Multimedia Đọc Báo in

Chân dung người lính qua "Ký ức chiến tranh"

09:56, 31/07/2014

Tôi bắt gặp cuốn hồi ký “Ký ức chiến tranh” của tác giả Vương Khả Sơn trong tủ sách ở Nghĩa trang Trường Sơn.

Tựa đề cuốn sách như có sức hút, lôi cuốn tôi ngay từ đầu. Tôi lần đọc hồi ký được viết bởi một người lính với sự thôi thúc mãnh liệt. Qua tác phẩm, chân dung người lính dần được tái hiện qua những trang viết hết sức chân thực, sinh động về cuộc chiến tranh gian khổ nhưng hào hùng của dân tộc… 

Hồi ký “Ký ức chiến tranh” dài khoảng 200 trang, kể về những kỷ niệm của người lính trẻ Vương Khả Sơn từ lúc lên đường nhập ngũ năm 1971 (khi chưa tròn 18 tuổi) cho đến ngày non sông ca khúc khải hoàn, đất nước thống nhất 30-4-1975. Trong quãng thời gian 4 năm của cuộc chiến, với một không gian rộng lớn trải dài từ Quảng Bình khói lửa đến bước chân vượt Trường Sơn sang đất bạn Lào-Campuchia rồi vòng về miền Nam… Tác giả hồi ức lại những ngày tháng khốc liệt của cuộc chiến bằng những tình tiết, tình huống, trận đánh, sự kiện hết sức sinh động, như dẫn dắt độc giả ngược về quá khứ, hòa mình vào cuộc chiến để cảm nhận không khí sục sôi của kháng chiến và phần nào thấu hiểu, cảm nhận được những hiểm nguy, vất vả hy sinh mà những người lính ngày ngày đối mặt. Bằng ý chí, nghị lực phi thường, họ đã vượt qua tất cả để làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộ; từ đó thêm trân trọng, tri ân những người đã ngã xuống cũng như trách nhiệm phải giữ gìn thành quả của độc lập tự do. 

“Ký ức chiến tranh” - cuốn sách rất bổ ích cho giới trẻ.
“Ký ức chiến tranh” - cuốn sách rất bổ ích cho giới trẻ.

Những chi tiết kể về các trận đánh ác liệt, hiện thực dữ dội của cuộc chiến cũng như những hy sinh đau thương của đồng đội được Vương Khả Sơn tả lại bằng bút ký chân thực, người đọc cảm nhận phần nào có vẻ trần trụi vốn dĩ như bản thân cuộc chiến vậy. Song cũng chính từ đó, chân dung, hình tượng người lính được Vương Khả Sơn khắc họa một cách đậm nét: đó là thế hệ tuổi trẻ một thời mang trong mình lý tưởng cao cả, một trái tim nồng nàn yêu nước cùng hào khí “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Một thế hệ thanh niên mà như tác giả đã khẳng định: “Lớp thanh niên chúng tôi thời ấy hầu hết xem việc được cầm súng đánh giặc, giải phóng miền Nam là một hạnh phúc, một lý tưởng cao cả của tuổi trẻ. Dẫu biết rằng sự hy sinh, tổn thất là tất yếu và đang đợi phía trước…”. Và rồi khi bước vào cuộc chiến, những người lính trẻ tuổi chỉ mới đôi mươi ấy phải đối mặt với biết bao khó khăn, gian nan thử thách dọc chặng đường hành quân, với “Đôi chân rã rời, như muốn đứt lìa” cộng với cái đói, cái khát… song họ vẫn giữ vững lý tưởng, ý chí quyết tâm, vẫn tự tin, yêu đời, tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến: “Chúng tôi hít căng lồng ngực, hát say sưa, tha thiết quên cả đói khát, mệt nhọc gian khổ và đau đớn!”… Bằng một trí nhớ đáng kinh ngạc, trong không khí hối hả, gấp gáp của cuộc chiến, Vương Khả Sơn đã miêu tả lại một cách chi tiết và đầy đủ về những cuộc hành quân vượt đèo cao, sông sâu, núi cả, những trận đánh giáp lá cà… để từ đó làm nổi bật lên hình tượng hào hùng, anh dũng và cả khúc bi tráng của người lính trong chiến tranh. 

Đáng trân trọng hơn, xuyên suốt hồi ký là một giọng văn đầy khách quan, tác giả hầu như không đề cập đến cái tôi cá nhân cũng như không rao giảng về lý tưởng, về tình yêu quê hương đất nước, song qua những hình ảnh về đồng đội, người đọc có thể cảm nhận được tinh thần không ngại hy sinh gian khổ, sẵn sàng đón nhận, hy sinh vì quê hương đất nước của một thế hệ. Hình ảnh người chính trị viên phó đại đội Nguyễn Văn Doãn bị địch bắt, tra tấn, bêu đầu… được tác giả thuật lại trong hồi ký như một minh chứng, tái hiện chân thực hiện thực lịch sử khốc liệt, bi tráng về tượng đài bất tử của người chiến sĩ. Cũng qua những trang viết được trải nghiệm bằng chính máu xương của tác giả, người đọc còn có thể cảm nhận được sự trân trọng, tri ân của tác giả với đồng đội; những day dứt, trăn trở khi hài cốt những đồng đội đã hy sinh, nằm lại nơi đất khách quê người đến nay vẫn chưa tìm thấy…

Chân dung người lính qua “Ký ức chiến tranh” còn hiện ra với một vẻ đẹp cao thượng, đầy vị tha, thấm đẫm chất nhân văn của người Việt Nam. Đó là câu chuyện về người lính bên kia chiến tuyến Nguyễn Văn Hoành bị thương được những người đang chiến đấu vì cuộc chiến chính nghĩa băng bó vết thương trong một trận đánh… “Ông Hoành thật lớn phước, bị thương nặng nhưng đã được một ông “Việt Cộng” nào đó băng bó vết thương rồi tha mạng” - lời nhận xét của đồng đội người lính sống sót Nguyễn Văn Hoành đã tô đậm thêm vẻ đẹp cao thượng của người lính cách mạng…

“Ký ức chiến tranh” khép lại với những hồi ức của tác giả về thời khắc thiêng liêng, niềm vui vô bờ bến khi đất nước trọn niềm vui thống nhất và những cảm xúc ngập tràn khó tả. Xin cảm ơn tác giả về cuốn Hồi ký như một tư liệu lịch sử sống động, để thế hệ trẻ hôm nay khi đọc hồi ký có thể tìm lại bóng dáng của cha ông mình một thời máu lửa, để từ đó sống tốt hơn, sống xứng đáng hơn với quá khứ hào hùng ấy.

Đăng Triều

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.