau đó, ông đã được truy tặng giải thưởng cao quý nhất của Italia dành cho tiểu thuyết mang tên Strega Prize.

Duy Hùng (Theo Net/Guardian - 6-2012)


Ý kiến bạn đọc