Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng - tâm tư người trong cuộc
Từ những trải nghiệm của mình, nhiều nghệ nhân và nghệ sĩ am tường văn hóa cồng chiêng cho rằng, mất từng cái chiêng, thậm chí cả bộ chiêng không quan trọng bằng mất nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng… Bởi lẽ, khi mất họ thì mất luôn bài bản văn hóa truyền thống.
Để cồng chiêng không chết theo nghĩa “bảo tồn”!
Xưa kia cồng chiêng chỉ dùng trong nghi lễ, ngày nay cồng chiêng Tây Nguyên đã dần thoát ra khỏi môi trường “thiêng” và ngày càng được đưa vào sử dụng như những hoạt động văn hóa - nghệ thuật phổ biến - đó là nhận xét của nhạc sĩ Y Phôn K’Sor trong vai trò “Chánh chủ khảo” phần thi diễn tấu cồng chiêng tại Ngày hội VH-TT các buôn đồng bào dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột lần thứ VII-2013. Cùng chung suy nghĩ ấy, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Linh Nga Niê K’dăm cho rằng, bước phát triển ấy là tất yếu và phù hợp với đời sống xã hội vốn đã có nhiều biến chuyển trong các cộng đồng người dân tộc bản địa ở đây. Song, cũng không phải vì thế mà việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không thể không đặt ra. Ngược lại, vấn đề này cần phải được quan tâm một cách nghiêm túc và đúng mức hơn nhằm tôn vinh, phát huy giá trị văn hoá đặc sắc và độc đáo trên trong bối cảnh hiện nay .
Các nghệ nhân trao đổi việc truyền thụ cách đánh chiêng cho lớp trẻ. |
Việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng, có nhiều ý kiến tâm huyết đặt ra: trước hết phải chặn đứng ngay “vấn nạn chảy máu” cồng chiêng đã và đang xảy ra trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Theo đó, cần phải khắc phục cái “mốt” vừa mới chớm hé hiện nay là sửa chiêng theo hàng âm thanh châu Âu để chơi những bài nhạc mới, để rồi khi muốn đánh những bài chiêng cổ của các dân tộc bản địa thì không được nữa, vì hàng âm đã bị “Âu hóa” mất rồi (!) Bởi vậy, bằng mọi cách những “người trong cuộc”- chủ nhân của nền văn hóa ấy cần phải nỗ lực vượt qua mọi thách thức (thậm chí là bức bách) của đời sống hiện đại để giữ cho được mọi nguyên dạng đặc trưng của dàn cồng chiêng cổ truyền, vì đây là những giá trị đặc sắc và độc đáo mà UNESCO đã căn cứ vào đó để công nhận là “kiệt tác phi vật thể nhân loại”. Hơn thế, qua đó nhằm chứng minh cho mọi người hôm nay và mai sau thấy được ngay từ thuở xa xưa các cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã sáng tạo ra những kiệt tác như thế- và đó cũng là một phần không thể tách rời trong dòng chảy lịch sử, văn hóa Tây Nguyên. Cố nhiên, song song với việc giữ gìn nguyên dạng các đặc trưng truyền thống của cồng chiêng trên vùng đất này, chúng ta cũng nên khuyến khích việc chọn lựa những yếu tố nhất định trong vốn cổ truyền ấy để trên cơ sở đó sáng tạo thêm những bài chiêng mới phù hợp phục vụ diễn tấu trong môi trường mới - bà Linh Nga Niê K’dăm lưu ý.
Trong ngày hội VH-TT các buôn đồng bào dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột vừa qua đã cho thấy không gian cho văn hóa cồng chiêng có sự lột xác và thăng hoa thật sự trong đời sống đương đại. Điều đó cũng đúng thôi, vì mọi thay đổi sâu sắc trong đời sống ngày nay đã làm cho thiết chế xã hội-văn hóa trong các buôn làng không còn như xưa nữa, dẫn đến điều kiện và môi trường sinh hoạt cồng chiêng cũng phải khác đi. Nói đúng hơn là sinh hoạt cồng chiêng không còn tồn tại, bó hẹp trong một cộng đồng nào đó, mà nó đã hòa mình và bước vào một không gian văn hóa - xã hội rộng lớn hơn. Nhạc sĩ Y Phôn K’sor cũng như nhiều nghệ nhân tham gia ngày hội đều nhận ra điều đó và cho rằng, cồng chiêng đã bắt đầu có sự sáng tạo trong sự kế thừa vốn văn hóa truyền thống. Sáng tạo ở đây chính là sự cách tân văn hóa cồng chiêng dựa trên đặc trưng truyền thống cơ bản từ bao đời nay. Và cũng nhờ sự sáng tạo ấy đã góp phần đưa loại hình âm nhạc đặc biệt này vào cuộc sống thực tế, để cồng chiêng không chết theo nghĩa bảo tồn (!)
Nỗ lực tự thân
Vậy ai sẽ quan tâm, giúp đỡ cho “chủ nhân” không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hướng đến điều đó? Nhiều người cho rằng, chưa thấy một cơ quan hữu trách nào đứng ra “bảo hộ” cả, mà hiện tại đồng bào làm cái việc “lột xác” cho cồng chiêng của mình là hoàn toàn nỗ lực tự thân với khát vọng bảo tồn đúng nghĩa giá trị văn hóa cồng chiêng trên tiến trình phát triển chung. Minh chứng sinh động cho ý hướng này là đội chiêng buôn Kô Sia – TP. Buôn Ma Thuột. Trong quá trình biểu diễn (trong nước và quốc tế), những bài nhạc chiêng cổ do cha ông để lại, họ đã sáng tác thêm nhiều bài chiêng mới như “Kông tar” (Chong chóng quay), “Plier” (Mưa đá) … dựa trên vốn âm nhạc dân gian Êđê. Và điều đáng nói là cả hai bài chiêng mới này đã cuốn hút công chúng thưởng thức khắp nơi, Ủy ban Âm nhạc Thái Bình Dương cũng đã chọn những tác phẩm này làm tư liệu lưu trữ cho dòng âm nhạc dân gian trong khu vực. Và vừa qua, các nghệ nhân buôn Kô Sia đã tiếp tục trình làng những bài chiêng mới: “Ching ngàn mưa đá”, “Lời của gió, lời của Bazan”, “Ngân nga nhà dài”… khiến Ban giám khảo ngày hội VH - TT cũng như người thưởng lãm say mê, cuốn hút.
Làm rõ thêm điều này, NSƯT Vũ Lân trải nghiệm: ấy là sự cải tiến, cách tân dàn chiêng Aráp của dân tộc Jrai cho phù hợp với điều kiện sinh hoạt văn hóa hôm nay cũng là một ví dụ sinh động cho khát vọng trên. Ai cũng biết một dàn chiêng Aráp có ít nhất bảy chiếc - tương ứng với bảy nghệ nhân diễn tấu. Trong bối cảnh môi trường sinh hoạt cồng chiêng thay đổi như vậy (có khi không tìm đủ bảy người vì nhiều lý do), họ đã tự chỉnh sửa, bổ sung và sắp xếp lại hàng âm cho phù hợp (chứ không phải chỉnh sửa theo lối “âu hóa” như nhiều người cảnh báo, phê phán) để từ đó - chỉ với vài ba người, chứ không cần đủ bảy người là có thể diễn tấu được một bài chiêng trọn vẹn. Tất nhiên việc “rút gọn” lại về mặt phiên chế dàn chiêng Aráp nói trên, các nghệ nhân vẫn không làm mất đi nét độc đáo và đặc trưng nổi trội trong vốn âm nhạc cồng chiêng của dân tộc mình. Rõ ràng, sự kế thừa và phát triển vốn văn hóa cồng chiêng để tự nuôi dưỡng đời sống tinh thần của mỗi cộng đồng trong đời sống đương đại là điều cần thiết và cần được phát huy. Theo đó, một vấn đề nữa trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng là phải đẩy mạnh công tác truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ hiện nay, để sao cho việc diễn tấu cồng chiêng là một trong những hoạt động thường ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Từ những trải nghiệm ấy, nghệ sĩ Vũ Lân cũng đã cho thấy tính cấp thiết của nó qua ví dụ điển hình về thực trạng “chảy máu” cồng chiêng đang diễn ra. Theo nghệ sĩ giàu tâm huyết này, mất từng cái chiêng, bộ chiêng không quan trọng bằng mất bài bản, mất nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng! Ông cho hay, tại địa bàn xã Trường Xuân (huyện Dak Song-Dak Nông) vào những năm 80 - 90, nhóm nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian ở địa phương đã thu thập và ghi băng được 13 bài chiêng cổ trọn vẹn, do sáu nghệ nhân ở đây diễn tấu. Đến Liên hoan cồng chiêng toàn tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào cuối năm 2000 và những năm tiếp theo thì cũng nhóm nghệ nhân này được mời tham gia, nhưng chỉ diễn tấu được 4 bài. Vì sao thì ai cũng biết, rất đơn giản nhưng rất đáng suy nghĩ là do hai trong sáu nghệ nhân năm xưa đã về với “thế giới ông bà”. Thực trạng đáng buồn ấy, đến nay vẫn đang tiếp diễn. Mới đây tại ngày hội VH-TT các buôn đồng bào ở Buôn Ma Thuột, nghệ nhân Y Ngoan Ê ban (buôn Kô Tam) không giấu được sự trắc ẩn của mình rằng, lẽ ra buôn này sẽ mang đến ngày hội hai đội chiêng, nhưng đáng tiếc “giữa đường đứt gánh” do một nghệ nhân đột ngột qua đời, đành chịu! “Vấn nạn” được cho là còn đáng quan ngại hơn cả bức xúc về “chảy máu” cồng chiêng kia được nhạc sĩ Y Phôn K’sor tiết lộ thêm qua phần thi diễn tấu cồng chiêng nhân ngày hội rằng, tất cả có 33 buôn đồng bào tham gia, nhưng chỉ có 15 đội chiêng góp mặt. Một con số đáng để suy nghĩ, bởi không phải vì buôn làng không có chiêng, mà do thiếu vắng và mất dần nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng…
Từ những mất mát này càng thấy rõ việc truyền thụ, đào tạo lớp con cháu kế thừa di sản cha ông để lại cùng với việc tạo dựng, quản lý các thiết chế văn hóa cho từng cộng đồng dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm mở ra một đời sống tươi mới cho cồng chiêng hôm nay là yêu cầu cấp bách đặt ra, đòi hỏi các cấp, các ngành phải đầu tư và quan tâm đúng mức hơn.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc