Multimedia Đọc Báo in

Nhớ mùa cơm xôi

10:28, 15/12/2012

Không ai có thể quên thời niên thiếu của mình, ngoại trừ những tai biến liên quan đến bộ nhớ. Thời niên thiếu của ai cũng đẹp, cũng nên thơ, cho dù hoàn cảnh nào đi nữa bởi đẹp hay không cũng chỉ là khái niệm mơ hồ. Một trận đòn roi, một buổi hái hoa bắt bướm hay bị phạt quỳ bởi đã leo vào vườn ai đó hái trộm quả ổi chín vàng cho nhỏ bạn. Hành động đó đâu có gì là xấu với tuổi thơ, nếu không thì học trò đâu đỗ thám hoa trong bảng phá phách của nhân loại. Học trò là rường cột của nước nhà mà, đến chủ vườn vẫn phải khoan dung khi bắt gặp chúng phá phách: “Cẩn thận các cháu nhé, coi chừng té ngã…”.

Lòng người quê rộng rãi như đồng quê thẳng cánh cò bay, cũng có thể do cây nhà lá vườn, không để bọn trẻ hái ăn thì chim chóc cũng ăn. Nét đẹp ấy vẫn còn đây đó ở nhiều khu vườn miệt Nam bộ. Chỉ cần bỏ ra một số tiền vừa phải theo quy định của chủ vườn thì khách sẽ thỏa thích vào vườn hái ăn no nê, hái bất cứ trái cây nào vườn có, miễn là đừng bỏ túi mang về.

Ngày xưa bọn mình đi học đâu có nhiều sách vở như bây giờ, loe hoe vài ba cuốn nên cánh con trai thì giắt lưng quần, con gái thì ôm trên tay. Hơn nữa, thời đó  không có hàng giả hàng nhái nên đã là cặp táp thì phải làm bằng da bò, to tướng, nặng trịch. Giá cũng chẳng rẻ tí nào, nên chỉ con cái nhà giàu mới có.

Ngay chuyện học trò ăn quà vặt cũng ít, đôi gánh hàng lơ thơ với vài loại cây trái rẻ tiền như me, cóc. Đó là những món mà con gái thích. Hình ảnh xẻ đôi trái ổi, bẻ nửa quả me không khiến ta cảm nhận đứa nào yêu đứa nào, mà khiến ta liên tưởng đến sự rụt rè, e thẹn của con gái khi phải ngồi ăn quà vặt một mình.

Nhớ nhất với tôi có lẽ là mùa cơm xôi chín mọng. Trái cơm xôi ăn chua chua, ngọt ngọt chớ có ngon lành gì mà bọn con gái rất thích. Nó là sứ giả hòa bình để hai đứa giận nhau giải hòa. Chỉ cần một chùm cơm xôi để trong học bàn là “ người ta “ biết của ai rồi. Giận lắm không thèm ăn, thì cũng ngó quanh ngó quất xem có ai không rồi lấy ra ngắm nghía. Chao ơi…Sao mà nó ngon lành thế, quyến rũ thế. Với những múi be bé chín mọng, đỏ rực, xoe tròn vun đầy trên cái cuống có gai nhỏ li ti. Chưa nếm mà nước bọt đã ứa ra rồi. Liếc dọc liếc ngang rồi bứt một trái bỏ vào miệng. Ngậm mà nghe sự mát dịu lan tỏa vào lòng. Để rồi khi không chịu đựng nổi sự thèm thuồng thì cắn vỡ nó ra, nhắm mắt lại nghiền ngẫm cái vị chua chua, ngọt ngọt bắn tung tóe trong vòm họng. Rồi khi “ người ta “ đến bên thì hai má không ai trêu cũng đỏ phừng phừng. Chỉ vậy nhưng nhớ hoài, nhớ mãi, nhớ đến quay quắt mỗi độ mùa cơm xôi chín.

Vẫn biết cuộc sống luôn thay đổi, con người luôn cầu tiến, cầu toàn. Bên cạnh những trò giải trí hiện đại, văn minh người ta luôn nhớ về thời thơ ấu của mình. Nhớ những trò chơi dân dã, lấm lem đất cát như ô ăn quan, bắn bi, đánh đáo… Để rồi khi chiều nghiêng bóng xế nhìn cháu con “miệt mài” chiến đấu với “Võ lâm truyền kỳ…” thì ngao ngán, và thương xiết bao thời đầu trần chân đất của mình.

Lý Thị Minh Châu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.