Trung thu tản mạn chuyện múa lân
Ngày nay, múa lân gần như đã được đại chúng hóa: phường, xã, thôn, làng nào cũng tổ chức được đội lân để phục vụ cho các dịp lễ, tết, hội làng của địa phương mình. Thậm chí động thổ, khai trương, khánh thành dự án, trụ sở, cửa hàng lớn nhỏ hiện nay người ta cũng tổ chức, hay thuê các đội lân về múa phục vụ. Tuy nhiên, sôi động và đại trà nhất để con lân phô diễn sự phong phú đa dạng của mình là vào dịp Trung thu.
Trung thu được coi như Tết của thiếu nhi, ngoài việc chuẩn bị bánh trái, đèn lồng các kiểu… thì không thể thiếu con lân và đội múa lân. Đây cũng là dịp để các em hân hoan thả hồn trong những điệu lân vũ mê đắm cùng tiếng trống ếch rộn ràng. Ngày xưa các em phải tụm năm, tụm ba hàng tháng trời mới làm nên được con lân cho đội múa của mình; nhưng nay thị trường phục vụ Tết Trung thu từ chợ quê đến chợ phố, đâu đâu cũng bày bán đầu lân với đủ kiểu, đủ loại. Nào là lân làm bằng nan tre dán giấy ngũ sắc, polime, vải, rồi thì đầu lân bằng nhựa nhập khẩu… với sặc sỡ sắc màu. Giá cả của mỗi đầu lân cũng giao động khác nhau, có cái vài ba triệu đồng, nhưng có cái chỉ mươi, mười lăm ngàn đồng tùy loại. Đi kèm theo đầu lân còn có trống, kèn, phèng la và đủ loại mặt nạ bắt mắt: Sa Tăng, Bát Giới, Tôn Ngộ Không, chó, dê, trâu, ngựa, mèo, thỏ… Thị trường đã chuẩn bị đầy đủ, thế là các đội lân chỉ còn họp nhau lại, góp tiền mua về tập luyện. Mỗi mùa Trung thu có hàng trăm đội lân lớn nhỏ tự phát ra đời với đủ loại danh xưng: lân của xóm, của tổ dân phố, của lớp, của trường, của xã, của phường, lân của lò võ X, võ đường Y… Cái xóm nhỏ nửa quê, nửa phố nơi tôi đang ở mà cũng có đến 4 đội lân thay phiên nhau múa quanh xóm đến khuya khoắt mới thôi.
Từ xưa dân gian đã có quan niệm, Tết Trung thu con lân đến nhà là trừ tà, diệt quỷ, mang lại điều may mắn, đặc biệt là đối với những gia đình buôn bán thì quan niệm này càng được coi trọng. Vì thế khi lân đến nhà ngoài việc hoan hô cổ vũ còn cho tiền mừng lân. Tùy theo thịnh tình và hoàn cảnh gia chủ mà số tiền “boa” lân có khi vài trăm nghìn, thậm chí cả triệu đồng. Gia đình nào khó khăn lắm cũng mươi, mười lăm nghìn đồng, không ai để lân “đói” bao giờ. Các đội lân cũng tìm nhiều cách thể hiện để xứng đáng với khoản tiền mừng của gia chủ như múa đúng, múa đẹp, biểu diễn các tiết mục đặc sắc cho lân leo cột, vờn quà, nhào lộn… Một mùa Trung thu trừ các chi phí mua sắm, các đội lân còn lãi chia nhau ít cũng vài trăm nghìn đồng; những đội lân lớn có thể chia nhau vài triệu đồng là chuyện bình thường.
Có lẽ, từ những khoản tiền mừng lân ấy, mà hiện nay múa lân Trung thu đã giảm phần nào là nét vui chơi văn hóa đặc sắc cho con trẻ. Chơi lân đang dần biến tướng trở thành một kiểu làm tiền. Con trẻ vào mùa Trung thu quên ăn, quên học tụm bảy, tụm ba thức khuya dậy sớm với con lân; thậm chí đánh nhau để giành lãnh địa múa lân. Hầu như năm nào cũng có vài cuộc xô xát xảy ra giữa các đội lân để giành đất diễn, những khu phố đông gia đình buôn bán là “mảnh đất” màu mỡ để các đội lân quần đi, xát lại tranh giành nhau nhiều nhất.
Các “diễn viên” múa lân mất ăn, mất ngủ lo tìm đất diễn đã đành, người thưởng thức múa lân hiện nay cũng không còn trạng thái hồi hộp mong chờ lân đến nhà như xưa, mà gần như “bội thực” lân mỗi dịp Trung thu về. Tình trạng mỗi đêm phải đón tiếp từ 5-7 đội lân ghé thăm nhà đang làm cho nhiều gia đình bức xúc ngán ngẩm. Một hai đêm đã ngán, đằng này cả tuần Trung thu không đêm nào là con lân không gõ cửa; thế là, để tránh con lân quấy rầy, trời chưa tối các nhà đã đóng cửa, tắt đèn cứ như tránh bệnh.
Để múa lân thực sự tạo niềm vui vô tư trong dịp Tết Trung thu, nên chăng cần có các hình thức tổ chức, quản lý nhằm xây dựng những sân chơi cộng đồng mang tính văn hóa, giáo dục hấp dẫn, phù hợp trong mỗi dịp Trung thu.
Ngô Minh Thuyên
Ý kiến bạn đọc