Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống ở vùng căn cứ cách mạng
Lễ hội chọi trâu của đồng bào Mông ở thôn Ea Lang. |
Trong xu thế hội nhập và nền kinh tế thị trường phát triển, không ít giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc nơi đây đang dần bị mai một. Một số buôn người dân tộc thiểu số bản địa dần xem nhẹ những lễ hội quan trọng như lễ cúng bến nước, cúng mừng lúa mới, cúng trưởng thành; nhiều gia đình không còn lưu giữ được những bộ cồng chiêng đã gắn bó với họ nhiều đời; đặc biệt, nhiều thanh thiếu niên bây giờ không còn mặn mà với âm thanh của tiếng chiêng, tiếng sáo, những làn điệu ay ray, hát ví, hát đối… Trước thực trạng đó, chính quyền xã Cư Pui đã quyết tâm phục dựng lại các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, tổ chức lễ hội văn hóa các dân tộc phía Bắc trên địa bàn xã. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: “Là xã đặc biệt khó khăn nhưng 2 năm vừa qua, địa phương đã đưa ra Nghị quyết, tập trung thực hiện việc bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa các dân tộc trên địa bàn; hỗ trợ kinh phí và đưa ra kế hoạch để các thôn, buôn tổ chức những hoạt động như: lễ cúng bến nước ở 5 buôn đồng bào dân tộc Êđê, M’nông vào dịp cuối năm; tổ chức lễ hội văn hóa cồng chiêng vào dịp Quốc khánh 2-9; tổ chức buôn vui chơi, buôn ca hát; hội thi hát dân ca truyền thống… Đặc biệt trong 2 năm vừa qua, xã đã tổ chức thành công lễ hội văn hóa các dân tộc phía Bắc ở 6 thôn đồng bào Mông vào dịp đầu năm với nhiều nội dung như: chọi trâu, chọi bò, múa khèn, ném còn, đánh cù… Thời gian tới, xã sẽ hỗ trợ kinh phí cho các buôn để duy trì đêm rượu cần bên bếp lửa truyền thống của người Êđê, M’nông tại Nhà sinh hoạt cộng đồng các buôn…”.
Bên cạnh đó việc truyền dạy cách chơi nhạc cụ dân tộc, dân ca, dân vũ đối với lớp trẻ cũng đã được những nghệ nhân ở các thôn, buôn quan tâm. Nghệ nhân Ama Chí (buôn Khanh) chia sẻ: “2 năm lại đây, mỗi tuần 1 tối, có rất đông trẻ em tập trung tại Nhà sinh hoạt cộng đồng để tập đánh chiêng đồng, chiêng K’ram, thổi sáo và tập hát ay ray. Mới đầu các cháu còn ngại, không thích học vì khó; sau quen dần nên rất tích cực tham gia…”. Ông Ama Vinh, Bí thư Chi bộ buôn Khóa cũng cho biết: “Hiện tại, trong buôn vẫn duy trì lớp dạy đánh chiêng K’ram cho các em thiếu nhi tại Nhà sinh hoạt cộng đồng vào tối thứ 7 hằng tuần. Các nghệ nhân trong buôn rất nhiệt tình truyền dạy cho các cháu”. Với các thôn đồng bào Mông, Tày, Nùng cũng vậy, vào tối thứ 7 và chủ nhật hằng tuần, hàng chục thanh thiếu niên tập trung ở nhà các nghệ nhân trong thôn để học đánh đàn tính, thổi khèn và hát dân ca. Ông Mã Văn Dư, Bí thư Chi bộ thôn Ea Lang tâm sự: “Các thôn đã trích kinh phí về tận các tỉnh phía Bắc mua khèn Mông và đàn tính để tập luyện. Hiện nay các cháu trong thôn đang tích cực tập luyện để tham gia hội thi tiếng hát dân ca được tổ chức tại xã vào dịp cuối năm…”.
Công việc điều tra, tổng hợp số lượng, sưu tầm các loại nhạc cụ, dụng cụ, đồ dùng lao động sản xuất và sinh hoạt truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đang được Ban Văn hóa xã thực hiện. UBND xã đã dành ngôi nhà sàn truyền thống để lưu giữ và trưng bày những đồ dùng, vật dụng sưu tầm được. Anh Y’Tưng Niê, cán bộ văn hóa xã Cư Pui cho biết: “Vừa qua Ban Văn hóa xã đã tổng hợp được 29 bộ chiêng đầy đủ và hơn 10 bộ lẻ ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục điều tra, tổng hợp và sưu tầm các loại nhạc cụ, dụng cụ sản xuất, dụng cụ săn bắt, đồ dùng sinh hoạt truyền thống như đàn goong, đinh năm, đinh puốt, sáo, xà gạc, xạc lay, rìu, gùi, cối giã gạo, ghế k’pan, ché rượu… Đồng thời phối hợp với ban tự quản, các đoàn thể ở thôn, buôn vận động bà con hiến tặng những đồ dùng, vật dụng có giá trị về lịch sử và trích ngân sách hỗ trợ các gia đình có những đồ vật có giá trị… Và mong muốn trong thời gian tới, địa phương sẽ xây dựng được một góc trưng bày phong phú các đồ dùng, vật dụng truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây để du khách có thể tham quan, chiêm ngưỡng mỗi khi về thăm khu căn cứ cách mạng”.
Có thể nói, bảo tồn các lễ hội của đồng bào Êđê, M’nông, Gia Rai đồng nghĩa với việc giữ được văn hóa cồng chiêng, văn hóa rượu cần, văn hóa thổ cẩm, văn hóa nhà dài…; bảo tồn được lễ hội văn hóa các dân tộc phía Bắc là giữ được tiếng khèn, tiếng đàn tính, tiếng kèn lá, lễ hội chọi bò… Những sắc màu văn hóa này sẽ cùng hòa quyện, tạo nên một nét đẹp văn hóa đa dân tộc trên vùng căn cứ cách mạng. Việc bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa trong giai đoạn hiện nay là một thách thức không hề nhỏ và để thực hiện được điều đó, xã Cư Pui đang nỗ lực thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với mong muốn những hoạt động này sẽ trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào nơi đây.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc