Nỗi nhớ dã quỳ!
Theo quốc lộ 27, tôi xuôi về tận đèo Giang Sơn, rẽ qua Krông Na rồi vòng về Duy Hòa lên Buôn Ma Thuột, mất cả một ngày nhưng chẳng thấy bóng dã quỳ đâu. Thêm một ngày nữa, tôi lại tìm đến Đạt Lý - Hòa Thuận, vòng qua Ea Tu gặp quốc lộ 26 về Krông Pắc… để cuối cùng hoài công vì tịnh không một đóa sắc vàng. Lẽ nào loài hoa hoang dại kia đã mất? Tôi tiếc nuối và bần thần như vừa đánh mất một thứ gì quí lắm. Chắc bạn cũng như tôi, đã từng có kỷ niệm khó quên với dã quỳ nên mới khắc khoải đến thế.
Sắc vàng dã quỳ đã níu chân biết bao người khi đến Tây Nguyên. Ảnh: Bá Dũng |
Không một tấm hình dã quỳ gửi cho bạn, tôi đành trả lời email: “Thưa em, Ban Mê vắng bóng dã quỳ!”. Nhận được thư này, tôi chắc bạn sẽ tần ngần và rất nhớ về loài hoa ấy. Song, đừng buồn - đọc tạp bút này bạn sẽ vơi đi, dù dã quỳ không còn, nhưng sắc vàng hoang hoải ấy vẫn hằn in trong tâm tưởng mỗi người. Còn nhớ một bận lên Ban Mê chơi, cũng vào dịp này, tôi đưa bạn ra ven đô ngắm hoa dã quỳ. Dạo ấy, trên những ngả đường từ Kim Châu, Hòa Đông, Đạt Lý hay Duy Hòa, Ea Pốk… đổ về Buôn Ma Thuột đều nhuộm rực sắc vàng. Ngắt một đóa hoa lên ngắm nghía, bạn triết lý rằng: “Sống được như dã quỳ không dễ, bởi một lần được nở, thì cuộc đời thảo dã kia như vắt kiệt hết mình cho sắc màu chất ngất ấy. Đến lúc vàng phai thì gục xuống và tan vào trong đất, đợi đến kỳ đông tàn, xuân sang lại vươn mình đứng dậy, khoe một sắc vàng như không thể vàng hơn…”. Nhân sinh là vậy, nên khi ai biết được dã quỳ là sự hóa thân của một tình yêu thì sắc vàng kia không còn là màu mè nữa, mà đó chính là “lửa lòng” thổi bùng lên từ mối tình son sắt giữa chàng K’Lang và nàng H’Limh thuở nào...
Truyền thuyết kể rằng, K’Lang và H’Limh yêu nhau và cả cộng đồng người Lạch rất tự hào về họ. Có một ngày, con trai của tù trưởng bộ tộc Stiêng, vì tình riêng nên gây cảnh binh đao toan cướp H’Limh về làm vợ. Trong giết chóc, loạn ly và máu lửa, nàng đi tìm chàng và họ đã chết cùng nhau dưới mũi tên tẩm độc của kẻ thù. Nơi hai người gục xuống, có loài hoa mọc lên… và nhân gian gọi đó là dã quỳ (hay cúc quỳ) từ lúc nào không rõ. Truyền thuyết có hay không và dưới tên gọi nào không quan trọng, chỉ sắc vàng “như không thể vàng hơn” mà bạn nói với tôi tựa một tuyệt tác của trời đất ban tặng cho Tây Nguyên vào mỗi độ cuối đông, đầu xuân về là điều rất thực. Nhìn hoa nở miên man giữa trập trùng lũng dốc thì không ai không dừng lại ngẩn ngơ… Đã có lần bạn rủ tôi mang sắc vàng dã quỳ ra Hà Nội bày bán vào những dịp cuối năm với lý do rất lãng mạn: rằng vào thời điểm đó, trời Hà Nội chuyển rét, nếu có dã quỳ sẽ ấm áp hơn. Thêm nữa, thấy loài hoa lạ (đối với người thành phố) chen cùng “muôn hồng nghìn tía” đi ra từ những làng hoa nức tiếng như Ngọc Hà, Đan Phượng, Thường Tín… vốn đã quen mắt thì chắc chắn dã quỳ là “Đệ nhất sơn nữ hoa”, lo gì không ai mua!
Thật tình tôi rất thích ý tưởng mà bạn nói ra, nhưng khi rủ thêm một đồng nghiệp có máu lãng tử ở xứ ngàn hoa Đà Lạt cùng xuôi phương Bắc một chuyến với dã quỳ thì anh ta cười ngất mà rằng: Lãng mạn! Lãng mạn nhất trần đời. Ông có biết đưa dã quỳ đi khó nhất là gì không? Phải nguyên một mảng đồi vàng ngút ngàn kia, còn vài ba trăm cây thì thấm tháp gì. Bởi dã quỳ chỉ thật sự tuyệt đẹp và khơi gợi khi chen chúc bên nhau, tạo một vệt màu không dứt giữa trời đất mênh mông gió như Tây Nguyên này. Nói rồi, anh ta kể câu chuyện lãng mạn có liên quan đến một loài hoa từng đi qua đời mình. Đó là mùa xuân năm 1992, anh cùng vài người bạn “điên rồ” nữa mua mai anh đào từ Đà Lạt chở xuống TP. Hồ Chí Minh để bán. Sắc hồng của loài hoa kiêu sa ở xứ sở sương mù đã níu chân không ít người dừng lại ngắm nghía, trầm trồ… nhưng tuyệt nhiên không ai hỏi mua. Đến chiều 30 Tết, cái nắng phương Nam đã khiến những cành mai anh đào héo quắt, thế là cho và tặng anh xe ôm, chị bán hàng rong và cả lũ trẻ bụi đời… mỗi người mỗi cành đem về chơi Tết. Trong số đó, có người cám cảnh cho những chàng lãng tử bán hoa nên gửi lại vài đồng uống nước. Anh ta bảo số tiền chỉ đủ mua hai chai rượi đế, đĩa mồi để làm “một cuộc tất niên” tại chỗ, sau đó đón xe chở rau “quá giang” trở về Đà Lạt.
Mãi sau này, anh ta mới chia sẻ với tôi về kỷ niệm ấy và nói một câu chân tình: Ông cũng như tôi, đứa yêu dã quỳ, kẻ mê mai anh đào và xem đó là “tình nhân” của mình thì đừng đem hoa đi bán. Hàn Mặc Tử chỉ mới rao bán trăng thôi (Ai mua trăng, tôi bán trăng cho) mà đã trắc ẩn một đời, huống là… Thôi, cứ để cho hoa nở hết mình và trọn vẹn với cuộc đời thảo dã kia. Vàng “như không thể vàng hơn” của dã quỳ và hồng “không giống bất cứ hồng nào” của mai anh đào là tình nhân của những kẻ lãng mạn như chúng mình. Trong đó, tất nhiên có cô bạn xinh đẹp ở Hà Nội của tôi luôn nhớ ray rứt màu dã quỳ mỗi mùa hoa nở, bởi vào thời khắc ấy có bao nhiêu kỷ niệm đẹp ùa về…
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc