Multimedia Đọc Báo in

Nghĩ về chuyện đọc sách

11:05, 19/06/2011

Khi nói đến chuyện đọc sách thì ai cũng hiểu là vấn đề mở mang trí tuệ. Nhưng với Gớt – thi sĩ nổi tiếng đã từng nói: “Đọc sách là đàm đạo với các nhà thông thái”.

Theo các nhà y học thì đọc sách là quá trình hoạt động tâm lý phức tạp. Đối với Gớt thật không hổ thẹn được tôn vinh là thi sĩ vĩ đại. Chỉ cần một câu nói thật nhẹ nhàng và giản dị ông đã làm sáng tỏ vấn đề và để lại ấn tượng thật sâu sắc về đọc sách. Còn một học giả nổi tiếng thời Tây Hán là Lưu Hướng đã từng bàn rất tinh tế vấn đề này. Ông nói: Sách giống như thuốc, biết đọc sách có thể chữa bệnh ngu dốt (thư do dược dã, thiện đọc khả di y ngu). Thi nhân Lục Du thời Nam Tống thì có câu: “Bệnh kinh thư quyển tác lương y”. Ý nói: Đọc sách giúp người ta mở rộng nhãn quan, khiến tâm hồn sảng khoái, hóa giải sự ưu uất, tinh thần được nâng cao. Nhờ vậy mà giải trừ được bệnh tật. Có chuyện kể rằng thời nhà Thanh có một tài tử tên là Tần Tử Thẩm bị mắc chứng nhọt độc rất nặng, suốt ngày phải ôm gối rên la mà chẳng thể làm cho đỡ đau. Thế nhưng đọc xong cuốn sách “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần thì bệnh tật khỏi cả. Ông liền viết ra bộ “Tân tục Hồng lâu mộng” (Hồng lâu mộng do Họ Tần viết tiếp).

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Một điều lý thú nói về đọc sách là có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ con người. Các nhà nghiên cứu khoa học ngày nay đã phát hiện một điều mới lạ: Sách đúng là một loại thuốc linh nghiệm. Thứ thuốc đặc biệt này không những có thể chữa được “bệnh ngu” mà còn chữa được các chứng bệnh trong thân thể. Sách có tác dụng làm cho thân thể cường tráng, tinh thần sảng khoái, phấn khởi, thức tỉnh tuổi xuân, kiềm chế lão hóa và kéo dài tuổi thọ của con người. Thật không ngờ công năng của sách thật thần kỳ, phát hiện này có ý nghĩa quan trọng đối với sự tiến bộ và văn minh của nhân loại. Qua nghiên cứu của các chuyên gia y học điều tra tuổi thọ trung bình của 400 nhà khoa học kiệt xuất sống từ sau thế kỷ 16, kết quả cho thấy tuổi thọ trung bình của 400 nhà khoa học đó đều cao hơn của những người bình thường đương thời. Trong số 400 nhân vật đó, nhóm các nhà phát minh là nhóm sử dụng não nhiều nhất và tích cực nhất lại có tuổi thọ cao nhất, bình quân là 79 tuổi. Điều thú vị nữa là những nhân vật được giải thưởng Nô-ben, những người sử dụng não với cường độ cao nhất, lại có tuổi thọ cao hơn rất nhiều so với người bình thường.

Giờ đây đọc sách đã và đang trở thành một phương pháp để kiện toàn tâm thân. Tại một số nước, người ta đã bắt đầu thực thi một phương pháp điều trị mệnh danh là “độc thư liệu pháp”. Trong một số bệnh viện ở Đức người ta đã lập ra những thư viện đặc biệt, nhờ đọc sách mà những người mắc các bệnh mãn tính, đặc biệt là các bệnh thần kinh đã mau chóng hồi phục được sức khỏe. Người đọc sách tưởng như ngồi một mình trong nhà nhưng thực ra “ngồi nhà mà ôm cả thế giới”, lại được “chuyện trò trong im lặng với các bậc cao nhân”, là “những phút giây tươi đẹp nhất”. Một mục đích quan trọng của đọc sách là thu nhập kiến thức, mở mang trí tuệ, mở rộng tầm nhìn và bồi dưỡng tâm hồn. Đọc sách để trở nên thông minh và mạnh mẽ. Đọc sách tưởng là việc nhẹ nhàng nhưng thực ra đọc sách cũng tiêu hao nhiều tâm trí và tính lực con người.

Những người đọc sách có hai cách, có người đọc bằng mặt, không phát ra âm thanh, có người đọc thành tiếng, có diễn cảm, ngâm nga. Để đọc cho nhanh nên tập thành thói quen chỉ đọc bằng mắt. Thế nhưng đối với những áng văn thơ hay đọc thành lời, diễn cảm sẽ làm tăng thêm sức hấp dẫn.
Nếu như tập khí công không đúng có thể khiến người ta bị “tẩu hỏa nhập ma” thì đọc sách cũng vậy. Đọc quá nhiều có thể sẽ trở nên kẻ “cuồng thư”. Đọc những loại sách có nội dung xấu kích động tình dục hay nặng tính bạo lực thì có thể “tẩu hỏa nhập ma về tinh thần”. Ở trên đời làm gì cũng cần biết điều độ và thực hiện theo đúng phương pháp mới đem lại hiệu quả.

Nghĩ về chuyện đọc sách, chắc chắn ai cũng đã từng đọc sách và thưởng thức những kiến thức mà sách báo đã đem lại. Những cái hay, cái đẹp cần được phát huy, những cái đem lại tác hại cần phải dẹp bỏ, để hướng con người tới những giá trị chân – thiện – mỹ.

Trịnh Minh Thuyết

Ý kiến bạn đọc