Multimedia Đọc Báo in

Lập học chiếu của vua Quang Trung và việc chấn hưng giáo dục

09:28, 22/03/2013

Vua Quang Trung ngay sau khi xưng đế đã ban bố Lập học chiếu (chiếu về việc học) để chấn chỉnh nền giáo dục nước nhà và coi trọng sử dụng người hiền tài, từ đó đề cao việc đào tạo nhân tài cho đất nước từ các cấp làng xã đến phủ huyện.

Dưới đây là bản dịch toàn văn bài Lập học chiếu của vua Quang Trung (nguyên bản chữ Hán).

Chiếu xây dựng việc học

Xuống chiếu cho quan viên và toàn thể dân chúng trong thiên hạ được biết: Xây dựng đất nước lấy dạy học làm đầu, tìm lẽ trị bình, tuyển nhân tài làm gấp. Trước kia bốn phương nhiều việc biến động, chế độ học hành không được sửa sang, phép khoa cử dần dần sa sút, nhân tài ngày một khan hiếm. Việc đời lúc yên, lúc loạn là lẽ tuần hoàn. Song sau khi loạn càng cần phải hưng khởi chấn chỉnh, lập giáo hóa, đặt khoa cử. Đó là quy mô lớn chuyển loạn thành trị vậy.

Trẫm buổi đầu đại định vẫn có ý coi trọng Nho học, lưu tâm yêu mến kẻ sĩ, muốn tìm những người thực tài để giúp ích cho đất nước. Chiếu này ban xuống, dân các xã nên lập nhà học của xã mình, chọn những Nho sĩ có học hạnh, đặt làm chức giảng dụ cấp xã để dạy dỗ học trò. Còn như từ vũ ở các phủ thì cho phép dân địa phương chọn làm nơi để quan huấn đạo của phủ đến đặt làm trường giảng tập của phủ. Hẹn trong năm nay sẽ mở khoa thi hương chọn lấy những Tú tài hạng ưu sung vào trường quốc học, còn hạng thứ thì đưa về trường học ở phủ. Những người đỗ Hương cống của triều cũ chưa được bổ nhiệm thì đưa đến triều đình đợi sung bổ vào các chức Huấn đạo, Tri huyện. Các Nho sinh và Sinh đồ cũ đều cho đợi đến kỳ để vào thi. Loại ưu thì được vào tuyển, loại kém thì trả về trường học của xã. Còn các “Sinh đồ ba quan” thì đều trả về hạng thường dân, và phải cùng gánh vác phu phen tạp dịch. Từ nay về sau, các xã hễ đặt chức giảng dụ thì phải nộp danh sách cho quan huyện, để chuyển đệ lên, để quan triều đình cấp bằng, khiến họ biết được sự khích lệ của trên.

Việc này quan hệ đến điển chương lớn buổi đầu, ai nấy phải mài rũa chí khí, phấn chấn tinh thần để đón phúc lành, để cùng bước lên con đường thênh thang, giúp cho nền thịnh trị trong sáng.

Vậy bố cáo xa gần, khiến mọi người đều biết”.

Lập học chiếu là nói về việc xây dựng việc học của triều Tây Sơn, do Ngô Thì Nhậm soạn thảo. Ông được vua Quang Trung giao phó cho trọng trách thảo chiếu lập học để ban bố cho nhân dân biết chủ trương chính sách của nhà nước.

Ngay từ câu đầu trong bài chiếu đã khẳng định việc xây dựng đất nước phải trọng người tài như thế nào: “xây dựng đất nước, lấy dạy học làm đầu, tìm lẽ trị bình tuyển nhân tài làm gấp”. Vua Quang Trung đã nhận thấy mối lo của đất nước chính là việc học giả thi giả để tiến thân: “trước kia bốn phương xảy ra nhiều việc biến động, chế độ học hành không được sửa sang, phép khoa cử dần dần sa sút, nhân tài ngày một khan hiếm”. Điển hình của việc sa sút là xã hội sinh ra một thứ gọi là “sinh đồ ba quan” xuất hiện cuối niên hiệu thời Cảnh Hưng. Đó là những thí sinh muốn qua kỳ khảo hạch ở huyện để được đi thi hương thì chỉ cần nộp ba quan tiền là được lấy đỗ Sinh đồ. Chính việc thi cử hủ bại như vậy mà vua Quang Trung đã ban hành lập học chiếu để chấn chỉnh việc dạy học và thi cử ở các phủ.

Nối tiếp truyền thống của một nước văn hiến, truyền thống tôn sư trọng đạo, trọng hiền tài của dân tộc, vua Quang Trung đã ý thức “Trẫm buổi đầu đại định vẫn có ý coi trọng Nho học, lưu tâm yêu mến kẻ sĩ, muốn tìm những người thực tài để giúp ích cho đất nước”. Chính vì vậy nên vua Quang Trung đã ban bố các chính sách và biện pháp cụ thể để phổ cập việc học và đào tạo người có thực tài, trong đó đáng chú ý là quy định các xã đặt chức giảng dụ để lo việc dạy học. Đây là chủ trương tiến bộ nhằm mở rộng việc học đến mọi làng xã “chiếu này ban xuống, dân các xã nên lập nhà học của xã mình, chọn những Nho sĩ có học hạnh, đặt làm chức giảng dụ cấp xã để dạy dỗ học trò”.

Bên cạnh đó là việc thông qua khoa cử tuyển trạch những người có thực học để làm việc: “hẹn trong năm nay sẽ mở khoa thi hương chọn lấy những Tú tài hạng ưu, sung vào trường quốc học, còn hạng thứ thì đưa về trường học ở các phủ. Những người đỗ Hương cống của triều cũ chưa được bổ nhiệm thì đưa đến triều đình đợi sung bổ vào các chức Huấn đạo, Tri huyện.” Đối với những người đã gian dối trong thi cử như mua bán để được làm Sinh đồ thì đều bị trả về hạng thường dân, “phải cùng gánh vác phu phen tạp dịch”. 

Chiếu lập học là một chính sách rất kịp thời và tiến bộ dùng để cải cách giáo dục dưới triều Tây Sơn. Điều này trước hết chính là sự quan tâm của nhà nước đối với việc học, ngoài ra với vai trò của mình Ngô Thì Nhậm cũng đã góp phần mình trong sự nghiệp giáo dục của triều Tây Sơn khi ông trực tiếp viết ra bài chiếu này.

Bài chiếu đã đề cập đến vấn đề nhức nhối của xã hội đương thời lúc này, đó là những tệ nạn trong vấn đề tuyển chọn người tài, hệ thống cơ sở giáo dục xuống cấp, người thực tài lại không được trọng dụng. Tuy nhiên, sau khi ban Chiếu lập học, tình hình giáo dục thi cử triều Tây Sơn đã có những bước đổi thay, như lời cuối của bản chiếu đã viết: “Việc này quan hệ đến điển chương lớn buổi đầu, ai nấy phải mài rũa chí khí, phấn chấn tinh thần để đón phúc lành, để cùng bước lên con đường thênh thang, giúp cho nền thịnh trị trong sáng”.

Cho đến nay tinh thần cải cách đổi mới nền giáo dục nước nhà trong Chiếu lập học của vua Quang Trung vẫn còn nóng hổi. Trong kết luận số 51-KL/TW ngày 29-10-2012 của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (khóa XI) về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một yêu cầu khách quan và cấp bách của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta trong giai đoạn hiện nay”.

Nguyễn Huy Khuyến


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.