Lắng đọng những giá trị văn hóa Việt qua nghệ thuật truyền thống
Thời gian gần đây, du khách trong và ngoài nước mỗi khi có dịp đến với TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) sẽ được giới thiệu đến thưởng thức “đặc sản” mới của ngành Du lịch tỉnh này với những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa Việt tại Nhà hát nghệ thuật dân gian Á Châu (Nha Trang Dream).
Nhà hát do ông Lê Xuân Thơm - Việt kiều Nga xây dựng sau khi trở về quê hương và chọn phố biển Nha Trang làm nơi lập nghiệp. Mặc dù gần 30 năm nơi xứ người nhưng trong sâu thẳm trái tim ông luôn ấp ủ mơ ước một ngày nào đó có nhà hát nghệ thuật truyền thống để phục vụ người dân và du khách; đồng thời nhằm quảng bá những nét văn hóa nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam đến với bạn bè trên khắp thế giới. Với kinh phí xây dựng gần 40 tỉ đồng, Nhà hát đi vào hoạt động từ tháng 10-2016, có sức chứa khoảng 500 khách, với hệ thống trang thiết bị, âm thanh, ánh sáng được đầu tư hiện đại, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến nhất. Đa số diễn viên, người mẫu tuổi đời còn trẻ (sinh năm 1997-1998), được đào tạo chuyên nghiệp (một số người đã hoạt động nghệ thuật từ 5-7 năm).
NSƯT Hoàng Minh Tâm, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật dân gian Á Châu
|
Mỗi tuần Nhà hát biểu diễn 3 buổi (thứ 3, 5, 7), trong thời gian khoảng 90 phút (từ 19 giờ đến 20 giờ 30), với 15 tiết mục mang đậm dấu ấn văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam. Ngay phút đầu, khán giả được chiêm ngưỡng nét đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt trong tà áo dài truyền thống qua tiết mục múa kết hợp trình diễn áo dài “Duyên dáng Việt Nam”. Khi đang bị “hút hồn” theo những tà áo dài truyền thống, người xem như được trở về với thời đại Hùng Vương qua tiết mục múa “Hồn Việt”. Màn múa “Quốc hoa Việt Nam” là tiết mục kế tiếp với thông điệp tôn vinh nét đẹp của hoa sen - loài hoa tượng trưng cho tâm hồn thuần khiết cũng như tinh thần và ý chí sống mãnh liệt của con người Việt Nam… Ngoài ra, còn phải kể đến tiết mục múa “Trống cơm” vui nhộn và đẹp mắt, gợi nhớ đến văn hóa đồng bằng Bắc Bộ; “Đôi lời với Huế” với những chiếc nón lá đặc trưng xứ Huế thâm trầm cổ kính; điệu múa “Nhịp chiêng” đưa người xem ngược lên miền cao nguyên đất đỏ với những điệu múa khỏe khoắn, rắn rỏi của các chàng trai, cô gái đại ngàn Tây Nguyên; tiết mục múa Chăm “Niềm tin tháp cổ” đưa người xem đến Tháp Bà Ponagar trầm mặc hay tiết mục “Thiên thủ Quan Âm” với hình ảnh vị Bồ tát nghìn mắt nghìn tay…
Nét đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt trong tà áo dài truyền thống qua tiết mục “Duyên dáng Việt Nam”. |
Người xem không chỉ được chiêm ngưỡng những điệu múa uyển chuyển, duyên dáng của các chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi trên sân khấu được thiết kế công phu mà còn được “chu du” khắp mọi miền đất nước Việt Nam từ vùng cao Tây Bắc với ruộng bậc thang uốn lượn, Hà Nội với Hồ Gươm thanh bình, xứ Huế với đền đài lăng tẩm cổ kính cho đến sông nước phương Nam thông qua những cảnh quay đẹp, được chiếu trên màn hình tivi siêu nét đặt quanh sân khấu. Các tiết mục, âm nhạc, điệu múa và hình ảnh hòa quyện tạo cho người xem cảm nhận rõ hơn về đất nước Việt Nam thanh bình, giàu bản sắc văn hóa và mến khách.
Một điểm thú vị là Nhà hát tạo sự thân thiện giữa nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu với du khách đó là sau khi kết thúc chương trình nghệ thuật, khán giả được gặp gỡ, giao lưu và chụp ảnh chung để lưu lại cho mình những khoảnh khắc đẹp.
Hiện nay, du khách trên khắp thế giới đang chọn Việt Nam là điểm đến yêu thích và Nha Trang là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng. Bởi vậy, việc đưa nghệ thuật dân tộc trở thành một tiềm năng, nguồn lực để phát triển du lịch là việc làm tất yếu. Điều này không chỉ thu hút du khách mà còn góp phần quảng bá văn hóa, nghệ thuật độc đáo về đất nước, con người Việt Nam…
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc