Những mùa na cũ
Ngày đó, mỗi năm tôi đều được về quê thăm ngoại đôi ba lần. Còn nhỏ thì đi cùng bố mẹ, lớn hơn, tôi tự bắt xe về quê vì từ nhà tôi về quê cũng chỉ vài tiếng đi xe ô tô khách. Ngoại già rồi nhưng chẳng chịu ra phố ở với lũ con cháu. Ngoại bảo, còn phải trông nhà, thờ cúng tổ tiên và chăm sóc khu vườn. Ngày nào không cầm chiếc chổi bện lá cau, quét sàn sạt ngoài sân, hay không nghe tiếng lũ gà, vịt kêu quang quác thì buồn lắm, chịu không nổi.
Trong khu vườn đầy cây trái của ngoại, tôi thích nhất là những trái na xanh mát, căng tròn, ngon ngọt. Cái vị ngọt mát lan tỏa từ đầu lưỡi vào đến tâm hồn tôi. Với tôi, chẳng trái na nào ngon bằng na trong vườn bà. Ngoại biết tôi thích ăn na nên trồng rất nhiều trong vườn. Cứ đến mùa na, ngoại lại điện thoại bảo, na chín nhiều rồi, về đi cháu. Thế nào tôi cũng nôn nao về cho bằng được. Hẹn mà không về thế nào cũng nghe ngoại than, na chín khô quéo quắt hết rồi. Nhiều lần về quê, nhìn rổ na, quả tươi xanh, quả khô héo, chạnh lòng thương ngoại biết bao. Ngoại chăm sóc vườn na cẩn thận như khi ngoại chăm sóc tôi. Khi na bắt đầu ra trái, ngoại lấy bịch ni lông buộc lấy những trái na con để khỏi bị sâu ăn. Ngoại bón phân gà, phân vịt ủ mục cho những gốc na nên cây nào cũng tươi tốt, xanh um. Hết mùa na, ngoại lại cắt tỉa từng cành na, trông đợi đến mùa na sau.
Năm đó, khi tôi đang đi công tác dài ngày ở các tỉnh thì hay tin ngoại mất. Tôi bỏ dở chuyến công tác tức tốc trở về nhưng vẫn không kịp nhìn mặt ngoại lần cuối, lặng lẽ đứng hàng giờ trước bàn thờ ngoại khói hương nghi ngút. Dòng nước mắt tôi chảy ngược vào tim. Mẹ tôi mếu máo: “Trong cơn mê sảng, ngoại luôn gọi tên con!”. Cô hàng xóm kéo tôi ngồi xuống, nghẹn ngào nói qua hai hàng nước mắt, trước lúc qua đời, bà cụ mắt nhìn chòng chọc ra cửa đợi cháu về. Bà cứ lẩm bẩm: “Na chín hết rồi mà con bé Ốc vẫn chưa về. Nó thích ăn na lắm!”. Nghe thế, tôi vụt đứng dậy, chạy ào xuống bếp. Trên chiếc chạn gỗ cũ, rổ na chỉ toàn những trái chín khô quéo quắt.
Lương Nguyệt
Ý kiến bạn đọc