Multimedia Đọc Báo in

Mùa na chín

07:15, 10/10/2015

Góc vườn hẹp bà trồng một cây na dai. Cây na không chỉ tỏa bóng mát xuống khoảng sân vuông bên giếng khơi, mà còn luôn mang lại niềm háo hức đợi mong cho mấy đứa em nhỏ và tôi khi nghe tiếng chim chào mào hân hoan rủ nhau về hót ríu rít trong vòm lá um tùm, xanh mướt. Tiếng hót của loài chim cánh nâu hiền lành ấy như thầm báo hiệu với lũ chúng tôi rằng vườn nhà đã đến mùa na chín...

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Mấy tuần đầu mùa na chín, góc vườn vốn dĩ tĩnh lặng bỗng chốc nhộn nhịp hẳn lên bởi tiếng chim rộn ràng, tiếng cười nói xôn xao của mấy anh em chúng tôi. Ngày nào cũng vậy, vừa ăn bát cơm rang béo ngậy của bà xong, điều mà chúng tôi nghĩ đến đầu tiên là phải chạy thật nhanh ra vườn, trèo lên cây na, với tay ấn khẽ vào từng quả một để thăm dò thử xem hôm nay có thêm quả na nào mới chín không? Đứa nào cũng hớn hở ra mặt. Chúng tôi tranh nhau trèo lên cây làm đàn chào mào hoảng sợ bay tản về phía hiên nhà lẩn trốn. Trong hơi sương lành lạnh buổi sáng, tôi ngửi thấy mùi na chín thoang thoảng đâu đây, đầy thôi thúc...

Bà tôi dặn, không giống như những loại quả khác, vỏ na rất mềm và dễ trầy nứt, cho nên, khi hái na phải biết nâng niu chúng thật cẩn thận, nhẹ nhàng. Ấy vậy mà đôi lúc, vì nôn nóng “lập công” để ghi điểm trong mắt mấy đứa em đang đứng ngửa mặt ngóng chờ bên dưới gốc mà tôi đã bất cẩn làm những quả na chín bị vỡ đôi. Những lúc như vậy, tôi thường nhanh nhảu chuyền những quả chín nẫu đấy xuống nhường cho chúng bẻ đều chia nhau, nhỏn nhoẻn ăn rất ngon lành. Rồi tôi lại thoăn thoắt vươn cành trèo hái như một chú khỉ. Nhìn chiếc rổ nan gác chắc chắn trên chạc ba cây na cứ đầy dần quả mà tôi không giấu nổi nụ cười sung sướng...

Rổ na tôi hái được mỗi sáng sẽ được bà chọn phát cho mỗi đứa cháu một quả thật bụ bẫm cất dành mang đến lớp. Chỗ na còn lại, bà xếp gọn vào chiếc thúng cùng mấy nải chuối hương vàng ươm vừa chín tới, đội lên đầu lặng lẽ mang ra chợ bán. Trở về sau những buổi chợ phiên đầy bận rộn, trong chiếc thúng của bà luôn chứa đựng rất nhiều thức quà nhỏ dành cho mấy anh em chúng tôi, hôm thì tập vở in hình chuột Mickey ngộ nghĩnh, hôm thì chiếc áo kẻ ca rô còn thơm mùi vải mới. Bà vừa móm mém nhai trầu vừa kể, na vườn nhà mình dễ bán, nhiều hôm chưa vãn chợ mà thúng na đã hết nhẵn rồi...

Vào mùng một hay ngày rằm, bà hiền từ sai tôi ra cây ra chọn hái những quả chín to nhất vào để bà sắp đĩa bày lên bàn thờ ông. Run rẩy cầm nén hương nghi ngút khói trên tay, bà tôi lầm rầm khấn xin điều gì đó mà tôi nghe không rõ. Khi nhang tàn, bà vái lễ rồi mang đĩa na xuống chia cho đàn cháu nhỏ. Bà chầm chậm giãi bày: “Ngày còn sống, ông các cháu thích ăn na lắm. Vậy mà ông bỏ bà mà đi tính đến nay đã mười mấy mùa na rồi...”. Bà nghẹn ngào nói đến đó thì đôi mắt chợt ươn ướt nước. Không khí trong gian nhà thoảng mùi na chín dìu dịu quyện hòa với mùi hương trầm ngòn ngọt dường như chùng xuống. Tôi biết bà đang thổn thức nhớ ông...

Tôi lớn lên và rời xa mảnh vườn nhỏ của bà, xa một thời tuổi thơ êm đềm dưới vòm na lưu giữ nhiều kỷ niệm. Thỉnh thoảng dạo quanh khu chợ sầm uất, tôi vẫn thường bắt gặp mấy sạp hàng bán na với tấm biển quảng cáo na đặc sản xuất xứ từ các vùng miền nổi tiếng. Nhưng với tôi, những quả na nơi góc vườn nhà bà luôn là thứ na tuyệt vời nhất. Cứ ngỡ rằng cuộc sống bộn bề đã làm mình quên đi những thức quả cây nhà lá vườn giản dị, đơn sơ ấy. Thế mà nhiều khi bỗng thấy quay quắt nhớ thương từng múi na trắng mềm, thơm ngọt của bà đã nuôi mấy anh em tôi khôn lớn đến bây giờ...

Thành phố lắm âm thanh nhưng đôi khi thiếu đi một tiếng chim chào mào thân thuộc nhắn nhủ với tôi rằng vườn nhà đang vào mùa na chín. Bà ơi, giờ này nơi quê xa, chắc lòng bà đang dâng đầy mong nhớ?

Phan Đức Lộc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.