Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ II-2012: Nơi hội tụ những “bông hoa” đầy hương sắc
Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ II-2012 vừa được tổ chức ở TP. Buôn Ma Thuột là một sự kiện văn hóa lớn không chỉ đối với Dak Lak, quê hương của chàng dũng sĩ Đam San huyền thoại, mà còn đối với cả Tây Nguyên và khu vực miền Trung, nơi đậm đà sắc màu của Không gian văn hóa cồng chiêng. Có lẽ cũng chính bởi sức hấp dẫn của địa điểm mà có tới 32 Nhà hát và đoàn nghệ thuật trong cả nước, với gần 2000 diễn viên hội tụ về đây trong cái nắng vàng của tháng 8 mùa thu lịch sử này.
Biển gọi - Ký ức, chương trình của Đoàn Ca Múa Nhạc Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Gia |
Nhìn vào bảng danh sách các đơn vị tham gia đợt này, có thể thấy sự “hợp long”của cả ba miền quê Việt. Các đoàn Yên Bái, Lai Châu, Tuyên Quang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Giang từ miền núi phía Bắc mang tới không khí hội hè đậm sắc màu Mông, Dao, Tày, Thái trên nền những âm thanh khèn bè, sáo Mông, tính tẩu nỉ non, rủ rỉ. Đồng bằng Bắc Bộ có Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng không chỉ mang theo những cánh cò trắng giấc mơ và những câu quan họ - di sản văn hóa phi vật thể nhân loại - đắm say; mà cả nhịp sống sôi động của các vùng công nghiệp đang phát triển. “Khúc ruột miền Trung dằng dặc”, cái lưng eo thon nhỏ thân thương của đất nước, gửi tới những đứa con của các vùng biển cồn cào cát trắng Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Phú Yên, Khánh Hòa. Đậm chất văn hóa Chăm với những Tháp Chàm rêu phong cổ kính trên nền những vũ điệu Apsara và câu dân ca u ẩn là các đoàn Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa –Vũng Tàu…Đến từ miền Đông Nam Bộ “gian lao mà anh dũng” là Bình Dương, Bình Phước đa sắc tộc, khiến nhịp chày trên sóc Bom Bo thuở nào cứ xoay xoáy vào tâm trí người thưởng lãm. Từ miền đồng bằng Chín Rồng, các đoàn ca múa Cần Thơ , Hậu Giang, An Giang mang hương vị thảo thơm của gạo trắng nước trong về bày mâm cỗ cùng bè bạn. Đoàn nghệ thuật Khơmer Kiên Giang không lẫn với ai bởi những vũ điệu uyển chuyển sang trọng nơi cung đình vàng son, lẫn vui nhộn, dí dỏm miền quê thôn dã. Đại diện của đô thị sôi động nhất, chiếm tới hơn nửa thị phần nghệ thuật của cả nước, Nhà hát Bông Sen TP. Hồ Chí Minh mang theo “Câu chuyện của Sen” Tháp Mười về giao lưu cùng các đoàn bạn. Mạnh mẽ, hào hùng bảo đảm được cả nội dung chính trị và đầy chất lính trẻ là các đoàn Quân đội: Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội – Hà Nội, Quân khu IV, Quân chủng Phòng không Không quân, Ca múa nhạc Công an Nhân dân. Được công chúng Buôn Ma Thuột vô cùng chào đón là các đoàn nghệ thuật khu vực Tây Nguyên: Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San – tỉnh Gia Lai, các đoàn Ca múa dân tộc Lâm Đồng, Dak Nông và Dak Lak với sức sống hừng hực rực lửa mà vẫn không kém phần trữ tình trong những câu chuyện huyền thoại H’Bia Jú, N’Trang Lơng, Cư H’Drông…của miền cao nguyên đất đỏ.
Tiết mục múa Mùa về của Đoàn Ca Múa Nhạc dân tộc Nghệ An. Ảnh: H.G |
Năm năm một lần, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước lại có dịp tụ hội, giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Với tiêu chí 60% chương trình mới thì dẫu chỉ là cuộc Liên hoan hay Hội diễn, cũng nhằm đánh giá lại những bước đi của nghệ thuật Việt Nam sau một vòng 5 mùa sáng tạo. Đây là nơi không chỉ các Tổng đạo diễn thi thố sự “lao tâm khổ tứ” tìm tòi những chủ đề hay nhất cho mỗi chương trình; mà còn để các biên đạo múa bằng hình thể đầy sáng tạo của mình phát triển trên chất liệu múa dân gian hay đương đại. Là nơi các nhạc sĩ kết hợp hài hòa âm sắc và nhịp điệu dân ca, dân nhạc từng vùng miền với âm nhạc bác học. Sân chơi cho các họa sĩ thỏa sức tung hoành với sắc màu, kiểu dáng trong trang trí sân khấu, trong trang phục. Cũng là dịp để các ca sĩ chứng tỏ sức thuyết phục của giọng hát mang tính chuyên nghiệp của mình, khác xa những game show đầy rẫy trên sóng truyền hình.
Tiết mục “Những người con của núi” (Đoàn Ca Múa Nhạc tỉnh Dak Nông). Ảnh: H.G |
Không có điều kiện được xem hết 32 chương trình, nhưng chọn lựa những đoàn tiêu biểu nên vẫn có thể thấy được điểm mạnh, điểm yếu của nghệ thuật các vùng miền ngay từ chủ đề của các chương trình - điều mà từ nhiều năm nay đã trở thành mục tiêu chọn lựa của các đơn vị nghệ thuật chuyên và không chuyên. Chủ đề, không chỉ mang ý nghĩa bao quát cho một địa phương, một ngành, mà còn gợi mở tư duy sáng tạo cho các đạo diễn và đầy chất thơ như “Âm vang Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của Đoàn Phòng không – Không quân gợi nhớ những ngày không quân Việt Nam chiến thắng pháo đài bay B.52 của Mỹ 30 năm trước - mùa đông 1972; “Làm theo lời Bác” của Công an nhân dân; “Miền thiêng H’Bia Jú” của Dak Lak; “Những đứa con của núi” – Dak Nông; “Chuyện kể đêm hội làng” – Đam San (Gia Lai) đều toát lên tính đặc trưng huyền thoại của quê hương Tây Nguyên; “Thành phố Hoa Mặt trời” rực rỡ của Bình Dương, điệu hát Then “Giai điệu quê hương” mượt mà từ Lạng Sơn lung linh mây ngàn…
Liên hoan lần này đối với nghệ thuật múa gần như là sự “ áp đảo” bởi số lượng tiết mục và có sự thay đổi khá nhiều của tư duy. Các đạo diễn không còn theo con đường mòn phát triển hoàn toàn chất liệu múa dân gian và múa cổ điển, mà kết hợp với hình tượng tĩnh và động của múa đương đại, tạo cho các tiết mục múa mang hơi thở mới mẻ, sống động của nghệ thuật sắp đặt. Múa ít người (solo, duo) hầu như vắng bóng, hình ảnh hàng chục diễn viên múa hòa quyện vào nhau trong từng nhịp điệu âm nhạc đã trở thành phổ biến. Đạo cụ múa cũng được sử dụng rất sáng tạo (như những chiếc sàng ngô của đoàn nghệ thuật Hà Giang trở thành cánh cửa sổ, cửa ra vào cho các cô gái Dao làm duyên; những chiếc mặt nạ hóa thành tượng mồ Tây Nguyên; dây rừng có lúc là vòng đu hạnh phúc, khi hóa thành vũ khí trừng phạt; chiếc thuyền thúng làm vật dụng đệm cho tiết tấu tốp ca…). Sự cách điệu mang bóng dáng ước lệ của sân khấu chèo cổ truyền, phát huy được tư duy tưởng tượng của người xem một cách hoàn hảo và không kém phần thú vị. Những nhạc cụ dân gian cổ truyền của người Việt, Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên như kèn Pí Lè Thái, bộ ching Arap Jrai, trống Baranưng Chăm, đàn Kni S’Tiêng, Tak tar Êđê, T’rưng Bâhnar, đàn nhị, sáo trúc …đều có tiếng nói riêng trong các dàn nhạc dân tộc, dàn nhạc điện tử, dàn nhạc giao hưởng, bộ gõ dân gian… Tất cả được các nhạc sĩ phát huy hết năng lực, tài năng tạo nên những bản nhạc độc tấu, nhạc nền tung hứng cho nghệ sĩ múa, các nhạc công thăng hoa sáng tạo. Trên những bản hòa điệu của thanh âm ấy, các ca sĩ có thể bày tỏ niềm vui, nỗi buồn, sự hưng phấn theo xúc cảm của tác giả. Nhiều giọng ca đẹp chinh phục được Ban Giám khảo và khán giả như Mai Trang ( Phòng không – Không quân), H’Zi Na (Ninh Thuận), Hoàng Uyên (Dak Lak), Thanh Xuân (Bình Phước)…
Riêng với ba đoàn nghệ thuật đến từ cao nguyên đất đỏ Bazan :
Dak Lak kết hợp hài hòa giữa âm nhạc dân gian nguyên gốc của điệu hát k’ưt, lời kể khan (“ Kể Khan H’Bia Jú, Bư hrư Tak Tar” - biên đạo Ly Ly – nhạc sĩ Y Phôn) với tiết tấu rock tạo nên nhịp độ và tốc độ chương trình căng dần lên từ chậm đến nhanh và từ truyền thống đến hiện đại, nhưng còn rất cần sự điều tiết âm lượng ồn ào, sôi động của dàn nhạc để các ca sĩ RoZaMik, Y Zoen và Hoàng Uyên bày tỏ được giọng hát đẹp. Hay cấu trúc âm nhạc và múa na ná nhau. Tuy nhiên vẫn chinh phục được Ban Giám khảo để nhận giải Vàng toàn đoàn.
Dak Nông mang tới Liên hoan chương trình kỷ niệm 100 năm cuộc khởi nghĩa của N’Trang Lơng mộc mạc hơn, nhưng là sự kết hợp khéo léo giữa các tiết mục ca cảnh (âm nhạc Võ Cường) và múa (biên đạo Hữu Từ và Hồng Phong) để nhận về giải Bạc. Tiếc rằng “ suýt” bị xếp phạm quy vì đây là “cuộc chơi” của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng chương trình lại có sự phối hợp của các nghệ nhân chính gốc, lại đã được truyền hình trực tiếp (công bố) 2 tháng trước và là ca kịch chứ không hẳn là ca múa nhạc.
Gia Lai, Nhà hát nghệ thuật duy nhất của vùng Tây Nguyên, tuy không thật sự nổi bật lên so với các đoàn địa phương khác, nhưng vẫn giữ được phong độ của mình, dẫn dắt khán giả đi từ huyền thoại Cư H’Drông (biên đạo Quang Tâm) đầy bi kịch, tới dáng vóc mềm mại, trữ tình của các thiếu nữ Tây Nguyên “Bên dòng Ayun Pa “và Mùa bướm bay” (biên đạo Ly Ly và nhạc sĩ Lê Minh Sơn) và dí dỏm hài hước của cuộc sống buôn làng trong “ Yang cho anh thương nhớ em rồi” (Nguyễn Cường) để cân bằng tâm lý khán giả. Cũng xứng đáng nhận giải Bạc toàn đoàn.
Cho dẫu có những đoàn địa phương chỉ qua được tầm nghệ thuật quần chúng đôi chút; hay chương trình hoành tráng nhưng đậm chất… Tàu thì Ban Giám khảo cũng đã trao 7 Huy chương Vàng và 6 Huy chương Bạc toàn đoàn (đứng nhất bảng vàng là Đoàn nghệ thuật Phòng không – Không quân), cùng với 50 Huy chương Vàng cho các tiết mục và cá nhân. Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Múa cùng trao mỗi Hội 20 giải cho những tiết mục âm nhạc và múa đạt hiệu quả cao về nghệ thuật. Nghĩa là 35% các tiết mục tham gia đoạt giải thưởng. Một tỷ lệ được coi là “vừa phải”.
Cánh màn nhung khép lại, có niềm vui và cả những giọt nước mắt. Và 5 năm nữa gặp nhau sẽ có những nghệ sĩ đã trở thành “người muôn năm cũ” (như ba thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Bông Sen vậy). Nhưng nhiều bài học đã được rút ra, để nghệ thuật Việt Nam ngày càng khởi sắc, xứng đáng là đất nước có lịch sử ngàn năm văn hiến và mang tới cho khán giả những niềm vui tinh thần tuyệt vời nhất. Cám ơn các nghệ sĩ!
Linh Nga Niê Kdăm
Ý kiến bạn đọc