Multimedia Đọc Báo in

Những phát hiện tiếp theo về sử thi M’nông “N’tung Krau Nglau Lăch” (đánh trộm cá Hồ Lau Lăch)

10:12, 09/11/2012

Khi đang dịch dở bộ sử thi “N’Tung Krau Nglau Lăch” (Đánh trộm cá hồ Lau Lăch) do nghệ nhân Điểu Klưk hát kể, nghệ nhân Điểu Kâu bị bệnh qua đời. Tiếp nối công việc của bố, con gái cố nghệ nhân Điểu Kâu là Điểu Thị Mai đã bỏ công sức dịch nốt 3 năm và đến nay đã hoàn chỉnh.

Trước đây (năm 2005), sử thi này đã được nghệ nhân Điểu Klung hát kể và nghệ nhân Điểu Kâu dịch chỉ có 2.700 câu, nay được nghệ nhân Điểu Klưk hát kể đầy đủ hơn với độ dài 5.025 câu.

Sử thi “Đánh trộm cá hồ Lau Lăch” đã kể lại khá sinh động, đầy chất anh hùng ca về cuộc hành trình đi đánh cá hồ Nglau Lăch (một hồ rộng lớn nhất núi rừng Tây Nguyên, có nhiều cá quý) của anh em chàng Tiăng và mọi người trong buôn.

Điểu K'lung, “kho báu” sử thi M'nông.  Ảnh: T.L
Điểu K'lung, “kho báu” sử thi M'nông. Ảnh: T.L

 

Chuyện kể rằng, chàng Tiăng sinh ra từ quả trứng bằng đá, khi mà bà trời, bà đất mới có hai ngón tay (nghĩa là mới hình thành). Tiăng đã dùng tài năng và sức lực của mình để sáng tạo ra mọi vật trên trái đất. Sau đó, Tiăng tiếp tục đầu thai nhiều lần (7 lần chết đi, 7 lần sống lại) để trở lại thành người. Chàng giúp loài người có các loại giống bắp, lúa, đậu… các loài súc vật để mọi người sản xuất xây dựng buôn làng giàu mạnh: Lúa đầy kho, trâu bò, heo gà đầy bãi, cuộc sống sung túc:

“Bữa sáng Tiăng, Yang ăn cá

Bữa trưa Tiăng, Yang ăn thịt

Khách đến nhà họ giết lợn mẹ

Khách Preh đến họ giết lợn nái

Khách Rđe đến họ giết lợn đực

Họ giết thịt không sót một mùa

Họ giết thịt không sót một năm

Họ dựng cây nêu không sót một tháng”

Nhưng rồi một ngày kia, mọi thức ăn, đồ uống đã hết, chàng Tiăng cùng mọi người trong cộng đồng rủ nhau đi đánh cá. Họ bàn đi tính lại, cuối cùng chọn hồ Nglau Lăch (một hồ nước sâu rộng ở phía Đông Bắc, có nhiều cá) để đi đánh cá. Trước khi lên đường, họ chuẩn bị đầy đủ dụng cụ đánh bắt, các loại lưới, các loại lá thuốc và các lao phóng để bắt cá; đồng thời chuẩn bị các túi, rổ, bao để đựng cá và thông báo cho mọi người trong buôn, cùng các buôn láng giềng biết để cùng đi đánh cá. Họ dặn người già, trẻ con ở nhà trông coi nương rẫy, buôn làng để mọi người yên tâm đi đánh cá. Họ ăn mặc, trang điểm như đi lễ hội:

“Họ bới núm tóc quấn thêm vải đỏ

Họ bới núm tóc quấn thêm khăn trắng

Lưng quấn khố đeo con dao gươm

Xung quanh đầu quấn vòng Ntêng1

Trước ngực họ đeo chiếc Kho vang2

Họ choàng thêm một lớp áo bạc

Họ đeo tai đôi bòng bằng ngà voi

Họ trang điểm trông rất oai hùng…”

Sau đó, họ ngồi trên lưng voi, đi đến mời các vị thần đất, thần nước, thần lúa, thần cây … cùng đi.

Họ vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ, tiếng lục lạc trên cổ áo, tiếng vòng đồng bạc nơi cổ tay, cổ chân chạm vào nhau ngân vang như tiếng nhạc cồng chiêng làm náo động cả núi rừng.

Đi đến đâu, họ cũng mời các buôn làng bạn như người Êđê, J’rai, Xê Đăng, Ba Na,… cùng đi đánh cá hồ Nglau Lăch.

Sau nhiều ngày đường, vượt qua nhiều rừng rậm, núi cao, thác dữ, đoàn người đi đánh cá do chàng Tiăng dẫn đầu đã đến được hồ Nglau Lăch:

“Hồ Nglau Lăch sâu bảy ngọn tre

Hồ Nglau Lăch sâu bảy cây rớ

Đàn cá tung tăng đớp những hoa Proh

Đàn cá tung tăng đớp những hoa trang

Từng đàn cá Ngleh kéo đi

Từng đàn cá Gun kéo đi”…

Đó là một hồ nước đẹp, có nhiều loại cá, tôm, lươn, ba ba, ếch… to nhỏ đủ màu sắc, bơi lội kín cả mặt hồ, trông thật thích mắt.

Đoàn người dừng lại bên hồ nhóm lửa, đưa rượu heo ra cúng thần và ăn uống no say, rồi phân công nhau mỗi người mỗi việc đi đánh từng loại cá, từng loại thủy sản khác nhau. Khi xuống hồ đánh cá họ phát hiện ra những con vật kỳ lạ, như lươn, ba ba, cá sấu, ếch khổng lồ:

“Con lươn thần to đến sáu hắt3 vòng tay

Con ba ba thần to đến sáu hắt vòng cổ"…

Trước những con vật khổng lồ như vậy, các chàng Lêng, Yang, Yơng và những trai làng càng tỏ ra dũng cảm, ngoan cường, táo bạo, họ lao mình xuống nước để quyết bắt cho được những con vật quý này:

Nhờ tài trí thông minh và lòng dũng cảm các chàng trai đã bắt được con lươn khổng lồ hung dữ:

“Con lươn thần to bằng cái nhà

Con lươn to sáu người ôm không giáp

Năm chục người ngồi lên trên cổ không đầy

Lêng cầm đầu dây nhảy lên bờ hồ

Cột con lươn xong, họ kéo nhau về”…

Sau một ngày đánh cá vui nhộn và vất vả, các chàng trai, cô gái lại quần tụ bên bờ hồ cùng nhau ăn cơm, cùng nhau thưởng thức những thức ăn đánh được từ hồ Nglau Lăch và bàn chuyện để ngày mai tiếp tục đánh cá. Ngày hôm sau anh em Tiăng cùng mọi người tổ chức lễ vật: Heo thiến béo quay, rượu hàng chục ché để cúng các vị thần, xin được đánh bắt những con vật quý hơn:

“Mời các thần rừng ba chân, ba tay

Mời các thần rừng ba tay, sáu chân

Mời các thần rừng chín tay, mười chân…

Chúng tôi xin bắt ba ba của thần

Chúng tôi xin bắt cá sấu của thần

Chúng tôi mời tất cả các thần rừng

Chúng tôi mời tất cả các thần cây to”…

Cuộc vui của họ kéo dài suốt mấy ngày đêm. Niềm vui sướng của họ hòa với tiếng cồng chiêng bay xa khắp núi rừng, sông, suối, vọng lên trời cao, như thách thức với thiên nhiên, vũ trụ.

Tiếng chiêng đã làm thức giấc Kong Kon Băn, người chú của chàng Tiăng đang ở một buôn gần đó đang coi giữ hồ Nglau Lăch. Kong Kon Băn đến hồ Nglau Lăch khi mọi người đang vui, đang nhảy múa, ca hát và uống rượu. Thấy Kong Kon Băn đến, chàng Tiăng phải thưa:

“Xin lỗi cậu Kong, cháu xin trình bày

Bây giờ cháu nói thật không giấu giếm

Chúng cháu ăn rau, ăn măng đã chán

Còn ít cơm định mời nhiều người ăn

Nên chúng cháu bắt trộm cá hồ Nglau Lăch

Nên chúng cháu bắt lươn thần hồ Nglau Lăch

Chúng cháu đã lỡ trộm cá hồ Nglau Lăch

Xin cậu Kong hãy rộng lượng thông cảm

Xin cậu Kong hãy rộng lòng tha tội”…

Thế rồi cuộc đấu trí diễn ra giữa anh em Tiăng với Kong Kon Băn ngay tại bên hồ. Cuộc đấu trí diễn ra suốt ngày đêm, cuối cùng chàng Tiăng bị hình phạt là trở về làm nô lệ cho buôn làng của Kong Kon Băn để trông coi sông, suối và vùng đất cho họ. Trước khi thực hiện điều đó, Tiăng đề nghị với Kong Kon Băn hãy cùng đi theo mình trở về từ giã mẹ cha, buôn làng, và đã được Kong Kon Băn chấp nhận. Tại nhà Tiăng, cuộc đấu trí diễn ra vô cùng quyết liệt giữa Kong Kon Băn và gia đình Tiăng. Nhằm bảo vệ Tiăng gia đình của chàng đã mang những vật quý như chiêng thần, ché thần và voi quý, trâu bò hàng đàn… để đổi lấy Tiăng và được các vị thần đứng ra can thiệp. Nhưng tất cả đều chịu thua lý của Kong Kon Băn. Cuối cùng nhờ người em của Tiăng tên là Lêng Kon Rung, với sự giúp đỡ của thần Lết Kon Jri4 đã bày ra mưu mẹo cho Tiăng và Kong Kon Băn gọi mẹ Trời, mẹ Đất, mẹ Đá để hỏi về việc Tiăng có phải là cháu ruột của Kong Kon Băn không? Họ được mẹ Trời, mẹ Đất, mẹ Đá trả lời là Tiăng sinh rất sớm, Tiăng chỉ sinh sau trời và đất chứ không phải là cháu của Kong Kon Băn. Thế là Kong Kon Băn thất lý, đành phải lủi thủi quay về buôn làng mình. Còn gia đình và buôn làng của chàng Tiăng thì tổ chức lễ hội tạ ơn các vị thần, uống rượu, ăn uống vui say mừng sự thắng lợi và đoàn tụ của gia đình và của cộng đồng.

“Họ cúng vái mời các vị thần đến uống rượu

Tiăng Kon Rong uống trước nước ống cạn

Lêng Kon Rung uống theo nước đầy vừa

Yang Kon Rung và mọi người uống tiếp”

Câu chuyện được thể hiện giàu chất anh hùng và trữ trình. Với tổng số 5.025 câu thơ nhưng tác giả đã dành hơn một nửa để mô tả vẻ đẹp của những người phụ nữ M’nông và sức khoẻ, tài nghệ của các chàng trai M’nông với ước mơ lý tưởng vươn lên chinh phục thiên nhiên, làm chủ núi rừng. Tiêu biểu là chàng Tiăng, có trí thông minh và tài tổ chức, chàng Yang thì gan dạ, táo bạo, chàng Yơng khoẻ mạnh hơn người, chàng Lêng lỳ lợm, nhiều mưu mẹo. Ngoài ra còn có các nhân vật khác như vợ chàng Tiăng, tên là Djăn, đảm đang tháo vát, và các con gái của Tiăng là Brih, Breh xinh đẹp nết na, cùng nhiều nhân vật khác như ông, bà, cha mẹ Tiăng và tất cả già trẻ gái trai trong cộng đồng, tạo thành một tập thể thống nhất trong lối nghĩ, trong hành động, gian khổ cùng chia, no đói cùng hưởng. Chính vì vậy mà họ dám đi đánh trộm cá hồ Nglau Lăch và tích cực đấu tranh để bảo vệ cho chàng Tiăng khỏi bị bắt làm nô lệ và ở lại với cộng đồng làng buôn.

Sử thi còn dành nhiều trang mô tả các lễ hội, mô tả nghệ thuật trang phục truyền thống, nghệ thuật uống rượu cần, đánh cồng chiêng, múa hát khá hấp dẫn, làm say lòng người, khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào M’nông từ ngàn xưa. Nghệ thuật kể chuyện bằng lời nói vần, giống như thơ tự do, giàu hình ảnh trong sáng, chứa đầy ngôn ngữ dân gian của người M’nông, làm cho giá trị tác phẩm càng được nâng cao.

1.Vòng bạc dùng để quấn đầu

2.Vòng trang sức của đàn ông

3.Dụng cụ đo lường của người M’nông (mỗi hắt = từ cùi chỏ đến đầu ngói tay giữa)

4.Thần cây đa

Trương Bi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.