Multimedia Đọc Báo in

Cha con

08:47, 07/01/2017
Bảy năm sau ngày bà mất thì ông nghỉ hưu “non”, con gái theo chồng, con trai theo tour cùng du khách liên miên khiến trống vắng trong nhà nhân lên.
 
Trừ những đám hiếu hỉ, đi họp hay vào đơn vị cũ liên hoan dự lễ, ông ít khi ra khỏi nhà. Rời mấy giò phong lan cùng những thùng xốp trồng rau trước hiên, ông lại làm bạn với tivi; nhiều lúc nghe nhìn như một thói quen, mắt vẫn dán vào màn hình nhưng đầu óc trống rỗng, chẳng thu nhận được gì. Lắm khi ông ngồi lặng nơi phòng khách, bâng quơ nhìn mãi ra đường; tới bữa, lại một mình lặng lẽ bên mâm cơm. Vẫn ăn ngủ tốt, lại chẳng bận tâm đau ốm nhưng “bệnh nhạt” khiến ông thấy vô vị, nhiều lúc chán cho chính mình.

Các con thương ba lẻ bóng tuổi xế chiều nhưng đành chịu. Con gái có chồng xa, lại bận con nhỏ và lo cho bố mẹ chồng; con trai thì mải miết công việc của một hướng dẫn viên du lịch, thời gian đi xa còn nhiều hơn ở nhà. Đã có lần nó năn nỉ ông theo tour cùng du khách, để “thay đổi không khí”. Lúc đầu ông hào hứng lắm nhưng sau hai lần thì thấy oải, lại áy náy khi nghĩ mình làm con thêm vướng bận. Thế là ông lại ngồi nhà dõi theo mỗi chặng đường con qua, biết những vùng quê con tới thông qua các cuộc gọi. Mỗi lần con khoác balô ra đi, ông lại cảm thấy lẻ loi; và rồi, vỡ òa niềm vui khi nó về lại.

Nghe ba giục lấy vợ, con chỉ cười cười, khất lần như người ta khất nợ; nó cứ hẹn “sang năm, sang năm” nhưng đã quá tam ba bận mà dự định vẫn chưa thành. Ông chán, chẳng thèm nhắc nữa, chỉ thấy sốt ruột và lấy làm lạ khi nó đã ngấp nghé tuổi ba mươi, công việc ổn, hai đứa đã quấn quít mấy năm… mà vẫn cứ lông bông. Mỗi lần con đưa bạn gái về, ông vui lắm; thấy con bé xinh tươi, hòa đồng, ăn nói lễ phép, ông mừng thầm. Nghe ba buông lời xa xôi “cưới vợ thì cưới liền tay…”, con lại câu giờ: “Vội gì, ba!”. Nhìn vẻ hẫng hụt lẫn bất mãn của ông, nó vỗ về: “Chuyện cưới vợ của con ba đừng bận tâm, con đã có kế hoạch cả rồi”.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Ngồi lặng một lúc, nó đột ngột quay sang ông, giọng như tâm tình với một người bạn: “Chị em con đều lớn rồi; đã đến lúc ba cần nghĩ cho mình, không nên cứ mãi đăm đắm vì con”. Ông tròn mắt: “Nghĩ cho mình là sao?”. Đáp lại chờ đợi của ba, con lặng thinh, ngước nhìn ra sân. Lâu sau nó mới lên tiếng, nỗi buồn phảng phất trên sắc mặt lẫn trong giọng nói: “Mẹ con mất đã lâu; ba chưa tới năm mươi, chả lẽ sống đơn chiếc mãi vậy sao?!”. Ông cúi xuống, lảng tránh ánh mắt của con, nghẹn lòng trước sự thấu hiểu, sẻ chia.

Ông nhớ mãi bàn tay gầy lạnh cùng ánh nhìn tha thiết và những lời run run nhòe trong nước mắt của bà lúc lâm chung. Bà bảo, ông đừng quá đau buồn, gắng chăm hai con và rồi cũng phải tìm người lo cơm nước, bầu bạn sớm hôm. Lúc đó, ông chỉ gật đầu rắn rỏi để bà yên lòng ra đi; sau này, mới thấm thía nỗi cơ cực của “gà trống nuôi con”. Rời cơ quan, ông lại tất bật với chuỗi việc nhà không tên, từ quét dọn, lau chùi đến giặt giũ, cơm nước. Thương ba, hai con chung tay đỡ đần nhưng ông muốn chúng dành nhiều thời gian cho việc học. Hằng đêm, chờ các con tắt đèn rời bàn học, ông mới lên giường, tĩnh tâm “định vị” việc ngày mai để mở mắt ra là xáp vào ngay. Thường thì ông nhào ra chợ trước, đây là việc ái ngại nhất của một “thượng đế khờ” như ông. Lúc đầu, ông thường đứng sau “mật phục”, chờ các bà trả giá mua xong là xen vô mua ngay. Khi đã quen mặt và biết hoàn cảnh của ông, nhiều chủ hàng thương cảm, không nỡ nói thách, bắt chẹt.

Mãn tang vợ, ông ý định đi bước nữa, sau bao đắn đo cân nhắc. Nghe ba thăm dò, hai con đều vỗ tay vun vào; ông mừng, càng có lí do để thực hiện ý định. Ông đưa bạn gái về nhà và bố trí một bữa cơm “tăng cường” - như cách gọi của lính. Sau chút ngỡ ngàng, khách và các con ông dần tạo được hòa hợp. Tưởng việc sẽ tiến triển tốt nhưng đến lúc “dứt điểm” thì ông lại chần chừ. Những bi kịch tưởng tượng về cảnh “mẹ ghẻ con chồng” làm lung lay dự định của ông. Càng nghĩ càng hoang mang; thế là ông lại ép mình, khép lòng trước phụ nữ, dồn tình thương cho con.

Sau lần lưu ý ba “nghĩ cho mình” không lâu, con trai quay lại “đề tài” cũ; nó bảo, đó là “việc cần làm ngay”. Đáp lại thắc mắc của con, ông thành thật rằng sau người phụ nữ từng đưa về nhà rồi thôi năm nào, ông không thấy ai phù hợp. Giờ thì ông không nghĩ chuyện ấy nữa rồi. Con thốt lên “sao lại thế”; liền đó là giọng trầm buồn: “Con không thể yên lòng lấy vợ khi thấy ba cứ độc hành trong những tháng năm còn lại”. Nén cảm xúc rưng rưng khi được vỗ về, ông đột ngột chuyển từ bị động sang “phản công”, giọng nghiêm như ra lệnh: “Ba thì sao cũng được nhưng việc cần làm ngay của con là cưới vợ!”. Nó giãy nảy: “Con còn trẻ!”. Nói qua nói lại một hồi, sau cùng nó chốt lại: “Nếu ba vẫn chưa cùng ai thì con cứ một mình, chờ ba “bước” trước”. Ông thốt lên: “Cái thằng!”.

Những bữa cơm đoàn tụ với… hai người, cha con thường nói về người thứ ba… trong mơ. Con muốn đó phải là người phụ nữ của ba, ba thì ngược lại. Mới đây, nó đột nhiên hỏi: “Lâu nay, ba có nhận được tin cô Nhi không?”. Ông tròn mắt: “Nhi nào?”. “Cô Nhi mà ba và con từng gặp năm xưa”. “À… không”.

Đó là mối tình đầu của ông, gắn liền thời học viên sĩ quan lục quân vất vả. Qua những lần dã ngoại học chiến thuật, ông quen người con gái ấy. Tiểu đội ông ở trong nhà Nhi; mỗi lần từ thao trường về, những người lính đều thấy những đĩa xoài, mít, vú sữa để trên chiếc bàn giữa nhà. Các anh đứng quanh, chờ Nhi gọt vỏ, bổ xoài ổi đưa cho từng người; ông thường nhận phần sau cùng kèm nụ cười bẽn lẽn. Đó là những tháng năm hai đầu đất nước đều có giặc và nghèo đói, được miếng ngon ai cũng háo hức, nhớ hoài. Vị ngọt của trái chín và tình đầu đã theo ông suốt nhiều năm sau đó. Ra trường, ông lên biên giới và trải qua nhiều lần điều động, di chuyển khiến hai người bặt tin nhau.

Mười năm trước, khi kỷ niệm của tình đầu đã “niêm phong” trong lòng thì ông bất ngờ nhận được điện thoại của Nhi, khi cô cùng chồng con đến thành phố này du lịch. May mắn là gọi qua tổng đài để dò tìm, cô biết số điện thoại nhà ông. Dù đã lâu nhưng thoạt nghe giọng nói thân thương ngày nào, ông nhận ra ngay. Cô mừng tíu tít. Chuyện xưa đã yên phận lùi vào dĩ vãng, không thể khuấy động bình yên của họ hôm nay; hai người nói chuyện thỏa mái như bao người bạn tái ngộ sau nhiều năm. Cô ngỏ lời mời cả nhà ông đi ăn cơm. Vợ bận trực trong bệnh viện, con gái về ngoại nên ông đi cùng con trai. Nhi bảo thằng bé ngồi cạnh, cô cháu chuyện trò suốt bữa, vẻ hợp ý lắm. Dường như hình ảnh nó gợi cho cô nhớ lại “người xưa” thời quá khứ. Mới gặp mà cô cháu đã quyến luyến lúc chia tay; suốt chặng về, nó cứ kể chuyện “người cũ” của ba với cảm tình hiện rõ.

Con trai ông vẫn rong ruổi trên những dặm dài đất nước cùng du khách. Mùa nắng thường về phía Bắc, mùa lạnh lại quay vô phương Nam, mùa hè đi với khách Việt, mùa đông lại đón khách Tây đã thành quen với nó. Mới đây, nó nảy ý tưởng tìm về những nơi ba từng sống. Thế là sau mỗi lần tiễn khách, nó lại lặn lội đến những ngôi trường dành cho học sinh miền Nam trên đất Bắc, nơi ông từng học thời chiến tranh; nó cũng ngược lên vùng núi Khe Lan, nơi ông đã trải những ngày huấn luyện tân binh gian khổ. Qua lời kể của con, ông như sống lại một thời tuổi trẻ. Nó bảo, xúc động nhất là khi đứng ở biên giới phía Bắc, cứ bâng khuâng thầm hỏi, điểm tựa nào ba đã cùng đồng đội chốt giữ năm xưa. Nỗi niềm của con lây lan, nhiều lúc khiến ông ngồi lặng, rưng rưng với hoài niệm xa xăm. Ông vui khi thấy con thương cả quá khứ nhọc nhằn của ba.

Mới rồi, con trai rủ ông cùng đi Nha Trang. Thấy ba chần chừ, con nói khéo rằng lần này nó chỉ đi với khách một buổi nên không để ba phải chờ lâu như dạo nào. Thấy ông có vẻ xuôi xuôi nhưng chưa thôi lưỡng lự, nó dấn luôn: “Bộ ba không muốn thăm lại nơi từng học sĩ quan, với cảnh cũ người xưa?”. Thế là ông háo hức chuẩn bị cho chuyến đi.

Sau nửa ngày ngồi xe, ông đặt chân đến thành phố biển xinh đẹp, bồi hồi với bao kỷ niệm. Ông có buổi chiều lội bộ ngắm phố, chờ con đi công chuyện. Sau khi tiễn khách ra sân bay, nó quay về khách sạn. Trước lúc đi ngủ, nó nói: “Sáng mai, thay vì dùng búp-phê ở đây, ta ra ngoài điểm tâm, ba nhé”. Thoáng thấy vẻ thắc mắc của ba, nó tiếp: “Ba với con và một người nữa.” Không đừng được, ông lên tiếng: “Ai vậy?”. Đáp lại là sự nhẩn nha, úp mở: “Lúc gặp ba sẽ biết thôi”. Ông không còn kiên nhẫn, nhíu mày, giọng lặp lại, to dần: “Là ai vậy?”. “Cô Nhi!”. Thấy ba há hốc, nó tươi cười: “Có gì đáng ngạc nhiên đâu; kết nối thông tin là thế mạnh của dân du lịch mà ba”. Chẳng chờ hỏi, cứ thế nó kể lại quá trình tìm về “người cũ” của ba. Hóa ra, những lần đưa khách đi Nha Trang, Mũi Né, nó vẫn thường đến thăm người ấy ở Ninh Hòa. Lặng một lúc rồi nó nói khẽ: “Giờ thì cô ấy cũng cùng cảnh một mình như ba và vẫn nhớ… ngày xưa, ba ạ”. Ông ngỡ ngàng nhìn con, cứ muốn ôm lấy nó vào lòng.

Chuyện chợt đến khiến ông thao thức, cứ mong trời mau sáng.

Nguyễn Trọng Hoạt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.