Multimedia Đọc Báo in

Ba người đều khóc

10:22, 26/10/2016
Đứa bé nào ra đời cũng được người thân mừng vui chào đón bằng nụ cười, có khi cả hoa nhưng Đức thì ngược lại. Sau này anh mới biết, ngày mình chào đời đã làm bùng phát oán hận của mẹ dành cho người lẽ ra Đức gọi là cha.
 
Anh lớn lên trong sự cách ngăn giữa hai bậc sinh thành, với một nửa yêu thương và nửa kia không thừa nhận. Nỗi tủi buồn, giận, thương đeo đẳng anh suốt thời tuổi trẻ, thôi thúc anh tìm hiểu cơ duyên cho mình được hiện diện trong đời này.

Chuyện có lẽ bắt đầu từ nỗi khát con trai của Năm Chữ; người đúng ra Đức gọi là cha ấy lại được mẹ anh nhắc tới như một kẻ lạ - “lão ấy”. Ông là độc đinh, được ví như “hũ mắm treo đầu giàn”, là anh của bốn em gái. Tới lượt mình, ông vẫn đẹp trai nhất nhà dù vợ đã qua năm lần sinh nở. Những lời chọc ngoáy như, ông cất nhà đẹp thì bị chê “làm nhà cho rể ở sao to thế”, vào cuộc nhậu thì bị xua xuống mâm dưới chỉ vì ông ngoại “ở thì tương lai”; từ chối rượu thì bị ép “phải rèn luyện để sau này còn uống rượu hầu của con rể”… càng làm ông bực. Ông cay đắng thổ lộ với người thân rằng, ông không đành lòng nhìn cây gia phả như một gốc cổ thụ sum xuê cành lá của nhà mình bỗng đứt ngang như đụng phải nhát chém. Bỏ ngoài tai những lời vận động sinh đẻ có kế hoạch ngày ngày được phát trên loa công cộng đầu thôn, bất chấp bị phạt do sinh con vượt mức, ông vẫn cố tìm con trai. Nhưng tín hiệu “dừng” đến từ phía vợ ông. Khi con gái thứ năm chào đời phải mổ, bà được cảnh báo không thể tiếp tục sinh con. Thế là ông âm thầm “cơi nới” quan hệ ngoài luồng.

Lúc Đức còn trong bụng mẹ, người trong xóm đã xầm xì, Năm Chữ đích thị là cha đứa bé. Người thì bảo từng thấy ông và mẹ Đức ngồi ở biền dâu mé sông từ đầu đêm đến gà gáy; ông Ninh - một lão nông hay kể chuyện tiếu lâm trong xóm thì thề có ngọn đèn làm chứng rằng, đã bắt gặp hai người quấn lấy nhau như bện dây thừng ngay trên vồng khoai nhà mình. Ông còn dự báo: “Con Hương đẻ thằng cu, chắc chắn Năm Chữ nhận ngay”. Nhưng không.

Đức đem lại niềm vui vô bờ cho người mẹ lỡ thì nhưng lại nhận được sự dửng dưng từ người cha đa mang, gần đấy nhưng xa đấy. Càng lớn Đức càng giống “lão ấy”, người trong xóm cứ thấy là vuốt má xoa đầu rồi kêu “Chữ con, Chữ con” nhưng Chữ cha vẫn khép lòng ngoảnh mặt trước cốt nhục của mình. Nhà ngoại Đức nhiều lần phát tín hiệu cầu thân, với ước mong giản dị là không muốn khuyết tên cha trong giấy khai sinh của đứa bé nhưng chỉ nhận được sự im lặng từ nhà “lão ấy”.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Cầu được ước thấy nhưng sao Năm Chữ không nhận con? Người trong xóm thắc mắc hỏi nhau rồi võ đoán, người thì bảo ông sợ vợ, kẻ thì cho ổng chờ thằng cu lớn lên để ngó cho kỹ, nếu là “chính chủ” mới nhận. Nghe xung quanh buông lời thăm dò xa xôi, cô em út ế chồng từng “đạo diễn” bao hư sự trong nhà Năm Chữ cất lời cao ngạo: “Anh tôi sao có thể hạ mình ngủ với một người như thế?!”. Hóa ra, khi làm một việc chẳng mấy tốt đẹp là chung đụng lang bạt nhưng người ta lại sợ mất thể diện.

Về nhan sắc, hai người cứ lệch pha như đen và trắng, đối lập nhau như một nghịch lý. Năm Chữ đẹp trai, đàn hát đều dở nhưng sau ngày quê hương hòa bình được sung vào đội văn nghệ xã, với lợi thế ngoại hình đẹp. Những tiết mục múa tạo hình thủ lĩnh, người cầm cờ hoặc hình ảnh nam nhi vạm vỡ với ngực trần chân đất, nâng mỹ nhân trên vai… đều do Năm Chữ đảm nhiệm. Dù thời gian qua mau, dù đã ngoài ba mươi, với nỗi lo cơm áo cho một gia đình đông đúc đè nặng nhưng ông vẫn phong độ lắm, vẫn nụ cười tươi hút hồn cùng những lời “có cánh” làm rung tim phái đẹp. Và nữa, nhà Năm Chữ thuộc hàng có của ăn của để, ông cha đều “Hán tự Quốc ngữ kim thông” nên từng là “cụ chánh” hay có chân trong “ngũ hương” của làng. Thời thế đổi thay nhưng đó được coi như dấu son thời dĩ vãng khiến họ lấy làm cao với láng giềng.

Hương thì ngược lại, cha mẹ cô đều là người ngụ cư, kẻ ác mồm gọi miệt thị là “dân trôi sông lạc chợ”, chẳng có họ hàng thân thuộc trong làng. Và nghèo, cái nghèo triền miên dai dẳng truyền từ đời cha đến đời con. Nhưng có lẽ, điều khiến Năm Chữ sợ xấu mặt khi công khai quan hệ với Hương rồi nhận con là do nhan sắc cô khiêm tốn ngậm ngùi. Nhìn cô, không ít người thầm trách bà mụ sao vụng về cẩu thả đến nhẫn tâm khi “nặn” một người con gái như thế. Với da đen, mắt lé, chân vòng kiềng, cô bị bọn trẻ trong xóm gán cho “có họ gần với Thị Nở”, đám thanh niên thì tránh xa; Năm Chữ đến với cô lén lút trong bóng tối một phần cũng vì thế. Nhìn Đức, những người láng giềng cứ xuýt xoa: “Đúng là mẹ cú đẻ con tiên”. Ông Ninh cải chính: “Nó đẹp giống cha”. Rồi ông chép miệng, tiếc cho người trong cuộc: “Chẳng biết Năm Chữ nghĩ sao lại không nhận đứa con ngời ngời như thiên thần giáng thế?!”.

Loanh quanh lòng vòng rồi những lời tự cao nhưng lại làm tổn thương người khác của em út Năm Chữ cũng đến tai Hương. Cô tức, giọng sắc lạnh: “Tự cho là cao quý như thế sao cứ dan díu khắp làng trên xóm dưới?!”. Liền đó, cô đoạn tuyệt “nẻo về nguồn cội” của con. Ở cùng xóm, ngày ngày vẫn gặp nhau nhưng họ nhìn nhau như người lạ; sự im lặng nặng như tảng đá ngăn cách họ với nhau. Những lần chở con đi học hay tiêm chủng, thấy Năm Chữ đứng sững nhìn theo, Hương ném lại những lời khinh khỉnh: “Cứ nhìn cho đã đi nhưng đừng hòng đụng vào cái móng chân của con tôi!”. Theo lời mẹ, cứ thấy Năm Chữ đón đường là Đức lại rẽ qua lối khác; có lần Đức khoe “kẹo bác Năm cho” đã bị mẹ bét vào mông rồi chỉ thẳng mặt: cấm nhận!

Chuyện của mẹ con Hương tạm lắng thì chòm xóm lại rộ tin đồn Năm Chữ đèo bòng cô thợ may nào đó ở chợ Hương An và đã kết “quả”. Người thì bảo cô này nõn nà, bắt mắt lắm; kẻ đưa tin, cô ấy rất thông thoáng cởi mở với đàn ông nên đã “tự túc” hai con rồi. Lại nghe, khi Năm Chữ đến may đồ, cô ta cứ đo đi đo lại chỗ “ngã ba” nên sinh tình, “dính” luôn. Ông Ninh chê trách Chữ bằng lối so sánh hạ cấp: “Người gì mà quan hệ bừa bãi như… gà!”. Đáp lại, Chữ đỏ mặt nhưng cười hềnh hệch, vẻ đắc ý khi nghe sắp có con trai.

Và con trai thật. Lần này cả nhà “lão ấy” hối hả, hồ hởi nhìn con nhận cháu ngay khi thằng bé còn chưa rụng rốn. Vào dịp đặt tên, đầy tháng, thôi nôi… Năm Chữ lại mở tiệc tưng bừng, hát hò thâu đêm; cứ như muốn khoe niềm vui với thiên hạ. Cô em út của ông đi “rao” khắp xóm: “Anh Năm tôi có phước, mẹ thằng bé vừa đẹp vừa giỏi nên chắc nó cũng thừa hưởng”. Phước lộc đâu chưa thấy nhưng cả bên nội xúm vào vun đắp cho nó. Mỗi lần thằng bé về giỗ chạp, nhà Năm Chữ lại rộn ràng niềm vui, nó là tâm điểm thu hút sự ưu ái của cả nhà. Những lúc ấy, đám chị gái chỉ còn là phông nền cho em trai tỏa sáng. Và đoạn kết những lần về thăm, nó luôn “thu hoạch” khá, với túi tiền căng phồng do gia đình bên nội đem lại.

Đỉnh điểm những ưu ái nhà Năm Chữ dành cho đứa con ngoài giá thú được thể hiện trong đám cưới của nó. Đang học lớp 12, thằng bé bỏ ngang rồi nằng nặc đòi cưới vợ; mặc người thân ngăn cản, nó vẫn quyết theo ý mình; đem luật pháp ra đe thì nó đòi chết. Thế là cả nhà phát hoảng, phải chiều, với một đám cưới hoành tráng. Phần tặng quà của nhà nội trong đám cưới thằng cháu khiến lắm người lác mắt. Người cho ít thì vài chỉ, kẻ cho nhiều cả cây vàng, vàng sáng chóe cả người, đè nặng cổ và đeo đầy các ngón tay của đôi vợ chồng trẻ. Người cho kẻ nhận đều hân hoan hỉ hả; dư âm đám cưới to nhất làng râm ran kéo dài; các bà ưa hóng hớt trong xóm lại có thêm đề tài đưa tin, “bình loạn”.

Niềm vui có người nối dõi khiến nhà Năm Chữ say đắm nhưng người ngoài thì không. Người trong xóm rỉ tai nhau, sao thằng bé chẳng giống cha; lại có kẻ nghi ngờ: “Chắc Năm Chữ đụng vào người đẹp “dùng chung” nên phải “đổ vỏ” rồi!”. Ông Ninh lại ngân nga hò vè: “Công anh bắt tép nuôi cò/ Cò ăn cò lớn cò dò lên cây!”. Những lời vu vơ ngoài cuộc ấy hóa ra lại đúng.

Sau đám cưới, mẹ con cô thợ may ở Hương An cứ ngãng ra, xa dần nhà Năm Chữ. Mấy lần nhà có đám, ông nhắn nhưng mẹ con kia vẫn không về. Cả nhà ông chết điếng khi nghe một chủ xưởng gỗ trên thị xã xuống nhận thằng ấy là con. Tay này muốn chắc ăn nên đã thử gien thử giống gì đó và kết quả cho biết họ đúng là cha con. Năm Chữ run người, mặt dúm dó tái mét như chết chìm, tay đấm bình bịch vào tường, miệng hét lên man dại như trúng độc. Nhà buồn như có đám, buồn nhưng không thể san sẻ nên càng u ám, nặng nề. Chẳng biết họ xót của hay xót tình khi bị bội phản?!. Ông Ninh thì tặc lưỡi, lo thay cho người trong cuộc: “Chà, Năm Chữ lỡ kính cáo với tổ tiên để ghi tên thằng đó vào gia phả, giờ để cũng dở mà bỏ cũng kỳ!”.

Bi kịch nhà “lão ấy”, mẹ con Hương nghe cả, biết cả nhưng im lặng. Sau vụ này, Đức thấy ông suy sụp hẳn; đôi mắt vốn lanh lợi giờ lúc nào cũng buồn thiu, nhìn xuống; lúc trước, ông ở đâu là có tiếng nói cười ở đó nhưng giờ lặng lẽ như cái bóng; đến nụ cười cũng méo xệch, cứ như phải gắng gượng; mái tóc dày đen mượt xưa kia, nay bạc trắng lưa thưa. Người đàn ông mới đây còn mập mạnh, giờ phải lui tới bệnh viện luôn và vẻ khắc khổ ngày càng hiện rõ. Ông ít ra khỏi nhà, đến cổng ngõ cũng luôn khép hờ, chắc giống lòng gia chủ vậy.

Đức thấy nhiều hơn những khoảnh khắc ông Năm Chữ đứng lặng nhìn mình từ xa; nhìn nhưng khi Đức ngoái lại, ông vội cúi mặt, quay đi. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh, khiến anh nao lòng; nó nhiều lần hiện về trong giấc mơ làm anh giật mình thức giấc. Oán hận dần bay biến nơi đâu, giờ trong anh chỉ còn buồn thương trĩu nặng khi nghĩ về người đàn ông đau khổ, đến nhìn con cũng khuất tất như kẻ trộm.

Sau khi học xong đại học và ổn định việc làm trên thị xã, Đức cưới vợ. Mẹ anh vui lắm, chưa bao giờ anh thấy mẹ vui như thế. Con ưng gì mẹ cũng ừ, mẹ còn bảo phải thuê dịch vụ nấu ăn thật ngon, đặt suất ăn giá cao, với rạp và phông màn thật đẹp, phải mở tiệc hai ngày… Thấy con lưỡng lự sợ nhà lo không xuể, mẹ ghé tai nói nhỏ: “Đời mẹ không được lên xe hoa nên ngày cưới của con phải vui gấp đôi mới phải”. Đức đứng lặng, thương mẹ vô cùng.

Tuy nhiên, việc mời khách, hai mẹ con lại bất hòa. Nghe mẹ bảo “mời tất cả bà con trong xóm, trừ lão ấy”, Đức bứt rứt không yên. Anh ngồi bất động, nghĩ mông lung, lúc lâu mới lựa lời thuyết phục mẹ: “Ông ấy ít nhất cũng như bao bà con chòm xóm, sao không mời hả mẹ?”. Đức bất ngờ thấy mẹ nổi nóng. Bà đứng phắt dậy, tay chém gió, giọng cộc lốc “không mời” rồi bỏ đi.

Suốt mấy ngày liền, Đức thẩn thờ, lòng bồn chồn day dứt. Anh lặng lẽ, đến nói cười cũng khẽ. Thay vì háo hức chuẩn bị cho ngày vui, anh uể oải, đăm chiêu. Mẹ nhìn con, thở dài. Chắc bà cũng buồn, cũng nghĩ lung lắm. Nhiều đêm Đức nghe mẹ trở mình liên tục rồi bấm đèn pin, dò từng bước ra hiên ngồi.

Đêm trước ngày dựng rạp, Đức đi chơi loanh quanh trong xóm. Anh về khuya, mẹ ra tận ngõ đón. Vừa giáp mặt, bà hỏi luôn: “Con vừa đi mời lão ấy phải không?”. Đức giật thột, giọng lí nhí: “Dạ, phải!”. Cảm giác có lỗi không vâng lời mẹ khiến anh bối rối, cúi mặt chờ trách mắng. Nhưng không, giọng bà trầm buồn và bình thản đến không ngờ: “Con làm thế cũng phải bởi chả lẽ cứ ôm hận suốt đời hay sao?!”. Im lặng. Đức ngước nhìn mẹ, lời muốn nói cứ nghẹn lại. Giọng bà đột nhiên khẽ như thầm thì: “Ông ấy… nói gì không?”. “Dạ không, chỉ khóc thôi; thấy đau lòng lắm, mẹ ạ”.

Lời anh rưng rưng, mắt ngân ngấn nước. Người mẹ ôm lấy con, nhòa lệ.

Nguyễn Trọng Hoạt

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.