Mấy ý kiến về ảnh dự giải báo chí Đắk Lắk năm 2020
Là thành viên Ban giám khảo Giải Báo chí Đắk Lắk lần thứ 1 - 2020, được đọc các tác phẩm tham dự giải, tôi cũng như các thành viên khác của Ban giám khảo có chung nhận định: Báo chí trên địa bàn tỉnh nhà đã có sự phát triển toàn diện ở tất cả các loại hình báo chí. Chất lượng của nhiều tác phẩm dự giải khá cao...
Trong phạm vi bài viết này, chỉ xin trao đổi đôi điều về “Ảnh báo chí” - một trong 5 loại hình (báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử và ảnh) được cơ cấu giải thưởng riêng và có giá trị giải thưởng ngang nhau.
Có thể khẳng định ngay rằng: Ảnh báo chí là loại hình “hẻo” nhất trong Giải Báo chí Đắk Lắk lần này. Nói “hẻo” nhất vì hai lý do: Ít về số lượng nhất và cũng thấp về chất lượng.
Phóng viên phỏng vấn Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung về công tác chuẩn bị bầu cử. |
Về số lượng, chỉ có 3 tác phẩm dự giải, gồm hai tác phẩm ảnh đơn và một phóng sự ảnh. Thế nhưng cả hai tác phẩm ảnh đơn đều bị loại ngay từ đầu vì vi phạm thể lệ giải. Một tác phẩm mang tên “Nét đẹp buôn Êđê” chụp cảnh sinh hoạt đời thường ở một buôn dân tộc Êđê. Bức ảnh khá chuẩn về bố cục, tông màu, ánh sáng nhưng được dàn dựng, sắp xếp khá rõ ràng và không có chú thích cung cấp các thông tin cần thiết cho người xem. Cách đặt tên cho bức ảnh là cách đặt tên cho một tác phẩm ảnh nghệ thuật, chứ không có tính báo chí, vì thế Ban giám khảo khẳng định: Tác phẩm “Nét đẹp buôn Êđê” không phải ảnh báo chí và không chấm điểm.
Một bức ảnh đơn khác mang tên “Trên vùng biển Gạc Ma”, tác giả chụp cảnh các phóng viên báo chí đang tác nghiệp trên biển. Nội dung của tác phẩm đề cập được một vấn đề có ý nghĩa chính trị, xã hội lớn và đang nhận được sự quan tâm của mọi người - đó là việc khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc. Thế nhưng tác phẩm này lại chưa được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (vi phạm Điều 4.2 của Thể lệ giải), vì thế tác phẩm này cũng bị loại.
Phóng sư ảnh “Ngày cuối năm ở Đồn biên phòng Sêrêpốk” gồm 10 ảnh đơn. Phóng sự đã kể lại được câu chuyện bằng ảnh khá sinh động về tinh thần sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh trật tự biên giới, tinh thần cảnh giác phòng chống đại dịch COVID-19, mối quan hệ “cá - nước” giữa quân và dân (giúp dân sản xuất, dạy chữ cho con em đồng bào vùng sâu, vùng xa). Tuy vậy, một số bức ảnh trong phóng sự này đã phạm lỗi kỹ thuật: ảnh thiếu sáng, bị nhòe mờ. Việc sắp xếp thứ tự các bức ảnh để tạo ra bố cục chặt chẽ của câu chuyện được kể chưa được tác giả quan tâm. Có những ảnh trùng lặp nội dung. Góc độ bấm máy, bố cục của một số bức ảnh cũng chưa được tác giả chú ý để làm nổi bật nhân vật, sự việc cần phản ánh. Phóng sự chưa có những ảnh “đinh”, gây được ấn tượng với người xem.
Các nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017. Ảnh: Giang Nam |
Qua giải báo chí lần này, thấy rõ nhiều cơ quan báo chí, nhiều phóng viên, cộng tác viên chưa thực sự quan tâm đến thể loại ảnh báo chí, nên chưa có sự đầu tư đúng mức cho thể loại này. Trong khi đó, nhiều tờ báo lớn trong và ngoài nước ngày càng quan tâm hơn đến ảnh báo chí. Nhiều nhà báo nổi tiếng cũng khẳng định: Một bức ảnh báo chí đúng nghĩa có tác dụng hơn hàng ngàn từ ngữ. Xem các bức ảnh đoạt giải báo chí quốc tế, ví dụ ảnh của nhiếp ảnh gia Kevin Carter chụp tại Sudan: Em bé đói khát đang lê lết trên nền đất, sau lưng là con kền kền đang chờ em gục xuống để rỉa xác đã chạm tới trái tim của hàng tỷ người trên thế giới. Rõ ràng, phía sau bức ảnh đó có rất nhiều thông tin về tình trạng mất mùa, về nạn đói, về cuộc chiến giữa các phe phái, về sự bất ổn ở Sudan; đồng thời nó cũng kêu gọi loài người cần sống yêu thương nhau hơn, nhất là với trẻ em - những đối tượng yếu thế nhất trong xã hội...
Gần đây, một số bức ảnh chụp các nhân viên y tế đang ở trên tuyến đầu phòng chống đại dịch COVID-19 đã kiệt sức, mệt lả, nằm vật trên sàn, vỉa hè bệnh viện... cũng đem lại cho chúng ta biết bao thông tin về sự gian khổ, khốc liệt của công việc phòng chống đại dịch và ý chí, nhiệt huyết vì người bệnh, vì nhân dân của các cán bộ, nhân viên y tế, gây xúc động cho hàng triệu người xem.
Qua giải báo chí lần này cũng cho thấy một số phóng viên, cộng tác viên chưa nắm được các yêu cầu cơ bản của một tác phẩm ảnh báo chí là phản ánh sự kiện, vấn đề của cuộc sống mới xảy ra. Ảnh bắt buộc phải có thông tin. Một số cộng tác viên cứ tưởng ảnh được in trên các báo, tạp chí là ảnh báo chí; không phân biệt được đâu là ảnh báo chí, đâu là ảnh nghệ thuật, đâu là ảnh chỉ có tính minh họa, trang trí cho trang báo.
Những điều trên đây, theo chúng tôi rất cần được các cơ quan báo chí, các phóng viên, cộng tác viên quan tâm hơn để nâng cao chất lượng ảnh báo chí, phục vụ người đọc tốt hơn. Mong rằng ở Giải Báo chí Đắk Lắk những năm tới ảnh báo chí sẽ chiếm được vị trí xứng đáng hơn.
Phan Vũ