Multimedia Đọc Báo in

Dịu dàng những khúc hát ru

10:04, 26/10/2016

Dân tộc nào trên thế giới cũng có những bài hát ru đặc sắc của mình. Ở Việt Nam, hát ru phổ biến cả ba miền.

Làn điệu hát ru mỗi miền có khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một phong thái là êm dịu, ngân nga và tiết tấu khá đơn giản. Nội dung của hát ru rất phong phú và hầu như đều phù hợp với tâm hồn trẻ thơ: có thể là tâm tình của người bà, người mẹ, người chị muốn giãi bày, tâm sự với đứa trẻ trong nôi; có thể là lời vỗ về, nâng niu con trẻ; có thể là những cảnh vật xinh xinh, những con vật gần gũi với xóm làng thân thuộc...

Cũng giống như dân ca nói chung, nhiều bài hát ru được lấy từ lời của ca dao. Ngoài ra, những điệu hò, điệu lý đều có thể cất lên thành lời ru trầm bổng, dịu dàng. Từ tuổi ấu thơ, không ai không thuộc nằm lòng lời ru này của mẹ: "Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh chầy thức đủ vừa năm/ hỡi chàng chàng ơi, hỡi người người ơi!". Lời bài hát ru là nỗi niềm nhớ chồng da diết của người mẹ khi ru con; đồng thời người mẹ muốn tâm tình, giãi bày cùng con trẻ. Nội dung bài hát ru có thể rộng hơn nhiều, song bấy nhiêu tình cảm ấy cũng đủ làm lay động nỗi lòng con người muôn thuở.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Cũng có bài hát ru thể hiện sự vỗ về của người phụ nữ, mong đứa trẻ chóng ngủ để có thời gian ra đồng cày cấy. Cùng với sự mong mỏi ấy, bao giờ cũng kèm theo lời hứa dịu dàng, trong sáng của người mẹ, người chị về những phần quà dành tặng con trẻ: "Em tôi buồn ngủ buồn nghê/ Con tằm đã chín, con dê đã muồi/ Con tằm đã chín để lại mà nuôi/ Con dê đã muồi làm thịt em ăn".

Yêu thương vỗ về cũng thường đi liền với lời khuyên bảo chân tình của người lớn, truyền dạy những đạo lý, những khát vọng nhân nghĩa ở đời: "Ru hơi ru hỡi ru hời/ Công cha như núi ngất trời/ Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông/ Núi cao biển rộng mênh mông/ Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!". Đạo lý ấy còn lan tỏa, giáo dục cho con trẻ sau này biết kính yêu thầy để làm người lương thiện, có trí tuệ và học thức mà giúp đời, giúp nước: "Muốn sang thì bắt cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy".

Ngoài nội dung biểu đạt tình cảm gia đình, hát ru còn thể hiện và gửi gắm nhiều điều lớn lao hơn về đất nước, dân tộc, hầu mong đứa trẻ sau này thành tài, cống hiến cho giống nòi, Tổ quốc: "Ru hơi ru hỡi ru hời/ Làm trai đứng ở trên đời/ Sao cho xứng đáng giống nòi nhà ta".

Người mẹ biết hát ru là ca sĩ đầu tiên trong đời của con mình. Cả tấm lòng người mẹ truyền qua giọng ru, qua nhịp đưa nôi đều đều, lặng lẽ nhưng chan chứa bao niềm hạnh phúc, và cũng nhờ đó, đứa trẻ đi vào giấc ngủ rất sâu, rất đỗi hồn nhiên. Hiện nay chưa có công trình nào thống kê đầy đủ số lượng các bài hát ru và những biến tấu của nó từ ca dao hay các làn điệu dân ca khác. Bởi lẽ, cùng với thời gian, hát ru sẽ có những biến đổi, bổ sung nhất định. Nhưng hát ru sẽ mãi mãi là hình thức dân ca đẹp đẽ, thiêng liêng, là vốn quý của văn hóa dân tộc. Mỗi người mẹ hôm nay, dù đang sống trong thời đại công nghệ phát triển, hãy dành cho con mình những bài hát ru mộc mạc, bình dị của dân tộc, để mai này đứa trẻ lớn lên, xã hội sẽ có thêm một công dân tốt.

Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.