Multimedia Đọc Báo in

Chạy đua khao... con đỗ đạt

15:48, 02/11/2013
Thấy nhà ông Bảy ở kế bên nhà mình làm tiệc cỗ linh đình khao thằng con trai út đỗ đại học, bà Tâm thấy trong lòng hậm hực và như có lửa đốt. Cơm tối xong, bà bàn với chồng đang ngồi uống nước:

- Đấy ông xem, nhà lão Bảy hôm nay làm tiệc cỗ khao thằng con út của lão đỗ đại học linh đình như thế. Nghe người ta rỉ tai nhau là vợ chồng lão làm những 30 mâm, to như tiệc cưới ngoài thành phố; khách khứa mời hàng loạt…

Thấy chồng vẫn điềm tĩnh hút thuốc và uống nước mà không nói năng hay bình luận gì, bà sốt ruột nói:

- Sao ông cứ bình chân như vại ra thế?! Nhà người ta làm linh đình để khao con như vậy, chẳng nhẽ ông không tính đến chuyện cỗ bàn để khao con mình đỗ đại học sao? Con gái mình không những đỗ điểm cao hơn con nhà đấy, mà nhà mình kinh tế cũng đâu có kém cạnh…

- Thôi đi! Bà cứ kệ nhà họ. Họ muốn làm tiệc cỗ khao con bao nhiêu mâm, to đến đâu cũng kệ. Nhà mình không nhất thiết phải chạy đua với nhà đấy, hay những nhà khác làm gì. Hôm nào con mình chuẩn bị lên trường nhập học, nhà mình chỉ cần làm một mâm cơm đơn giản, trước là cúng tổ tiên ông bà, sau cả nhà ăn uống vui vẻ là được. Tiền để làm cỗ khao con thì bà nên để dành lo chu cấp cho con nó học hành sau này…- ông Hạc, chồng bà đã “lên lớp” như vậy.

-Tôi không đồng ý với ông đâu nhé. Muốn gì thì gì, tôi cũng đi vay mượn để làm cỗ khao cho con mình được bằng chị bằng em, chứ không thể úi xùi như thế…

Suốt buổi tối đó hai vợ chồng bà Tâm, ông Hạc cứ cãi nhau chỉ vì mỗi cái chuyện làm cỗ khao con đỗ đại học. Cuối cùng ông Hạc cũng đành phải nhượng bộ vợ:

- Nếu bà không nghe tôi thì muốn làm như thế nào thì tùy. Nay mai có túng thiếu, có phải trả nợ tiền vay… thì đừng có mà hé răng kêu tôi đấy nhé!

Thế rồi, vài ngày sau bà Tâm đã lên xong kế hoạch tổ chức một tiệc cỗ linh đình khao cô con gái đỗ đại học. Bà Tâm không chỉ mời mọi người đến dự tiệc cỗ bằng mồm như nhà ông Bảy hàng xóm, mà còn đặt thiệp mời in màu hẳn hoi. Khoảng gần 200 thiệp mời được phát đi và cũng đồng nghĩa với khoảng 30 mâm cỗ được chuẩn bị. Họ hàng bên nội, bên ngoại, rồi bạn của bà, của chồng, bạn của các con được bà mời đủ mặt. Hôm chính tiệc, quan khách tới dự cỗ chúc mừng cũng gần đủ số thiệp mời phát đi; nhà bà Tâm rộn ràng, đông đúc chẳng khác gì tiệc cưới. Cỗ bàn lớn, các món ngon trong tiệc cỗ khao con đỗ đạt của bà Tâm khiến ai dự cũng nức lời khen. Bà Tâm thấy vậy càng nở mày nở mặt…

Tiệc cỗ khao con qua đi, mặc dù tiền mừng của mọi người đến dự được cỡ hơn chục triệu đồng, nhưng theo như người em gái của bà Tâm tiết lộ thì bà Tâm còn “lõm” tới hơn 30 triệu đồng nữa. Số tiền này bà đi vay của mấy người họ hàng bên ngoại và bà phải âm thầm “gánh” một mình mà không dám một lời thở than cùng chồng, bởi chuyện làm tiệc cỗ là do bà, tự bà đứng ra tổ chức… Chẳng biết bao lâu thì số nợ kia bà Tâm mới trả hết và lấy từ khoản nào để trả; nhưng chỉ vì “con gà tức nhau tiếng gáy”, muốn “đẹp mặt” với thiên hạ mà phải chịu nợ nần, lo toan thì e cái giá quá đắt…

Nguyễn Long


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.