Multimedia Đọc Báo in

Những cánh bướm mùa hạ

08:31, 15/05/2021

Hằng năm, khi mùa khô Tây Nguyên đã ở vào chặng cuối, sự hiện diện của mùa mưa được rõ dần cũng là lúc những đàn bướm tung cánh bay rợp sắc khắp mọi cung đường, mang đến cho đại ngàn Tây Nguyên một vẻ đẹp lãng mạn, đầy sức sống.

Những chú bướm nhỏ màu vàng nhạt dịu, xanh lá nhạt… bay thành từng đàn hằng trăm, hàng nghìn con dưới nắng vàng rực tạo nên một khung cảnh thiên nhiên sinh động, khiến lữ khách không khỏi ngỡ ngàng. Trước khi trở thành những chú bướm xinh tươi, chúng vốn là những con sâu sống ở cây muồng (một loại cây trồng để chắn gió, sương muối cho cà phê hoặc làm trụ cho tiêu leo). Bởi thế, người dân nơi đây quen gọi là bướm sâu muồng.

Thời điểm bướm sâu muồng xuất hiện, đi khắp đất trời Tây Nguyên, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh những cánh bướm tung tăng khoe sắc. Bướm không bay riêng lẻ mà bay theo từng đàn trên những rẫy cà phê và dập dìu bên những bông hoa dại, có khi chúng lại đậu lủng lẳng bên ngọn cỏ ven đường. Đặc biệt, chúng thích đậu ở những nơi ẩm ướt hay có nước, bởi thế ở những vũng nước nhỏ đọng trên nền đất đỏ hay gần mép sông, suối luôn đặc kín bướm vàng. Vào những năm hạn hán, khi các ao hồ cạn hết nước, từng đàn bướm kéo nhau đậu dưới lòng hồ ken đặc trông như những tấm thảm đầy sắc màu.

Những cánh bướm vàng tụ lại trên nền đất đỏ ẩm ướt.
Những cánh bướm vàng tụ lại trên nền đất đỏ ẩm ướt.

Rực rỡ là thế, tuy nhiên chúng lại khá “nhát”, chỉ cần một cơn gió thoảng qua hoặc tiếng động mạnh, chúng sẽ đồng loạt tung cánh bay lên trên nền trời xanh ngắt, tạo nên bức tranh thiên nhiên đầy quyến rũ. Nếu đi dọc các con đường, trong khoảng từ 10 giờ đến 12 giờ trưa sẽ có dịp chứng kiến từng đàn bướm bay chao lượn rợp khắp đường. Nhiều người tranh thủ mùa bướm vàng để đi săn ảnh, hay quay những clip tuyệt đẹp. Nhưng thích thú nhất có lẽ là đám trẻ con, trưa đến lại đi tìm những nơi đàn bướm chụm lại để ngắm nhìn, rón rén bắt cho kì được vài con, sau đó chạy ù vào để chúng tung cánh bay lên trời và cười thỏa thích.

Một điều đặc biệt trong vòng đời của bướm sâu muồng là trước khi trở thành bướm, chúng vốn là những con sâu xanh mướt, mình căng bóng (loài sâu này gần như không có lông và chỉ ăn lá của cây muồng mà không gây hại cho các loại thực vật khác); sau đó chúng kéo kén thành nhộng, có hình con thoi, màu xanh non, nhỏ bằng đầu đũa. Người dân nơi đây thường gọi nhộng muồng là “tôm rừng” và giới thiệu như một đặc sản khó quên với du khách. Nó có vị béo và bùi, lại khá lạ lẫm nên được nhiều người thích thú thưởng thức. Nhộng muồng sau đó thoát xác thành những chú bướm xinh đẹp chao lượn giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vỹ.

Người dân bắt nhộng muồng về chế biến thành món ăn.
Người dân bắt nhộng muồng về chế biến thành món ăn.

Đàn bướm được giao hòa, đẫm mình trong nắng, gió của miền đất đỏ bazan mang đến vẻ đẹp dung dị thanh bình, tạo ấn tượng đặc biệt cho người chứng kiến. Bướm sâu muồng nhiều nhất vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 và ít dần vào những tháng sau đó. Bởi lúc này, đất trời Tây Nguyên chuyển mình để đón những cơn mưa dầm, mang sức sống đến cho cây cỏ, đất trời.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.