Multimedia Đọc Báo in

Hình tượng người lính biển qua những vần thơ

21:02, 19/12/2014
Trong mảng thơ ca viết về người lính biển, có lẽ nhiều người thuộc “nằm lòng” những vần thơ như có cánh trong bài “Thơ tình người lính biển” của nhà thơ Trần Đăng Khoa.
 
Nét đặc biệt trong bài thơ này chính là sự cảm nhận của ngay người trong cuộc - thơ của người lính biển viết về chính mình, đồng đội mình: “Anh ra khơi/ Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng/ Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng/ Biển một bên và em một bên…/ Biển ồn ào, em lại dịu êm/ Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ/ Anh như con tàu, lắng sóng từ hai phía/ Biển một bên và em một bên…”. Phút ra khơi cũng là giây phút hạnh phúc hiếm hoi của người lính biển: “Biển một bên và em một bên”. Đọc tiếp bài thơ, lòng ta trào dâng biết bao cung bậc cảm xúc. Những người lính biển hôm qua, những người lính biển ngày nay, lúc nào cũng thế, luôn gánh vác trọn vẹn nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn vùng biển thiêng liêng của đất nước. Ở họ, cái nghĩa vụ chung với Tổ quốc, với quê hương gắn liền với tình riêng đôi lứa nồng nàn, trong trẻo. Họ có mặt trên tàu, ra khơi với một tâm trạng đặc biệt - một tâm trạng mà chỉ có người trong cuộc mới nói được một cách rõ ràng và đầy ấn tượng như thế: “Ngày mai/ ngày mai khi thành phố lên đèn/ Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc/ Thăm thẳm nước trời nhưng anh không cô độc/ Biển một bên và em một bên…/ Đất nước gian nan chưa bao giờ bình yên/ Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng/ Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng/ Biển một bên và em một bên…”. Trong những cuộc hành trình ra khơi giữa trùng trùng sóng gió, tình yêu Tổ quốc và mối tình tha thiết với người yêu vẫn luôn là “thứ thuốc đặc hiệu” để giúp người lính biển vượt qua muôn vàn gian nan thử thách.
Chiến sĩ Hải quân trên đảo Sơn Ca (Trường Sa) giao lưu văn nghệ           với các nghệ sĩ Đoàn ca múa Hà Nội.                               Ảnh: Đăng Triều
Chiến sĩ Hải quân trên đảo Sơn Ca (Trường Sa) giao lưu văn nghệ với các nghệ sĩ Đoàn ca múa Hà Nội. Ảnh: Đăng Triều

Cũng viết về hình ảnh người lính biển, nhưng nhà thơ “xứ Nẫu” Nguyễn Thanh Mừng lại có một cái nhìn riêng, khá đặc biệt. Điều khá đặc biệt thứ nhất là, nhà thơ đã khắc họa hình ảnh người lính biển bằng một bài thơ “Hào phóng thềm lục địa” dài đến 110 câu (như bản trường ca). Điều đặc biệt thứ hai, dù là một bài thơ khá dài, nhưng trong mỗi câu chữ đều lung linh một vẻ đẹp khác lạ không chỉ về hình tượng của người lính Hải quân mà còn cả những người thân của họ. Qua những “thông điệp” thơ ấy, bạn đọc phần nào hiểu rõ nỗi gian nan, vất vả, thử thách, hy sinh mà một góc nào đó còn hơn cả trong thời chiến của những người lính biển: “Quen việc căng thân mình đầu sóng gió/ Quen cơn bão đánh tên bằng con số/ Tít một xóm làng còn có mẹ cha/Những tóc bạc lặng thầm mỗi đêm giao thừa mỗi ngày kỵ giỗ/ Người vợ trên đất liền của anh phải biết cách làm thế nào để không hóa đá/ Đứa con trên đất liền của anh phải học cách chống chọi với sự trống trải của căn nhà thiếu đàn ông trước khi học chữ/ Người yêu trên đất liền của anh bần thần trước chiếc nhẫn đính hôn/ Thửa ruộng xưa đất liền/ Ngõ phố xưa đất liền/ Và bao nhiêu thứ/ Phải biết giấu nỗi đợi trông ở góc bờ nào…”. Sự gian nan, vất vả, hy sinh của các anh ở một góc nào đó còn hơn cả trong thời chiến của những người lính biển, bởi trong khi các anh phải giản lược những điều kiện sinh tồn tối thiểu của đời người, thì không ít người “vẫn trùm chăn đọc sách”, “mở vi tính làm thơ” “Thả vào diễn đàn sấm rung chớp giật”; “Những siêu thực, những tượng trưng những hậu hiện đại những tân hình thức”. Rồi hơn thế, có những kẻ còn đưa ra “Những dự án nhập nhằng ẩn danh vì dân vì nước” và cả “Tiếng đồng tiền chảy vô két bọn maphia”. Những thứ đó diễn ra, “Giữa lúc các anh thương nhớ cồn cào/ Thèm một bát canh thiếu phụ/ Thèm những tiếng trẻ bi bô bịt mắt bắt dê/ Thèm nắm bàn tay người mình yêu tung tẩy dưới những giọt mưa”, thế mà các anh vẫn không hề để ý...

Còn trong trường ca “Tổ quốc – Đường chân trời” của Nguyễn Trọng Văn, hình tượng người lính biển cũng hiện lên đầy xúc động: “Những người lính nguyện thân làm “Cột mốc”/ Họ băng qua những ngày biển động/ Gạt sương mù đón ánh mai lên/ Tia nắng mặt trời/ Mọc ở trái tim/ Mọc ở nơi biết mình đang sống/ Mặt trời mọc trên từng ngọn sóng/ Mọc trên từng tấc đảo Trường Sa…” để “Đẩy rình mò ra mãi khơi xa”. Nơi ấy, biết bao hiểm nguy rình rập họ. Họ có thể hy sinh vì ốm đau, vì giông bão và vì cả với những thế lực đen tối luôn rình rập xâm lấn lãnh hải ta: “Con nằm đây, giữa cát bỏng/ Trường Sa/ Bên bờ sóng vỗ/ Đã sắp mười năm/ Sẽ lại mười năm nữa/… Mười năm nữa…/ Tuổi hai mươi sáu, con như cánh buồm neo bến đậu/ Chờ buổi tốt trời, dóng hướng ra khơi…”. Những người lính biết hy sinh thân mình như thế nhưng cuộc sống đời thường của họ lại rất dung dị và cảm động. Chỉ những giọt nước ngọt thôi mà họ phải dặn dò nhau: “Uống một ngụm tí thôi, đỡ khát/ Nhớ để dành chăm mấy “hộp rau”/ Nhớ dành/ Kẻo lúc ốm đau/ Sốt nóng, sẽ đòi uống nước…”. Thế đó, với những người lính biển, nước ngọt chính là nguồn sống, thế nhưng những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Văn và cả những lời thơ chân chất của nhà văn Văn Chinh cũng làm ta xúc động đến nao lòng: “Trường Sa nước tắm nửa xô/ Cọ mình nuôi tre từng ngụm/ Khốn khổ người lính toàn cát/ Thương nhau mà sống đấy thôi/ Tre nương hơi người măng mọc/ Tre chiều hướng gió thân vươn/ Tháng năm măng dần trổ lá/ Tháng mười thành góc quê hương...”.

Biển đảo và hình tượng người lính biển là đề tài “nóng” hiện nay trong văn học nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng. Hiện tại và tương lai, biển đảo càng quan trọng hơn với đất nước chúng ta. Từng hải lý biển, từng tấc đảo, Hoàng Sa, Trường Sa… là máu, mồ hôi của ông cha để lại. Người lính biển đang phải gánh gồng trách nhiệm giữ gìn biển đảo nặng nề hơn bao giờ hết và hình tượng người lính biển sẽ luôn là nguồn cảm hứng bất tận của những người cầm bút hôm nay và mai sau.

Nguyễn Viết Chính    


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.