Multimedia Đọc Báo in

Trưng bày “Dak Lak truyền thống và phát triển” tại chương trình “Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội” lần thứ 2

22:46, 23/08/2012

Tham gia chương trình “Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội” lần thứ 2 (diễn ra từ ngày 28-8 đến 2-9) tại Trung tâm Triển lãm Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội), Bảo tàng tỉnh đã trưng bày triển lãm với chủ đề “Dak Lak truyền thống và phát triển”.

Trưng bày giới thiệu rộng rãi những giá trị văn hóa của các dân tộc Êđê, M’nông, J’rai… đến du khách trong và ngoài nước. Triển lãm gồm hai phần chính:  Phần “Văn hóa truyền thống” nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp  của các dân tộc bản địa, sự trường tồn của bản sắc Tây Nguyên trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam, khích lệ sự sáng tạo giá trị văn hóa mới từ cộng đồng, phát huy vai trò những chủ thể văn hóa vốn có trong các dân tộc. Phần “Dak Lak ngày nay” gồm những hình ảnh, bài viết giới thiệu về thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh từ sau đổi mới đến nay. Tại triển lãm còn có hoạt động trình diễn nghề thủ công dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác nhạc cụ của nghệ nhân dân gian là thông điệp giới thiệu về thiên nhiên, con người cũng như lịch sử hình thành và phát triển của cư dân bản địa Dak Lak. Bên cạnh đó, triển lãm cũng trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm nổi tiếng của vùng đất Dak Lak như: cà phê, hồ tiêu, mật ong, thuốc Ama Kông, rượu cần; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ với sự đa dạng về chủng loại. Triển lãm cũng là dịp kêu gọi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước mở rộng hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu với Dak Lak.

Được biết, “Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội” là hoạt động chào mừng kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và Ngày truyền thống của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức với sự tham dự của các tỉnh Dak Lak, Dak Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và TP. Hà Nội.

Đắc Tứ

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.