Multimedia Đọc Báo in

Năm Ngọ, nói chuyện… ngựa

09:40, 30/01/2014

Ngựa Hồ, chim Việt

Tương truyền, ngựa đất Hồ (phương Bắc) xuống phương Nam, mỗi lần thấy gió bấc thổi về thì hí vang, hít lấy hít để cái lạnh trong gió quê nhà. Chim đất Việt (phương Nam) bay lên phương Bắc thường làm tổ trên các cành chĩa về phương Nam để đón nhận các tia nắng quê hương. Do vậy, cổ thi có câu:

“Hồ mã tê bắc phong

Việt điểu sào Nam chi”

Có nghĩa là:

Ngựa Hồ hí gió bắc

Chim Việt đậu cành Nam

Điển tích ngựa Hồ, chim Việt trong văn chương trung đại hàm chứa nỗi lòng yêu nước, nhớ quê của những con người phải sống tha hương nơi đất khách quê người.

Phan Bội Châu (1867-1940) nhà yêu nước đầu thế kỷ XX lấy biệt hiệu là Phan Sào Nam, để tự ví mình là con chim Việt (“sào” - từ Hán Việt, nghĩa là: tổ chim) dù tha hương nơi đất Bắc (trong các năm 1905-1909, Phan Bội Châu lãnh đạo phong trào Đông Du ở Nhật) mà luôn hướng về trời Nam quê hương mình và viết ra những “bức thư huyết lệ”.

Vợ mách “nước mã” cho chồng chơi cờ tướng

Ngày xưa, có hai người bạn thân, ngày xuân rảnh rỗi rủ nhau đánh cờ tướng giải trí. Trước khi vào cuộc, họ giao ước là cấm người ngoài mách nước, nếu vi phạm xem như thua cuộc.Đánh mới nửa ván, chủ nhà bị lâm vào nước cờ bí, cô vợ vốn là người cao cờ, thấy chồng gặp nguy liền giả bộ rót nước, pha trà cho khách rồi bí mật quan sát thế cờ hai bên. Sau đó, chị bèn vào buồng bế con và khẽ lẩy Kiều, ru con cố ý cho chồng nghe:

“Nẻo xa mới tỏ mặt người

Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình”

Anh chồng hiểu ý vợ liền đưa con Mã lui về chân tướng, kéo thế cờ trở lại thăng bằng.

Lát sau, thế cờ của anh chủ nhà lại có phần nguy ngập, cô vợ thấy vậy lại lẩy Kiều ru con tiếp

:“Bóng tà như giục cơn buồn

Khách đà lên ngựa người còn nghe theo”

Anh chồng nghe vợ ru, liền lên quân Mã, chuyển bại thành thắng trong ván cờ đầu xuân.

Thầy bói thong thả gieo quẻ rồi phán

Đầu năm, cô nọ đi coi bói. Sau khi đặt lễ xong, cô cung kính nói:

- Thưa thầy! Nhờ thầy bói cho con một quẻ xem về mọi mặt tình duyên, gia sự của vợ chồng con năm nay như thế nào?

Thầy bói thong thả gieo quẻ rồi phán:

- Vợ chồng thân chủ năm nay sức khỏe dẻo dai như ngựa chạy đường trường, làm ăn tấn tài, tấn lộc như ngựa gặp cỏ non, sự nghiệp công danh thuận lợi như ngựa phi nước kiệu, con cái học hành đỗ đạt như ngựa thăng thiên… Sau một phút im lặng, thầy trầm ngâm hạ giọng: nhưng thân chủ phải coi chừng chồng của thân chủ dở chứng ngựa quen đường cũ. Cô người yêu ngày trước của anh ta vừa mới ly dị chồng, nên phải đề phòng trò ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Gia chủ cần quan tâm đứa con út có tính ngựa non háu đá và giáo dục cho đứa con đầu về đức tính một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.

Vành móng ngựa

Thời cổ đại, nhà nước La Mã dùng cực hình “voi giày, ngựa xéo (xé)” đối với các tử tù có tội rất nặng. Do vậy mà các căn phòng xử án xưa nay trên thế giới, người ta bắt các tội nhân (dù tội nhẹ hay nặng) cứ phải đứng trước một cái vành móng ngựa đóng bằng gỗ để luôn  nhắc nhở các bị cáo và mọi người về uy lực và sự nghiêm minh của pháp luật.


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Ngày mới…
09:38, 30/01/2014
Hạnh phúc
16:01, 28/01/2014
Sự trung thực
10:48, 18/01/2014
Ý thức treo Quốc kỳ
09:12, 11/01/2014
Nỗi lo "đa cấp"
08:50, 04/01/2014
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.