Multimedia Đọc Báo in

"Hồn thiêng đất Việt" - đưa các Anh về đất Tổ

08:42, 27/07/2014

Sau gần 3 năm trăn trở, mới đây nghệ nhân Võ Văn Hải đã hoàn thành tâm nguyện với “Hồn thiêng đất Việt” – bản đồ được làm từ đất Nghĩa trang Liệt sĩ của 63 tỉnh, thành…

Còn nhớ cách đây hơn 2 năm, nghệ nhân Võ Văn Hải, hội viên  Hội Văn học - Nghệ thuật Dak Lak hồ hởi bật mí với giới truyền thông về ý tưởng: sẽ đi xin đất tại Nghĩa trang Liệt sĩ của 63 tỉnh, thành trên cả nước để về làm một chiếc bản đồ và dâng lên đúng dịp giỗ Tổ Hùng Vương (vào ngày 10-3 âm lịch năm 2012). Với tác phẩm ấy, nghệ nhân Hải gửi gắm tấm lòng tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ và hy vọng được đưa hương hồn các anh về sum tụ nơi đất Tổ để mỗi người dân Việt khi tìm về cội nguồn con Lạc cháu Hồng cũng có dịp bày tỏ sự biết ơn những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Trong lời tựa cho tác phẩm “Hồn thiêng đất Việt”, nghệ nhân Hải đã viết: “Hồn thiêng đất Việt là sự tri ân của một dân tộc đối với các bậc tiền nhân cùng những anh hùng liệt sĩ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, đã thắp ngọn đuốc thiêng sáng soi trang hồng sử Việt. Là người con đất Việt, từ trái tim tôi bừng sáng lòng yêu Tổ quốc, yêu quê hương da diết, sự trăn trở hằng đêm thức trắng chỉ vì mình chưa làm được gì cho đất Việt thân thương. Sự suy tư, cùng quyết tâm làm một điều gì cho Tổ quốc cứ mãi theo tôi rồi tràn lên khóe mắt, những dòng lệ ấy đã tươi xanh lòng kiên nghị và quyết tâm làm nên “Hồn thiêng đất Việt” …”.
Nghệ nhân Võ Văn Hải cặm cụi, tỉ mẩn làm bản đồ được thiết kế từ đất xin tại Nghĩa trang Liệt sĩ của 63 tỉnh, thành
Nghệ nhân Võ Văn Hải cặm cụi, tỉ mẩn làm bản đồ được thiết kế từ đất xin tại Nghĩa trang Liệt sĩ của 63 tỉnh, thành.
Nghĩ là làm, ông bắt đầu cho cuộc hành trình của mình bằng việc trình bày ý tưởng với ngành chức năng của tỉnh và được UBND tỉnh cấp cho một văn bản coi như một giấy giới thiệu, tạo điều kiện giúp ông có thể đi làm việc với các tỉnh, thành để xin đất tại các nghĩa trang liệt sĩ. Hầu hết chi phí cho công trình này ông tự bỏ tiền túi. Căn nhà kiên cố nằm trên đường Y Wang, TP. Buôn Ma Thuột sau khi bán, ông làm cho vợ con một ngôi nhà nhỏ ở trong rẫy, số tiền còn lại ông làm lộ phí cho cuộc hành trình. Với chiếc xe máy cà tàng, một mình ông rong ruổi đến nhiều tỉnh, thành. Trong những trang nhật ký, ông viết:  “Sáng ngày 1-11-2011, lẵng hoa tươi được dâng lên Đài liệt sĩ của Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Dak Lak. Đại diện Binh đoàn Tây Nguyên thắp nén hương xin mẫu đất đầu tiên cho cuộc hành trình…”. Hành trình lấy đất từ ngày 1-11-2011 kéo dài đến 7-2-2012, do nhiều lý do, trong đó có vấn đề về kinh phí nên ông buộc phải dừng lại. Kế hoạch dâng tặng bản đồ lên đúng ngày 10-3-2012 theo như tâm nguyện ban đầu ông đành lỗi hẹn.  Toàn bộ số đất mà ông đã xin được từ Nghĩa trang Liệt sĩ của khoảng 40 tỉnh, thành, ông xin gửi lên Chùa Phổ Minh. Ngay tại căn nhà tuềnh toàng ở tít sâu trong rẫy, ông cũng lập miếu thờ các anh hùng liệt sĩ.
Sau những tháng ngày trăn trở, vất vả, “Hồn thiêng đất Việt” đã hoàn chỉnh
Sau những tháng ngày trăn trở, vất vả, “Hồn thiêng đất Việt” đã hoàn chỉnh

Dở dang cuộc hành trình, ông ngày đêm trăn trở và tự thấy có lỗi với hương hồn các anh hùng liệt sĩ. Đến đầu năm 2014 được sự hỗ trợ của Trung tâm Tổ chức kỷ lục Việt Nam và Chùa Hoa Lâm ở TP. Buôn Ma Thuột, ông hào hứng được tiếp tục thực hiện tâm nguyện. Ròng rã từ ngày 18-3 đến giữa tháng 6 năm nay, một mình ông đã lặn lội đi 22 tỉnh, thành để xin đất tại các Nghĩa trang Liệt sĩ. Ngày 10-6 là ngày cuối cùng ông kết thúc việc đi xin đất của 63 tỉnh, thành với điểm dừng là Nghĩa trang Hàng Dương của huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đến công đoạn làm bản đồ, ông dùng tấm bản đồ bằng giấy chính thống được công nhận rồi đưa lên máy scan để lấy kích thước, trên cơ sở đó phân chia tỷ lệ các tỉnh, thành phố cho tấm bản đồ của mình một cách hợp lý. Ranh giới, diện tích các tỉnh, thành trên bản đồ được ông dùng chính đất xin tại Nghĩa trang Liệt sĩ của tỉnh, thành đó để thể hiện. Cùng chung một ý tưởng này, ông dày công làm 3 tấm bản đồ. Một tấm có chiều cao 3,5 m với chủ đề “Tổ quốc ghi công” sẽ trưng bày tại Bảo tàng Dak Lak từ ngày 27-7-2014 đến ngày 10-3 năm 2015, sau đó sẽ dâng lên Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tấm bản đồ thứ hai có chiều cao 2,3 m với chủ đề “Tôn giáo và dân tộc, quốc thái dân an” được đặt tại Chùa Hoa Lâm, TP. Buôn Ma Thuột. Tấm bản đồ thứ 3, cao 1,6 m, có chủ đề  “Hồn thiêng đất Việt cùng Tây Nguyên hướng về biển đảo”, được làm toàn bộ bằng gỗ cây Kơnia - loài cây được xem như sự linh thiêng cùng sức mạnh Tây Nguyên, sẽ chuyển tặng huyện đảo Trường Sa.

Nghệ nhân Võ Văn Hải chia sẻ: “Khi bắt tay vào làm công trình này, tôi hoàn toàn không có ý định để xác lập kỷ lục bởi sự linh thiêng, sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ chẳng kỷ lục nào sánh được…”.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.