Multimedia Đọc Báo in

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Công trình Thủy điện Sêrêpôk 3: Sai phạm chồng sai phạm (Kỳ 2)

09:09, 16/09/2011
Bài 2: Áp giá đền bù “vô tội vạ”

Theo quy định của Nhà nước, trong quá trình triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thì trước khi kiểm kê xác định hiện trạng, HĐBT, HTGPMB phải tổ chức hướng dẫn người dân tự kê khai thực trạng đang sử dụng đất. Trên cơ sở đó, HĐBT, HTGPMB sẽ tiến hành kiểm kê, xác định hiện trạng, lên phương án trình cơ quan chức năng phê duyệt. Tuy nhiên thực tế tại Công trình Thủy điện Sêrêpôk 3 thì HĐBT, HTGPMB không tổ chức họp dân, không hướng dẫn các hộ dân kê khai thực trạng sử dụng đất mà chỉ phát tờ khai cho các hộ dân tự kê khai. Điều này đã dẫn đến hiện tượng người dân kê khai “vô tội vạ”, không đúng với hiện trạng thực tế, gây thiệt hại tiền tỷ của Nhà nước và công dân.

Trong quá trình triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng Công trình Thủy điện Sêrêpôk3, HĐBT, HTGPMB đã không nghiêm túc, thiếu minh bạch trong việc kiểm tra thực địa, xác định hiện trạng đất. Thậm chí có trường hợp cán bộ không đi kiểm kê hiện trạng sử dụng đất của dân nhưng vẫn ký vào biên bản. Theo thống kê sơ bộ thì đã có ít nhất trên 100 trường hợp HĐBT, HTGPMB kiểm kê xác định hiện trạng không đúng, thiếu chính xác, thiếu khách quan. Điển hình là trường hợp hộ ông Phạm Đình Thọ có diện tích đất bị thu hồi là 16.515 m2 đã được HĐBT, HTGPMB “duyệt” số cây trồng dài ngày trên đất là 4.276 cây (bình quân có 2.589 cây/ha – mật độ quá dày so với quy định). Tương tự, hộ ông Nguyễn Thái Quý có diện tích đất thu hồi là 14.377m2 có số cây trồng dài ngày là 2.762 cây; hộ ông Phạm Kim Ngọc có diện tích thu hồi 29.000m2 có số cây trồng dài ngày được đền bù là 7.123 cây…

Không chỉ làm ngơ trước tình trạng người dân kê khống, khai gian cây trồng, HĐBT, HTGPMB còn vô tư áp giá đền bù trái quy định, gây thất thoát của Nhà nước hàng tỷ đồng. Chỉ đơn cử riêng đối với trường hợp hộ ông Phạm Kim Ngọc, trong phương án đền bù được phê duyệt tại Quyết định số 911/QĐ-UBND, ngày 24-6-2009 của UBND huyện Buôn Đôn thì số tiền được đền bù lên đến 2.678.698.300 đồng. Trong đó, riêng bồi thường về cây trồng là 2.401.826.800 đồng (2.934 cây cam 5 năm tuổi được bồi thường 1.540.350.000 đồng; 223 cây cam 9 năm tuổi được bồi thường 117.075.000 đồng; 357 cây cam 6 năm tuổi được bồi thường 187.425.000 đồng; các loại cây trồng khác được đền bù 556.976.800 đồng). Điều đáng nói ở đây là HĐBT, HTGPMB đã không phân loại chất lượng cây trồng theo quy định mà lại đánh giá chung chất lượng cây được đền bù là loại A, được đền bù 100%. Trong khi đó, thực tế thì với mật độ cây cam trồng xen với cây cà phê dày đặc như trường hợp hộ ông Ngọc (bình quân có 2.456 cây cam/ha) thì cây không thể phát triển bình thường được. Do đó mức đền bù phải tính 70% mức giá theo quy định tại Quyết định số 19/2008/QĐ-UBND, ngày 16-5-2008 của UBND tỉnh. Như vậy, chỉ riêng việc áp giá sai quy định đối với cây cam của hộ ông Phạm Kim Ngọc đã gây thất thoát của Nhà nước 267.390.000 đồng.

Không chỉ áp giá sai, HĐBT, HTGPMB còn tính toán độ tuổi cây trồng không đúng gây thất thoát số tiền còn lớn hơn nhiều. Cũng riêng đối với cây cam của hộ ông Ngọc, HĐBT, HTGPMB chỉ dựa vào biên bản kiểm tra hiện trạng được ghi theo lời khai của gia đình để tính toán đền bù. Cụ thể, vào tháng 5-2004, gia đình ông Ngọc trồng 2.943 cây cam, đến ngày 6-3-2009, HĐBT, HTGPMB lập biên bản kiểm kê, xác định hiện trạng tuổi cây cam chỉ có 4 năm 10 tháng tuổi. Với độ tuổi này thì cây cam chỉ được áp giá đền bù 200.000 đồng/cây, thế nhưng HĐBT, HTGPMB lại áp giá để tính mức bồi thường cho cây cam 5 năm tuổi trở lên, mức bồi thường là 525.000 đồng/cây. Việc áp giá không căn cứ, vô tội vạ này đã dẫn đến bồi thường sai, thất thoát của Nhà nước 953.550.000 đồng. Như vậy, chỉ riêng đối với cây cam của hộ ông Phạm Kim Ngọc, HĐBT, HTGPMB đã áp giá sai gây thất thoát của NHà nước tổng cộng 1.220.940.000 đồng.

 Bà Lan bức xúc vì đất của mình bị thu hồi chia cho người khác, trong khi gia đình mình lại không còn đất để tái định canh. Trong ảnh: Diện tích 11 ha đất của bà Lan đã được chia cho người khác canh tác.
Bà Lan bức xúc vì đất của mình bị thu hồi chia cho người khác, trong khi gia đình mình lại không còn đất để tái định canh. Trong ảnh: Diện tích 11 ha đất của bà Lan đã được chia cho người khác canh tác.

Không được “ưu ái” như gia đình ông Ngọc, trở lại với trường hợp của bà Thái Thị Xuân Lan thì mới thấy bị thiệt thòi. HĐBT, HTGPMB đã tính toán và áp giá đền bù đối với 2 hồ nuôi cá của bà Lan (có tổng dung tích 2.011 m3) không đúng với hiện trạng thực tế theo quy định của Nhà nước. Cụ thể, theo Quyết định số 19/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 16-5-2008 “Về việc ban hành quy định giá bồi thường cây trồng, tài sản, vật kiến trúc khu Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh” đã quy định rõ: “Bể nước xây kết cấu gạch có giá đền bù 802.000 đồng/m3”. Thực tế thì 2 hồ cá của bà Lan được xây dựng theo kết cấu bể nước có tường xây gạch, nền láng xi măng có đá 4x6. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, khi áp giá đền bù, HĐBT, HTGPMB đã “xé lẻ” hồ ra, tính toán đền bù tường xây hồ riêng (theo giá đền bù tường rào có giá trị 551.000đồng/m) và nền xi măng riêng (với giá 66.000 đồng/m2). Nếu theo cách tính của HĐBT, HTGPMB thì tổng cộng số tiền mà Lan được nhận do đền bù 2 hồ nuôi cá này chỉ được 142.945.520 đồng. Trong khi đó, nếu tính đền bù đúng cho bà Lan theo Quyết định số 19 như đã nói ở trên thì số tiền đền bù 2 hồ cá này phải là 1.612.822.000 đồng!

Không dừng lại ở đó, sai phạm của HĐBT, HTGPMB Công trình Thủy lợi Sêrêpôk 3 còn thể hiện rõ trong việc tính toán, bố trí tái định cư cho 44 hộ dân trên địa bàn 2 xã Ea Nuôl và Tân Hòa. Qua kiểm tra hồ sơ bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với 44 hộ dân cho thấy, trong số này có 2 trường hợp không đủ điều kiện để bố trí tái định cư là hộ ông Võ Văn Thuận đăng ký hộ khẩu tại xã Ea Nuôl năm 2007 và hộ bà Nguyễn Thị Khuyên tách khẩu từ hộ ông Nguyễn Hoàng Quyển (thành viên HĐBT, HTGPMB) vào ngày 24-4-2006, sau thời điểm thu hồi đất. Bên cạnh đó, HĐBT, HTGPMB cũng chỉ tiến hành trừ tiền bồi thường hỗ trợ của 41/44 hộ tái định cư với tổng số tiền là 526.618.714 đồng mà không tính toán thu phần chênh lệch giữa giá nhà tại khu tái định cư với tiền bồi thường của các hộ. Còn lại 3 hộ đã được HĐBT, HTGPMB “ưu ái” không tính giá trị nhà để trừ vào tiền mua nhà tái định cư mà lại được cấn ngang bằng. Thực tế thì tổng giá trị của 44 căn hộ tái định cư này đã được đầu tư xây dựng lên đến 5.933.601.880 đồng. Chính việc làm thiếu trách nhiệm, trái quy định này của HĐBT, HTGPMB đã gây thất thoát lớn cho Nhà nước lên đến 5.406.938.166 đồng.

Việt Cường – Minh Thông – Đ.Đối

Ý kiến bạn đọc