Điểm tựa phát triển bền vững: Gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của buôn làng
Cuộc sống đậm chất thơ và nhạc của các dân tộc bản địa Tây Nguyên nói chung và Dak Lak nói riêng đã đem đến cho vùng đất này sức hấp dẫn, lôi cuốn kỳ diệu. Sự nỗ lực của công tác bảo tồn văn hóa trong những năm qua ở tỉnh ta cũng chính là làm thế nào để gìn giữ được chất Tây Nguyên ấy trong đời sống cộng đồng hôm nay.
Dạy lớp trẻ yêu chiêng
Tháng 11-2005, Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” Gắn bó mật thiết với cuộc sống của cộng đồng các dân tộc bản địa, cồng chiêng là thứ nhạc cụ mang tính linh thiêng và có sức lay động nhất… Tuy nhiên, cồng chiêng Tây Nguyên suy giảm nhanh chóng về số lượng; các bài nhạc chiêng dần dần bị mai một; những nghệ nhân có đôi tai thẩm âm, có năng khiếu trong việc chỉnh chiêng cũng thưa vắng dần; sự thờ ơ, hờ hững của một bộ phận lớp trẻ với văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa cồng chiêng. Vì vậy, dạy cho lớp trẻ yêu chiêng cũng chính là một trong những cách bảo tồn những giá trị văn hóa trong đời sống buôn làng. Những lớp chiêng trẻ ở buôn Kram, xã Ea Tiêu (Cư Kuin); buôn Cư Nul, xã Yang Kang (Krông Bông); buôn Trấp (Krông Ana)… đã mang đến niềm tin mạnh mẽ cho cộng đồng về thế hệ kế cận cha ông. Chị Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng Văn hóa thể thao du lịch huyện Krông Bông chia sẻ, rất khó để duy trì thường xuyên những lớp đánh chiêng trẻ ở các buôn làng, bởi dạy cho các em biết đánh chiêng thì dễ, nhưng điều cốt lõi là làm sao cho các em phải thực sự yêu chiêng bằng cách nuôi dưỡng tâm hồn của các em bằng âm nhạc cồng chiêng. Chính vì vậy, trong những năm qua, địa phương đã mở nhiều lớp dạy đánh chiêng cho thanh thiếu nhi các buôn Băng Kung, Cư Mil (xã Ea Trul), Cư Nul A, Cư Nul B (xã Yang Kang), góp phần xây dựng cho toàn huyện được 15 đội chiêng trẻ. Một số lễ hội truyền thống của người dân tộc bản địa được gìn giữ, duy trì như Lễ mừng cơm mới, Cúng bến nước. Bên cạnh đó, qua hoạt động “Buôn vui chơi, buôn ca hát” mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được địa phương duy trì, tổ chức thường xuyên cũng góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân…
Với việc duy trì các lễ hội, những giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng đã được gìn giữ và phát huy. |
Giữ nếp nhà dài
Nhà dài không chỉ đơn giản là nơi che mưa, nắng, không gian sống của một gia đình hay một dòng tộc mà là không gian văn hóa, đời sống tinh thần của một cộng đồng. Chính vì vậy, ông Bhuôm Hmok, trưởng buôn Jun, thị trấn Liên Sơn (huyện Lak) luôn tự hào bởi những nếp nhà dài của buôn mình đến hôm nay vẫn được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Điều đó cũng góp phần làm cho buôn Jun mang một vẻ đẹp nguyên sơ bên hồ Lak hiền hòa. Được công nhận là Buôn Văn hóa từ năm 1989, đến nay, nét đẹp văn hóa ấy vẫn luôn được người dân trong buôn gìn giữ và phát huy. Mỗi nhà có chiều dài gần 30 mét gồm 5 gian, đủ cho 3 gia đình nhỏ trong đại gia đình mẫu hệ cùng sinh sống, sinh hoạt. Mặc dù cuộc sống có nhiều biến đổi, song nếp sống và những ngôi nhà sàn theo kiểu kiến trúc cổ truyền của đồng bào M’nông R’lăm được giữ gần như nguyên mẫu với mái lợp tranh dày đến 20 phân cùng vách thưng liếp nứa được bảo tồn qua thời gian. Nếu những nếp nhà dài ở buôn Jun mang vẻ đẹp nguyên sơ thì những nếp nhà dài ở buôn Akô Đhông của người Êđê gợi cảm giác về một vùng đất thanh bình của vùng cao nguyên đầy nắng và gió. Với 30 ngôi nhà dài vẫn tồn tại song hành bên những nhà bê tông, mái thái như một sự khẳng định về sức mạnh, giá trị của văn hóa truyền thống dân tộc. Chính vẻ đẹp đó đã làm nức lòng những ai đặt chân lên Buôn Ma Thuột.
Nhà dài, với bếp lửa, ghế Kpan, trống H’gơ, dàn chiêng, bộ chóe làm nên thế giới huyền bí của đời sống tinh thần, tâm linh của một cộng đồng dân tộc. Giữ nếp nhà dài cũng chính là gìn giữ nét đẹp với chiều sâu của không gian văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc bản địa nơi đây.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc