Multimedia Đọc Báo in

Mùa ươi nhớ ngoại

20:07, 30/11/2013
Không hiểu sao, cho đến giờ phút này, tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh những hạt ươi nằm trên bàn tay ngoại nhăn nheo giữa một trưa hè nắng ngọt. Cái hình ảnh ấy thân quen và gần gụi quá đỗi, để mãi không quên vị ươi ngòn ngọt, mát lành nhẹ thấm tuổi thơ tôi, như một kỷ niệm đẹp nhuộm sâu vào ký ức. Tôi nhớ những ly nước ươi do ngoại làm, tôi nhớ khuôn mặt ngoại phúc hậu, nhớ nụ cười móm mém, và dáng ngoại bước đi như thuộc về một vùng cổ tích xa xưa.

Là đặc sản của rừng, những trái ươi mang màu nâu giản dị, chắt chiu tinh lọc bao dưỡng chất, cái nắng cái gió của Tây Nguyên đại ngàn. Những thân cây vươn cao vút, những gốc cây bề thế, lừng lững giữa rừng, mà cho đời vị ngon ngọt. Khoảng từ tháng sáu đến tháng tám, mùa ươi lại về, những kỷ niệm cũng sống dậy, chạy trên đầu lưỡi, tan vào vị giác. Những ly nước ươi ngày xưa ngoại tự tay chế biến cho các cháu, như một thức quà hấp dẫn ngày hè, mang theo cái xôn xao háo hức của một thời hoa mộng.

Để chế biến được ly nước ươi, chẳng cần phải cầu kỳ, cứ tự nhiên, mộc mạc như miền đất đỏ, như hương hoa rừng, như cái lặng thầm, bền bĩ mà phóng khoáng của đất và người Tây Nguyên. Ngoại nói: chỉ cần chọn hạt ươi ngon, ngắt bỏ hai đầu, cho vào nước ấm ngâm cho ươi nở ra, bung phần thịt ươi mềm mại, ngon mát. Rồi bỏ vỏ và hạt, thêm vào một chút đường, đánh đều lên, thêm một ít đá lạnh mà thưởng thức, hớp một ngụm để quên đi cái nồng nực trưa hè.

Thịt ươi mềm mại như tan trên lưỡi; quả ươi có nhiều dược tính: giải nhiệt, giải độc, chữa viêm họng, chữa bệnh gai cột sống… Nhưng có lẽ, với riêng tôi, công dụng lớn nhất của ươi là làm sống dậy những nỗi nhớ: nỗi nhớ về tuổi thơ, và nhớ ngoại.

Cái nỗi nhớ ấy cứ mênh mang, chùng chình mãi, có bao giờ nguôi được. Ngoại giờ không còn nữa, chỉ còn những mùa ươi cứ đến hẹn lại về. Những ngày nắng hanh hao, chợt thèm một tiếng gọi của ngoại, một ly nước ươi dịu mát. Để được gặp lại mình, trong khoảng trời của những ngày thơ ấu…

Lê Minh Kha


Ý kiến bạn đọc