Multimedia Đọc Báo in

"Thơ tình cuối mùa thu" - mối giao cảm ngọt ngào giữa thơ và nhạc

07:22, 11/10/2015
Mùa thu – mùa yêu, không biết tự bao giờ người ta đã mặc định như thế. Để rồi, cái mùa dịu dàng ấy nghiễm nhiên trở thành nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Dù là thơ, âm nhạc, hội họa hay bất cứ một loại hình nghệ thuật nào, ai cũng dễ dàng nhận ra trong từng tác phẩm sự giao hòa giữa đất trời, lòng người mỗi độ thu sang lắng dịu bao dư vị ngọt ngào, trong trẻo.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (1924 - 2015).
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (1924 - 2015).

Một trong những “bản tình ca mùa thu” đẹp đến nao lòng về tình yêu đôi lứa là giai phẩm “Thơ tình cuối mùa thu” của nữ sĩ Xuân Quỳnh, được chắp cánh bởi những giai điệu âm nhạc trữ tình, tài hoa của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Có lẽ, không một trái tim đa cảm nào có thể giấu được thổn thức, thả hồn mình giữa trời thu mênh mang khi nghe những ca từ này: “Cuối trời mây trắng bay/Lá vàng thưa thớt quá/ Phải chăng lá về rừng/Mùa thu đi cùng lá”. Đẹp thay khi trong những vần thơ tha thiết kia đã có sẵn nhạc tính, nên những giai điệu ngọt ngào cứ thế tự nhiên được rung lên đầy cảm xúc: “Mùa thu ra biển cả/Theo dòng nước mênh mông/Mùa thu vào hoa cúc/Chỉ còn anh và em…”. Hãy lắng lòng lại để chiêm nghiệm những câu thơ mộc mạc mà rất tình này, khi nó được lặp lại đến 4 lần trong bài thơ, và cũng là điểm nhấn được luyến láy nhiều nhất trong bài hát: “Chỉ còn anh và em”. Giản đơn mà sâu sắc, chừng ấy là đủ để khẳng định một tình yêu lứa đôi son sắt thủy chung, vượt qua thời gian, tuổi tác. Niềm tin đó thêm một lần nữa được kiểm chứng dẫu thời gian vẫn trôi, mùa thu đã cũ, ngoái lại nhìn quá khứ nuối tiếc một chút thôi, để biết yêu thương và nâng niu nhiều hơn khi đã cùng nhau đi qua bề bộn thăng trầm: “Tình ta như hàng cây/Đã yên mùa bão gió/Tình ta như dòng sông/Đã yên ngày thác lũ/Thời gian như ngọn gió/Mùa đi cùng tháng năm/Tuổi theo mùa đi mãi/Chỉ còn anh và em…”.

Có khi “Thơ tình cuối mùa thu” nghe như một lời tự sự về chút tình riêng tư của chính tác giả. Lúc khác, đó lại như là một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng, đầy trìu mến của những đôi lứa đang yêu về dự cảm thời gian sẽ mang theo tình yêu và tuổi trẻ của mình xuôi về quá vãng. Hiểu cách nào cũng hay, cũng tình. Lời thơ, giai điệu âm nhạc dàn trải toàn bài mang đến một chút dư vị buồn man mác nhưng sâu lắng, ngọt đằm. Đặc biệt, thành công của tuyệt phẩm này là bất cứ người đọc thơ, người nghe nhạc nào cũng có thể dễ dàng bắt gặp chính mình, chuyện tình của mình ở đó, để rồi lay thức bao rung cảm xốn xang giữa tiết trời heo may bảng lảng trong mối giao hòa bất tận giữa thiên nhiên với con người.

Giá trị của tuyệt phẩm này còn được thể hiện ở thông điệp ngợi ca tình yêu thủy chung son sắt, dù đi qua thăng trầm dâu bể, bản tình ca lứa đôi vẫn được ngân lên da diết, tiếp nối đời đời, trường tồn với thời gian. Dẫu anh và em đã là những người của mùa thu cũ, của mùa yêu xa, thì ngoài kia: “Kìa bao người yêu mới/Đi qua vùng heo may…”, họ cũng như mình đấy thôi, đã và đang nắm tay nhau đi qua mùa thu, đi qua thời tuổi trẻ tràn trề khát vọng cùng yêu dấu đong đầy và sẽ viết tiếp những bài ca tình yêu mới.

Cuộc gặp gỡ đầy duyên nợ giữa hai tâm hồn đa cảm, tài hoa khiến cho mối giao cảm giữa thơ và nhạc đạt đến sự thăng hoa tuyệt đỉnh. Cơ duyên đó đã để lại cho bao lứa đôi một “bản tình ca mùa thu” ngọt ngào, lắng sâu những cảm xúc đẹp, bất chấp sự bào mòn của tuổi tác, thời gian.

Ngô Thế Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.