Multimedia Đọc Báo in

Điều tra theo dấu thư bạn đọc

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Công trình Thủy điện Sêrêpôk 3: Sai phạm chồng sai phạm

09:08, 14/09/2011

Nhà máy Thủy điện Sêrêpôk 3 được khởi công xây dựng từ năm 2005 trên địa bàn các xã Ea Pô, huyện Cư Jút (Dak Nông), Ea Nuôl và Tân Hòa, huyện Buôn Đôn (Dak Lak) với tổng vốn đầu tư 4.855,664 tỷ đồng và đã phát điện từ năm 2010. Tuy nhiên, đến nay thì những sai phạm nghiêm trọng trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bố trí tái định canh, định cư phục vụ dự án vẫn chưa được giải quyết dứt điểm gây bức xúc trong dư luận…

 

Bài 1:  Tùy tiện chia đất tái định canh

Có một hộ dân bị thu hồi tổng cộng 11 ha đất để phục vụ cho công trình thủy điện này nhưng không hề được bố trí một mét vuông đất tái định canh. Trong khi đó lại có rất nhiều người chỉ mất vài sào đất, thậm chí chỉ vài trăm mét đất vẫn được bố trí 2 ha đất tái định canh…

Từ lá đơn của một người dân
Mới đây, Báo Dak Lak đã nhận được “Đơn kêu cứu” của bà Thái Thị Xuân Lan ở tổ 4, khối 7 phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột phản ánh việc làm tắc trách, không minh bạch của Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (HĐBT, HTGPMB) công trình Thủy điện Sêrêpôk 3, gây thiệt hại về kinh tế và khiến gia đình bà không còn đất để sản xuất.

Theo đơn trình bày của bà Lan thì gia đình bà có 4 ha đất tại buôn Kô Đung, xã Ea Nuôl và 7 ha đất trên địa bàn xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn). Trên diện tích đất này, gia đình bà đã canh tác ổn định từ lâu nay. Năm 2008, HĐBT, HTGPMB công trình Thủy điện Sêrêpôk 3 thu hồi 4 ha đất tại buôn Kô Đung của gia đình bà để thi công lòng hồ thủy điện và tiến hành bồi thường, hỗ trợ tiền công khai hoang, cây trồng trên đất… tổng cộng hơn 960 triệu đồng. Tuy nhiên, một số tài sản khác gắn liền trên đất như: nhà ở, giếng khoan và 2 hồ nuôi cá (tổng dung tích 2.011 m3) thì lại chưa được đền bù.

Trong khi khi bà Lan đang loay hoay gửi đơn khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền về chuyện hỗ trợ, đền bù tài sản trên 4ha đất bị thu hồi thì đến năm 2009, HĐBT, HTGPMB công trình Thủy điện Sêrêpôk 3 tiếp tục thu hồi của bà nốt 7 ha đất trên địa bàn xã Tân Hòa để bố trí đất tái định canh cho những hộ gia đình có đất bị thu hồi trong khu vực lòng hồ. Trớ trêu thay, bà Lan không hề nhận được bất cứ thông báo hay quyết định gì về việc thu hồi đất của mình. Và cũng thật trớ trêu, cả thảy 4 ha đất của bà Lan đã bị thu hồi để phục vụ xây dựng công trình thủy điện và 7 ha đất của bà cũng bị thu hồi để phục vụ cho tái định canh, nhưng gia đình bà lại không hề được bố trí một mét vuông đất nào tái định canh. Trong khi đó, có những hộ chỉ vài trăm mét vuông đất bị thu hồi lại được bố trí hẳn 2 ha đất tái định canh…

Tùy tiện chia đất tái định canh
Bị thu hồi không còn đất để canh tác, đồng thời bức xúc trước việc làm vô lý và tùy tiện của HĐBT, HTGPMB, gia đình bà Lan khẩn cấp viết đơn gửi lên UBND huyện Buôn Đôn đề nghị cấp đất tái định canh cho mình (trên diện tích đất đã được thu hồi để bố trí tái định canh). Chẳng những không được xem xét giải quyết, bà Lan lại còn nhận được văn bản do đích thân ông Ngô Sỹ Kỷ lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, Chủ tịch HĐBT, HTGPMB ký ngày 20-10-2009 trả lời rằng: Trường hợp của bà Lan không được cấp đất tái định canh do “Bà hiện có hộ khẩu tại thành phố Buôn Ma Thuột, quỹ đất tái định canh Công trình thủy điện Sêrêpôk3 được ưu tiên bố trí cho các hộ dân có đất tại khu vực lòng hồ và có hộ khẩu tại địa phương”(!?) Và cũng ngay sau đó, ngày 25-11-2009, HĐBT, HTGPMB cùng với Ban Quản lý dự án thủy điện 5 cấp tập tiến hành tổ chức bốc thăm chia đất tái định canh cho 60 hộ dân, mỗi hộ được nhận 2 ha.

Trong quá trình điều tra, xác minh việc tổ chức thu hồi và cấp đất tái định canh cho 60 hộ dân nói trên, chúng tôi đã phát hiện được những việc làm tùy tiện, vô nguyên tắc và có dấu hiệu bất minh của HĐBT, HTGPMB. Cụ thể, HĐBT, HTGPMB chưa gửi những văn bản, giấy tờ có liên quan đến việc thu hồi đất đến từng hộ dân có đất bị thu hồi. Trong khi đó, quyết định thu hồi đất chi tiết, biên bản kiểm kê hiện trạng đất (một trong những thủ tục bắt buộc) chưa bảo đảm quy trình, thủ tục theo quy định của Nhà nước. Trong khi diện tích đất này là đất lâm nghiệp, chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng HĐBT, HTGPMB đã tiến hành chia cho dân tái định canh. Bên cạnh đó, trong quá trình chi trả tiền đền bù hỗ trợ đối với diện tích đất thu hồi, bà Thái Thị Xuân Lan chưa chịu nhận tiền (đồng nghĩa với việc chưa chấp nhận bàn giao đất) nhưng HĐBT, HTGPMB vẫn đưa vào bốc thăm để chia cho người khác.

Không chỉ có vậy, khuất tất còn thể hiện rõ trong danh sách các hộ dân được cấp đất tái định canh, mà cụ thể là đã có sự “ưu ái” bất thường đối với một số hộ được bố trí tái định canh. Đơn cử như các trường hợp: hộ bà Nguyễn Thị Bảy có 917 m2 đất bị thu hồi, hộ Nguyễn Hoàng Khuyến bị thu hồi 1.697 m2, hộ Hà Văn Ý 851 m2, hộ Nguyễn Thị Khuyên 1.795m2, hộ Đào Thị Hiền 2008 m2… nhưng vẫn được chia đều mỗi người 2 ha đất tái định canh. Rõ ràng, việc chia đất như vậy là trái với quy định của Nhà nước. Bởi theo Thông tư số 116/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 7-12-2004 hướng dẫn thi hành Nghị định số 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ, tại điểm 4.2, Khoản 4, Phần 2 đã hướng dẫn rõ: “…Mức giao đất mới cho mỗi hộ gia đình không vượt quá diện tích thu hồi và không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương… Trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới có giá trị đất thấp hơn giá trị đất bị thu hồi, thì ngoài việc được giao đất mới, người bị thu hồi đất còn được bồi thường bằng tiền phần giá trị chênh lệch; Trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới có giá trị đất cao hơn giá đất bị thu hồi, thì được bồi thường bằng việc giao đất mới với diện tích tương ứng với giá trị quyền sử dụng đất của đất bị thu hồi và phù hợp với thực tế quỹ đất tại địa phương…”.

 Sự “ưu ái” của HĐBT, HTGPMB còn thể hiện rõ trong việc cấp đất tái định canh cho hộ ông Nguyễn Hoàng Khuyến và bà Nguyễn Thị Khuyên. Qua điều tra của chúng tôi thì 2 người này đều là con ruột của ông Nguyễn Hoàng Quyển, Trưởng thôn Tân Phú (xã Ea Nuôl) và cũng là thành viên trong HĐBT, HTGPMB. Thực tế, ông Khuyến chỉ có 1.697 m2 đất bị thu hồi và bà Khuyên cũng chỉ có 1.795 m2 đất bị thu hồi nhưng cả hai đều được cấp 2ha đất tái định canh. Và cũng thật “ngẫu nhiên”, cả 2 người này đều bốc thăm trúng vào 2 thửa đất liền kề nhau ở vị trí “đẹp nhất” (phần lớn là diện tích đất của bà Lan bị thu hồi). Trong khi đó, nếu xét về nguồn gốc đất bị thu hồi của 2 người này thì không thuộc diện được bố trí tái định canh. Bởi lẽ, nguồn gốc đất của ông Khuyến và bà Khuyên là do ông Nguyễn Hoàng Quyển viết giấy cho con. Giấy cho đất này thực tế được lập vào năm 2004 (sau khi có thông báo quy hoạch thủy điện) nhưng lại ghi lùi thời gian là năm 2002, đồng thời trong giấy cho đất cũng không ghi rõ ràng số thửa…

Việt Cường - Minh Thông - Đ.Đối

Ý kiến bạn đọc