Multimedia Đọc Báo in

Lãng phí

10:53, 19/06/2011

Ngày nhỏ, mỗi lần ăn cơm tôi thường làm rơi vãi ra ngoài, mẹ lại nhặt từng hạt bỏ vào một cái chén không, rồi nói: “Cơm gạo là hạt ngọc của trời, khi ăn rơi vãi, các con nhớ nhặt cho vào một cái chén để cho gà, cho vịt, đừng lãng phí,  dẫm đạp lên mà có tội với trời đất”. Những lời mẹ nói ngày ấy đến nay tôi còn thấm thía.

Mới đây, tôi được một người bạn mời đi dự tiệc nhà hàng. Bữa tiệc hôm đó có sáu người mà gọi đến chín mười món, toàn là những món đặc sản hiếm có. Tôi xem thực đơn thì giá tiền của mỗi món không phải là ít, chưa kể đến bia ngoại Heniken. Tôi hỏi bạn: “Tại sao mình không ăn đến đâu gọi đến đó mà gọi ra nhiều món vậy ăn không hết có phải phí tiền không?”. Bạn tôi khoát tay: “Cậu cứ vô tư ăn uống thả cửa đi. Chúng ta phải chơi một bữa thật hoành tráng. Chúng ta ăn uống bao nhiêu đâu, “văn hóa nhìn” là chính và cũng là giải quyết “khâu oai” cho mấy đứa nó hiểu mình là người thế nào”. Tôi ghé tai hỏi nhỏ: “Thế tiền cậu lấy đâu ra mà lắm thế?”. “Tớ vừa mới ký xong một hợp đồng, tiền “chùa” ấy mà, bên B họ đãi”. Thì ra thế! Sau khi kết thúc bữa tiệc, trong các món ăn được dọn ra: món mới đụng đũa, món vơi một phần ba, còn nhiều món chưa ai chạm vào. Khi ra về tôi cứ nhớ lời mẹ dặn: “Con ạ! “Miệng ăn núi lở” dù nhà có giàu đến mấy mà không biết tiết kiệm thì chẳng khác nào “gió vào nhà trống”, suốt đời đói vẫn hoàn đói”.
Tôi thầm nghĩ: Dù đó là tiền “Chùa” hay là tiền của ai đi chăng nữa, nhưng cứ tiêu tiền “vung tay quá trán” theo kiểu bạn tôi liệu có nên không? Trong lúc đó chúng ta còn phải chật vật bươn chải kiếm sống mưu sinh từng ngày và còn biết bao mảnh đời cơ cực cần được quan tâm giúp đỡ tại sao lại xài tiền “vô tội vạ” như vậy? Bác Hồ đã dạy: Tội lãng phí ngang bằng tội tham ô.

Võ Hoàng Nam

 


Ý kiến bạn đọc