Multimedia Đọc Báo in

Sự trung thực

10:48, 18/01/2014

Người nước mình vốn trọng sự thật, quý tính trung thực. Sự thật có khi làm mất lòng ai đó nhưng vì nó giống “thuốc đắng dã tật” nên cứ phải nói ra. Không phải ngẫu nhiên mà dân ta xếp “chân-thật” vào vị trí thứ nhất trong số các đức tính đáng quý “chân-thiện-mỹ”. Bởi coi sự trung thực là lối ứng xử đứng đắn nên ngay dưới chế độ phong kiến hà khắc vẫn có không ít quan viên sẵn sàng can gián quan trên hay vua chúa làm điều sai trái. Từng có những con người nghĩa khí dâng sớ kể tội vua (chí sĩ Phan Châu Trinh), hay khuyên vua bỏ tính lười nhác (TS Phạm Phú Thứ), hoặc đòi vua chém đầu những nịnh thần (thầy giáo Chu Văn An)… dù họ biết làm vậy có thể thiệt mạng.

Quanh ta bây giờ, không phải ở đâu sự trung thực cũng được đề cao. Cứ nhìn việc phê bình xây dựng trong các cơ quan đơn vị thì rõ. Trừ những nơi có mâu thuẫn gay gắt dẫn tới đấu đá nhau, còn thì các cuộc phê bình nội bộ thường diễn ra “e dè nể nang” như tự nhận của nhiều người. Đúng ra, khi đóng góp ưu điểm thì  nói tuồn tuột, dễ lắm, nhưng khi đề cập khuyết điểm thì ngắc ngứ; cứ phải vòng vo rào đón; khuyết điểm to thì cố “gọt đẽo” cho nhỏ lại; nếu có năm, bảy khuyết điểm thì chỉ nêu một. Người phê bình còn “làm mát” đối tượng bị phê bình bằng cách “nói khéo”; đại loại, kết quả thấp thì nói “chưa cao”, nhiều người vi phạm thì bảo “một vài”, khuyết điểm triền miên nhưng cho là “đôi lúc đôi nơi” hoặc  nói chung chung, không địa chỉ. Phê bình cấp trên càng phải nói “lạng lách” vì sợ “tai nạn”. Người viết từng chứng kiến, người ta phê bình khuyết điểm của sếp nhưng nghe một lúc lại hóa ra…ưu điểm; bởi cho rằng, sếp không giữ gìn sức khỏe khi… làm việc quá khuya; sếp thường nói năng thiếu khiếm nhã nhưng suy cho cùng lại…hay vì “nói năng dân dã, quần chúng dễ gần”. Ngay cấp trên phê bình cấp dưới, lắm lúc cũng không nói thẳng nói thật khuyết điểm vì “không nên khiến anh em chán nản, cần động viên để họ làm”. Thế nhưng sau lưng thì lại kể lể khuyết tật của nhau.

Nguyên nhân khiến nhiều người không thể vạch mặt chỉ tên cái xấu có lẽ trước hết xuất phát từ tâm lý phổ biến là thích nghe những lời ngọt ngào hơn là thẳng thắn, thích được khen hơn là chê, dù chê đúng. Không ít người bề ngoài tỏ ra chân thành, muốn nghe phê bình khuyết điểm để sửa chữa nhưng trong thâm tâm chưa hẳn muốn thế; nghĩa là thái độ cũng không trung thực. Với cấp trên, người ta không dám nói thẳng khuyết điểm nhiều khi còn vì quyền lợi cá nhân bởi sợ “đấu tranh tránh đâu” nên đành “ngậm miệng ăn tiền”…Có thể kể ra rất nhiều biểu hiện không trung thực trong ứng xử giữa người với người.

Khi sự trung thực không được tôn trọng đề cao thì sự giả dối lên ngôi. Thực tế này đang có xu hướng tăng lên, làm tha hoá băng hoại các chuẩn mực đạo đức. Đây quả là điều đáng buồn và đáng lo.

 Nguyễn Trọng Hoạt


Ý kiến bạn đọc