Multimedia Đọc Báo in

Nhiếp ảnh Việt Nam: Song hành cùng những dấu ấn thời đại

20:03, 15/03/2013

Cách đây 60 năm, ngày 15-3-1953, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam.

Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự phát triển và định rõ hướng đi cho nhiếp ảnh đồng thời tạo nền móng cho sự phát triển của ngành nhiếp ảnh. Cũng chính từ sự kiện đó, ngày 16-2-2002, Nhà nước đã cho phép chính thức lấy ngày 15-3 hằng năm làm ngày Truyền thống của giới Nhiếp ảnh Việt Nam.

  Lễ  kết nạp hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh  Việt Nam.
Lễ kết nạp hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

 

Nền Nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam phát triển rực rỡ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Các bức ảnh tiêu biểu của nhiếp ảnh Việt Nam trong giai đoạn này hầu hết là đề tài chiến tranh và cách mạng. Rất nhiều tác phẩm ảnh quý trở thành tư liệu vô giá, là bằng chứng lịch sử, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trước những kẻ thù tàn bạo.


Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Nam miền Trung và Tây Nguyên tổ chức giao lưu,  sáng tác, triển lãm tại Dak Lak.
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Nam miền Trung và Tây Nguyên tổ chức giao lưu, sáng tác, triển lãm tại Dak Lak.

 

Cho đến hôm nay, bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, vẫn nguyên vẹn hình ảnh Lễ thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các chiến sĩ ở mặt trận Đông Khê, bộ đội kéo pháo ở Điện Biên Phủ… Đó là những dấu mốc lịch sử, là hình ảnh Việt Nam, là tư thế của người chiến sĩ tạc vào lịch sử. Hình ảnh anh bộ đội đội mũ rơm trên mâm pháo của Vũ Tạo, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” của Nguyễn Hân, “Tải đạn ra chiến trường” của Lê Chí Hải… ghi lại tư thế dũng cảm của con người Việt Nam. Cũng trong trận địa pháo quen thuộc, Mai Nam mang đến cho người xem tác phẩm “Cảnh giác”, giản dị mà sâu xa, bức ảnh nói lên cuộc chiến đấu sống còn của đất nước, của dân tộc. Trên những nẻo đường hành quân, những đoàn quân trập trùng ra trận, những đoàn xe vượt qua trọng điểm đã để lại những hình ảnh đáng nhớ như phóng sự ảnh “Đường ra tiền tuyến”, “Vết xe lăn” của Nguyễn Đình Ưu,  “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của Minh Trường, “Chống lầy” của Lương Nghĩa Dũng, “Mười hai cô gái Ngã ba Đồng Lộc” của Văn Sắc, “Cầu người” của Văn Thính, các bộ ảnh về Trường Sơn của Vương Khánh Hồng, của Trọng Thanh… Với những cái nhìn trực diện khác, tác phẩm “Dưới chân anh Giải phóng” của Ngọc Thông, “Trên đồi không tên”, “Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu” của Đoàn Công Tính, “Đấu pháo ở căn cứ Đầu Mầu” của Lương Nghĩa Dũng, “Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất” của Đinh Quang Thành… đã khắc họa cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ và khốc liệt của dân tộc ta. Những bức ảnh “Từ thần sấm xuống xe trâu” của Văn Bảo, “Uy thế không lực Huê Kỳ” của Phan Thoan, “Sự trừng phạt đích đáng” của Quang Văn, hay “Những cô gái Ngư Thủy”, “Các lão dân quân Hoàng Hóa”, “Mẹ Suốt chèo đò”, hay các bức ảnh “Đường ra tiền tuyến” của Đinh Thúy, “Phòng mổ dã chiến” của Võ An Khánh… và nhiều tác phẩm tiêu biểu khác của nhiều tác giả như Lâm Hồng Long, Nguyễn Bá Khoản, Nguyễn Tiến Lợi, Triệu Đại, Vũ Ba, Hoàng Linh, Trịnh Hải, Vũ Tín, Chu Chí Thành, Xuân Liễu, Bùi Duy Ly, Phạm Kỉnh, Triệu Hùng, Dương Thanh Phong, Lâm Tấn Tài, Nguyễn Đặng, Thanh Hảo, Vũ Quang Huy, Trần Cừ, Minh Lộc, Tô Na, Phạm Kim, Nguyễn Đức Chính, Phạm Tuệ, Vũ Tiu, Hứa Kiểm, Phan Cảnh…

Trong số đó tiêu biểu là các tác phẩm đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Nhiều tác phẩm nhiếp ảnh đã đưa đến cho người xem những cảm giác sống động, hào hùng quyết liệt, vừa thân thương, vừa ấm áp và tự hào về những người chiến sĩ trong công cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là tiêu điểm sáng chói mà các nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã ghi lại, điều đó nói lên một thời oanh liệt, chịu đựng gian khổ và hy sinh của dân tộc ta. Đó là hình ảnh cao đẹp, là di sản vô giá của đất nước.

Từ 71 hội viên sáng lập năm 1965, đến nay Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã có hơn 900 hội viên với 3 thế hệ cầm máy, sinh hoạt ở hầu hết khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Với đặc thù của nghệ thuật nhiếp ảnh là có công chúng rộng rãi, hoạt động nhiếp ảnh những năm gần đây đã được xã hội hóa mạnh mẽ, có sự hỗ trợ của các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhờ vậy, có thể nói nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật có khả năng bám sát cơ sở nhất, được quần chúng yêu thích và hưởng ứng. Ngoài việc trưng bày triển lãm, ảnh đã được sử dụng rộng rãi trong việc tuyên truyền, báo chí, xuất bản và đặc biệt là nhiếp ảnh hiện diện trong mỗi gia đình từ việc lưu giữ kỷ niệm ngày sinh, ngày cưới đến tang lễ, gặp gỡ người thân, tham quan du lịch…

Cùng với hoạt động sáng tác và triển lãm trong nước, Nhiếp ảnh Việt Nam đã tích cực, chủ động vươn xa, hội nhập với Nhiếp ảnh thế giới. Năm 1991, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trở thành thành viên quốc gia của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP), một tổ chức có uy tín của các nhà nhiếp ảnh trên thế giới. Có thể nói đây là giai đoạn hội nhập rõ nét nhất trong tiến trình phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam từ trước đến nay. Những năm gần đây, triển lãm ảnh quốc tế đã được tổ chức thường niên tại Việt Nam. Ảnh Việt Nam đã xuất hiện nhiều tại các cuộc thi và triển lãm ảnh quốc tế, ở các châu lục. Hàng trăm Huy chương Vàng, Bạc, Đồng của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam từ các cuộc thi ảnh quốc tế, đã mang lại vẻ vang cho đất nước. Từ kết quả các cuộc thi ảnh quốc tế và quá trình hội nhập, đến nay Việt Nam đã có 198 người được mang các tước hiệu của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế. Thông qua việc giao lưu nhiếp ảnh bạn bè đã hiểu biết hơn về đất nước, con người Việt Nam. Cũng qua giao lưu nhiếp ảnh, Nhiếp ảnh Việt Nam đã tiếp thu tinh hoa của nhiếp ảnh thế giới. Nhiếp ảnh phát triển rộng khắp ở các địa phương, nhiều câu lạc bộ nhiếp ảnh hình thành và hoạt động rất tích cực, góp phần nâng cao mức hưởng thụ, sáng tạo văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở.

 Tấn Vịnh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.