Multimedia Đọc Báo in

Lên Tây Nguyên nghe Đờn ca tài tử

16:45, 29/03/2013

Nhắc đến Đờn ca tài tử, chắc hẳn ai cũng nghĩ ngay đến nét văn hóa đặc sắc của người dân vùng sông nước Nam bộ với những câu hò, điệu lý ngọt ngào da diết. Nhưng thật bất ngờ, khi giữa bao la hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, tôi lại có dịp được tận mắt, tận tai thưởng thức những làn điệu ngọt ngào làm mê đắm lòng người ấy…

Trong một chuyến công tác về xã biên giới Ia R’vê (huyện Ea Súp), chúng tôi được ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã nhiệt tình mời đi thưởng thức… đặc sản Nam bộ. Đang phân vân chưa hiểu món “đặc sản” gì của miền Nam bộ giữa vùng biên giới heo hút này, thì ông chủ tịch xã tiết lộ luôn: “Xã tui mới thành lập nhóm Đờn ca tài tử, mời anh em tới thưởng thức ủng hộ”.

 

 Một buổi sinh hoạt của Câu  lạc bộ Đờn ca tài tử  ở xã  Ia R’vê.
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Đờn ca tài tử ở xã Ia R’vê.

Theo chân ông Hải, chúng tôi đến nhà của chị Võ Thị Nên ở thôn 1 xã Ia R’vê, địa điểm sinh hoạt của nhóm Đờn ca tài tử làm nên… “đặc sản” trên vùng Tây Nguyên. Không giống như tôi hình dung theo những gì đã xem qua truyền hình (rằng Đờn ca tài tử là phải có dàn nhạc, có sân khấu, được tổ chức bài bản…), không gian diễn xướng Đờn ca tài tử ở đây chỉ có vài bộ bàn ghế của gia đình chị Nên dùng để bán cà phê, một dàn âm-ly và một cây đàn phím lõm. Còn nghệ sĩ biểu diễn thì… chính hiệu là những người dân lao động. Phút chốc hụt hẫng trong tôi nhanh chóng qua đi mà thay vào đó là sự ngạc nhiên, khâm phục, rồi ngưỡng mộ khi được nghe từng câu, từng đoạn, từng bài, bản của loại hình nghệ thuật đặc sắc này giữa vùng biên tĩnh lặng.

Thật không thể nào ngờ, chị Nên, nay đã bước qua tuổi 53 nhưng giọng ca thì vẫn cứ mượt mà, ngọt ngào như tuổi đôi mươi. Hay như chị Bùi Thị Phương Kiều đã ở vào tuổi 56 nhưng cách lấy hơi, nhả chữ, rồi luyến, láy khi ca vẫn cứ như là… nghệ sĩ chuyên nghiệp! Và chúng tôi càng bất ngờ hơn khi được biết chị Kiều chính là tác giả của rất nhiều bài ca, tiểu phẩm để nhóm Đờn ca tài tử này sinh hoạt. Hỏi ra mới biết, chị Kiều đang là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ia R’vê, gốc ở huyện Mỏ Cày (Bến Tre) lên Dak Lak lập nghiệp từ năm 2002. Nhờ có chút năng khiếu về ca vọng cổ, để tiện việc vận động phụ nữ, nhân dân trong công tác tuyên truyền, chị đã mày mò sáng tác các bài ca cải lương, các tiểu phẩm để lồng ghép tuyên truyền. Theo chị, cách này hiệu quả hơn gấp nhiều lần so với nói suông, bởi dùng lời ca tiếng hát thì dễ nghe, dễ thuộc, mà dân ở đây thì ai cũng “máu” văn nghệ nên khi nào cũng có thể ca hát được.

Dẫu cho rằng những sáng tác của mình là… nghiệp dư, nhưng chị Kiều vẫn không chút ngại ngần khi khoe với chúng tôi về những sáng tác của mình. Đó là những tiểu phẩm như: “Ngàn hoa trên đất mới” ca ngợi chị em phụ nữ khắp nơi tập trung về Dak Lak làm ăn sinh sống, xây dựng quê hương đất nước; tiểu phẩm “Lòng mẹ” ca ngợi về tình mẹ con; Tiểu phẩm “Ký ức mùa thu” nhắc lại lịch sử dân tộc Việt Nam giai đoạn Cách mạng Tháng Tám; bài vọng cổ “Hai quê hương một con người” kể về tình yêu đối với mảnh đất Tây Nguyên của người dân Bến Tre lên định cư lập nghiệp… Rồi như để chứng minh, chị Kiều cất giọng ca “Hai quê hương một con người” vừa mới sáng tác: “Tôi vốn là người con của Bến Tre/ Nơi quê hương của chiếc nôi anh hùng/ Đồng Khởi năm nào sử xanh còn ghi khắc/ Giờ đến nơi đây ta góp công xây dựng/ Cho đất rừng đơm hoa, cho muôn nhà ấm no”…/ “Tôi đến Tây nguyên giữa một chiều mưa buồn bã, rừng Tây nguyên chìm trong màn nước, người lưa thưa mờ nhạt giữa nương rừng…./... Qua 6 năm trường gắn bó với Tây Nguyên, từng giọt mồ hôi thấm sâu vào lòng đất/ Đất ấm tình người nên đất nở ngàn hoa/ Người thương đất nên không màng gian khó/... Có lúc nào vui bằng lúc này, Tây Nguyên đổi mới ngỡ như mơ/ Rẫy lúa vườn điều xanh bát ngát/ Hạnh phúc muôn nhà lại ấm no/ Hạnh phúc ấm no là do bàn tay và khối óc, cùng chung yêu xây dựng đất quê này/…

Không có tài sáng tác như chị Kiều, nhưng nói về “máu” hát vọng cổ ở đất Ia R’vê này thì phải kể đến gia đình chị Võ Thị Nên. Và cũng bởi mê và “máu” nên chị Nên mới tự nguyện mở quán cà phê làm địa điểm sinh hoạt của nhóm Đờn ca tài tử nơi vùng biên heo hút này. Chị tâm sự: Vì mới thành lập nên tạm thời câu lạc bộ Đờn ca tài tử chúng tôi tổ chức sinh hoạt mỗi tuần một buổi vào tối thứ 7. Từ ngày thành lập câu lạc bộ, phong trào văn nghệ ở đây xôm tụ hẳn. Mọi người từ già đến trẻ, ai cũng mong đến cuối tuần, sau khi bỏ cuốc rời nương là tập trung ngồi lại với nhau cùng… hát.

“Ưu điểm của Đờn ca tài tử là cách sinh hoạt bình dân, dễ ca, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người. Chính nhờ vậy, chúng tôi khéo léo kết hợp tổ chức cho bà con sinh hoạt văn nghệ, vừa kết hợp lồng ghép tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nên mọi người rất hứng thú” – ông Lê Thanh Hải tâm đắc. Còn với chị Bùi Thị Phương Kiều, việc thành lập câu lạc bộ Đờn ca tài tử ở xã đã là thành công ngoài mong đợi đối với công tác tập hợp chị em hội viên. Cũng dễ hiểu thôi, cư dân ở đây hầu hết là từ Bến Tre lên lập nghiệp. Máu ca cải lương đã thấm sâu vào tận tâm hồn của mỗi người. Mọi người tập trung lại để ca, để hát, để giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của người dân vùng sông nước Bến Tre, và cũng như để đỡ nhớ quê nhà… “Vậy nên, ở Tây Nguyên, ai muốn nghe đờn ca tài tử, xin mời về với Ia R’vê…” – chị Phương Kiều nhắn nhủ.   

Việt Cường


Ý kiến bạn đọc