Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo "đa cấp"

08:50, 04/01/2014
Những năm gần đây, số lượng công ty bán hàng đa cấp cũng như số lượng người tham gia đường dây bán hàng đa cấp tăng nhanh chóng.
 
Hiện nay, “bão đa cấp” đã tràn về tận những thôn nghèo, xóm nhỏ khiến cho nhiều gia đình kiệt quệ. Để có những món lợi ảo tưởng, con lôi kéo cha, vợ lôi kéo chồng, em lôi kéo anh…và cả gia đình cùng trở thành người bán hàng đa cấp. Tại sao người ta dễ dàng bị lôi kéo và dễ chi tiền cho những món hàng có giá “trên trời” của những công ty đa cấp như vậy? Phải chăng lòng tham của nhiều người chính là điểm yếu đang được các doanh nghiệp tấn công mạnh mẽ và họ thực sự đã thành công? Làm thế nào để dân nghèo không bị “sa chân” vào vòng xoáy đa cấp?

Mô hình bán hàng đa cấp ở các nước phát triển hiện đã trở thành lạc hậu và kém hiệu quả. Người tiêu dùng của họ thông thái và khó bị lay động, họ sống thực tế hơn người Việt chúng ta rất nhiều. Các công ty đa cấp chuyển hướng sang “tấn công” các nước đang phát triển và đạt được những thành công không nhỏ. Viễn cảnh “ngồi mát ăn bát vàng” của đa cấp khiến nhiều người bị mê hoặc. Hơn nữa do không nắm được bản chất của bán hàng đa cấp nên việc họ bị lôi kéo là dễ hiểu.

Nhiều người quảng cáo cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp cùng tham gia. Khó tránh khỏi sự lợi dụng mối quan hệ về tình cảm để ép buộc tham gia. Và cũng chính sự lôi kéo dựa trên “nguyên tắc tình cảm” mà sau khi “trót dại”, những người bị lừa không biết phải nói thế nào. Rất nhiều người đã chép miệng tiếc của nhưng vì là chỗ thân quen nên “cắn răng mà chịu”. Tiền mất,  tật mang, họ cố vớt vát bằng cách tiếp tục lôi kéo những người thân quen xung quanh. Và cứ như thế những cái “vòi bạch tuộc” đa cấp kéo dài mãi.

Kết quả thật đắng cay! Không có những người bán hàng đa cấp nào có thu nhập “khủng” như các hội thảo giới thiệu cả. Những người được hưởng lợi chỉ là một số ít, rất ít mà thôi. Sau nhiều năm tham gia, đa số người bán hàng đa cấp mới nhận ra mình bị lừa. Họ phải mua những sản phẩm với giá cắt cổ để duy trì cái mác “thành viên” trong khi thị trường bán sản phẩm tương tự, chất lượng tương đương với giá rẻ hơn nhiều lần. Họ chẳng trở thành một nhà phân phối lớn,  chẳng được hưởng hoa hồng kếch xù trong thời gian ngắn như họ tưởng. Việc rơi vào trạng thái thất vọng, xấu hổ là khó tránh khỏi. Lúc này, họ bắt đầu quay sang trách móc người đã lôi kéo họ. Những mối quan hệ tốt đẹp trước kia bỗng trở nên xấu đi rất nhiều.

Kinh doanh đa cấp không hề trái pháp luật, nhưng cũng khó tránh khỏi những biến tướng tiêu cực vì lợi nhuận. Việc kinh doanh dựa trên quan hệ tình cảm khiến cơ quan chức năng càng khó can thiệp. “Bão đa cấp” đã, đang và sẽ còn hoành hành sâu rộng, vươn đến tận vùng sâu, vùng xa và mang đến những hệ lụy về kinh tế là khó tránh khỏi. Vì vậy, cần có những biện pháp tuyên truyền, thông tin cho nhân dân về kinh doanh đa cấp, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Thân Nguyễn Luận


Ý kiến bạn đọc