Đề tài chiến tranh và người lính: Trách nhiệm và thách thức đối với người làm nghệ thuật
Có thể nói, những người làm nghệ thuật ở Việt Nam đã có không ít tác phẩm thành công với đề tài chiến tranh và chân dung người lính. Nhưng họ vẫn canh cánh một “món nợ” chưa trả được đối với những người đã ngã xuống, hoặc đã hy sinh một phần xương máu của mình cho nền hòa bình và độc lập dân tộc.
Với âm nhạc thì những ca khúc Màu hoa đỏ (Nguyễn Đức Mậu - Thuận Yến), Đồng đội (Hoàng Hiệp), Tình ca (Hoàng Việt), Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn (Hoàng Hà), Biết ơn chị Võ Thị Sáu (Nguyễn Đức Toàn), Vết chân tròn trên cát (Trần Tiến), Tổ quốc gọi tên mình (Đinh Trung Cẩn) và Linh thiêng Việt Nam (Lê Quang)… được coi là những tác phẩm khá thành công về đề tài trên và được công chúng đón nhận. Đến nay, không ai phủ nhận giá trị nghệ thuật đích thực của những tác phẩm ấy, tuy nhiên thực tế đòi hỏi anh em văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tác thêm nhiều ca khúc về đề tài này nhằm thể hiện tình cảm, sự biết ơn một cách liên tục, thường xuyên hơn đối với thế hệ cha anh đi trước cùng sự hy sinh, đóng góp to lớn của họ trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Poster phim “Người trở về” đề cập đến nỗi đau mất mát thời chiến tranh. |
Theo nhạc sĩ Đỗ Trung Quân (Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam), vẫn có những cuộc thi sáng tác về đề tài này, nhưng sức lan tỏa, phổ biến những tác phẩm viết theo “đơn đặt hàng” ấy vẫn còn hạn chế, nếu không nói là sau khi thẩm định, trao giải xong là chấm hết (!?). Ví như năm 2015, Bộ VH-TT-DL phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài “Người lính và người có công với cách mạng”. Sau khi tổng kết và trao giải, công chúng mến mộ âm nhạc ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung chỉ được thưởng thức một lần các ca khúc đoạt giải được trình diễn trong đêm tôn vinh ấy, sau đó thì quên lãng... Ngay cả các đoàn nghệ thuật của Quân đội, Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam và những đơn vị nghệ thuật khác thuộc diện Nhà nước quản lý cũng không đứng ra dàn dựng, biểu diễn cho công chúng thương thức và cảm nhận những tác phẩm đã đoạt giải.
Về điện ảnh, sân khấu thì đề tài này được giới nghệ thuật chú tâm khai thác và phản ánh khá sâu sắc và toàn diện từ góc nhìn trực tiếp từ trong cuộc chiến đến thời hậu chiến. Đến nay đã có một số bộ phim đoạt giải cao trong các kỳ Liên hoan phim Quốc tế cũng như trong nước như: “Nguyễn Văn Trỗi”- Đạo diễn Bùi Đình Hạc và Lý Thái Bảo, “Bao giờ cho đến tháng Mười”- Đặng Nhật Minh, “Cỏ lau”- Vương Đức, “Ngã ba Đồng Lộc”- Lưu Trọng Ninh, “Đời cát”- Nguyễn Thanh Vân, “Chớp mắt cùng số phận”- Lê Ngọc Linh và gần đây là “Đừng đốt”- Đặng Nhật Minh, “Mùi cỏ cháy”- Nguyễn Hữu Mười, “Những người viết huyền thoại”- Bùi Tuấn Dũng… Những tác phẩm nghệ thuật này được Nhà nước đầu tư với kinh phí đáng kể cũng vì mục đích tri ân, ca ngợi sự hy sinh, mất mát của nhiều thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước. Công chúng vẫn tìm đến những tác phẩm nghệ thuật phản ánh về đề tài này để nghe, xem, đọc và vẫn nuôi dưỡng nhiều cảm xúc. Với lớp trẻ thì tác động còn mạnh mẽ hơn rất nhiều. Ví dụ rõ nét nhất là khi tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” của NXB Công an Nhân dân mở đầu bằng cuốn “Nhật ký Nguyễn Văn Thạc”, rồi sau đó là “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” - và đặc biệt là từ hiệu ứng của phim “Đừng đốt” tạo sức nóng thu hút công chúng tìm đến với tác phẩm - đã đạt kỷ lục có số người “xem - đọc” nhiều nhất từ trước đến nay. Hơn thế, còn trở thành phong trào học tập trong tuổi trẻ về nghĩa vụ, trách nhiệm công dân, tạo nên những hành động thiết thực góp phần xây dựng lối sống có hoài bão, lý tưởng cho tuổi trẻ hôm nay. Có thể nói đây là một thành công, vượt ra ngoài sự mong đợi của giới làm điện ảnh, sân khấu Việt Nam trong mấy thập kỷ qua.
Tuy vậy, công chúng vẫn chưa thỏa mãn với những gì mà nghệ thuật mang lại cho họ về đề tài người lính và những người đã ngã xuống trong cuộc chiến giải phóng dân tộc đã đi qua. Những tác phẩm thật sự thành công và để lại dấu ấn trong lòng công chúng còn quá ít so với bề dày, chiều sâu lịch sử bi hùng. Phải chăng, đề tài này không thể thu lợi nhuận trong guồng quay thị trường của tất cả các sản phẩm nghệ thuật? Và phải chăng vì những thị hiếu giải trí tầm thường, hay theo trào lưu của một bộ phận công chúng mà những người làm nghệ thuật đã không giữ (không đủ) bản lĩnh để sáng tạo thêm nhiều tác phẩm xứng đáng và để đời về người lính trong chiến tranh, cũng như thời hậu chiến? Điều đó phải được nhìn nhận như “món nợ” đối với mọi thế hệ làm nghệ thuật…
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc