Triển khai, thực hiện các dự án lâm nghiệp ở Dak Lak: Lộ diện những bất cập
Chủ trương thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp của UBND tỉnh đã thật sự hấp dẫn các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh đổ vào làm ăn. Từ năm 2005 đến nay, có gần 100 dự án trồng cao su, khoanh nuôi và trồng rừng được cấp có thẩm quyền cho chủ trương và cấp phép đầu tư. Bên cạnh mặt tích cực của chủ trương này là đánh thức lợi thế, tiềm năng đất và rừng của Dak Lak; góp phần gia tăng giá trị kinh tế nông- lâm nghiệp hàng năm cho ngân sách địa phương; giải quyết công ăn, việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân… thì vẫn còn bộc lộ những hạn chế, những bất cập rất đáng quan tâm, trong đó nổi lên là vấn đề có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương trên để trục lợi bất chính.
Để có 1 ha rừng như thế này, các hộ liên kết trồng rừng với “Công ty ma” Nghiệp Lâm chỉ nhận được 220 nghìn đồng tiền công khai hoang, trồng và chăm sóc. (Ảnh: P.V) |
Chính quyền huyện Krông Bông đang “đau đầu” trước tình trạng khiếu kiện, tranh chấp kéo dài giữa người dân trong vùng dự án với Công ty cổ phần Nghiệp Lâm vì sự mập mờ, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo trong quá trình thực hiện hợp đồng trồng rừng của doanh nghiệp (DN) này trên địa bàn huyện.
Chính quyền huyện Krông Bông đang “đau đầu” trước tình trạng khiếu kiện, tranh chấp kéo dài giữa người dân trong vùng dự án với Công ty cổ phần Nghiệp Lâm vì sự mập mờ, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo trong quá trình thực hiện hợp đồng trồng rừng của doanh nghiệp (DN) này trên địa bàn huyện.
Từ năm 2004, Công ty cổ phần Nghiệp Lâm do ông Nguyễn Trọng Lộc làm giám đốc được UBND tỉnh đồng ý cho thuê 904 ha đất rừng thuộc ba xã Chư Kty, Hòa Lễ và Khuê Ngọc Điền (Krông Bông) để trồng rừng (theo Quyết định 1076/QĐ- UBND ngày 19-7-2004 của UBND tỉnh). Có quyết định này trong tay, Công ty cổ phần Nghiệp Lâm đã tiến hành thỏa thuận và ký hợp đồng kinh tế với hàng trăm hộ dân ở đây để trồng rừng. Trong hợp đồng liên doanh trồng rừng có những điều khoản cụ thể: Bên B (hộ dân) có đất, bên A (Công ty cổ phần Nghiệp Lâm) có vốn và hai bên cùng liên doanh hợp tác trồng rừng và phân chia lợi nhuận như sau: bên B đầu tư đất, nhân lực, trồng và chăm sóc bảo vệ rừng; bên A đầu tư toàn bộ vốn, tiền công trồng trọt, chăm sóc… cho đến thời kỳ khai thác là 7 năm, với tổng mức đầu tư 11.121.000 đồng/ha. Sau khi trừ các khoản chi phí đã đầu tư và nghĩa vụ đối với Nhà nước, lợi nhuận sau thuế được ăn chia (bên A 40%, bên B 60%) lợi nhuận của tổng dự án đầu tư mang lại.
Sẽ không có gì để nói đối với dự án trên, nếu như trong quá trình thực hiện, Công ty cổ phần Nghiệp Lâm giữ đúng cam kết theo hợp đồng đã thỏa thuận giữa hai bên. Đằng này, công ty đã bộc lộ sự mập mờ, thậm chí lừa đảo đối với hàng trăm hộ dân trong vùng dự án. Đầu tiên là Công ty cổ phần Nghiệp Lâm đã “dụ” các hộ dân có ký kết hợp đồng trồng rừng “ký khống” vào khoản tiền hỗ trợ công khai hoang 4.000.000 đồng/hộ. Tiếp đó, DN này đã không thực hiện đầy đủ các khoản đầu tư khác (tiền công trồng, chăm sóc, bảo vệ, phân bón, thuốc trừ sâu…) cho người dân theo cam kết trong hợp đồng. Theo ông Lương Văn Trỉ, Thôn trưởng thôn 3 xã Khuê Ngọc Điền, từ khi trồng rừng (năm 2005) đến nay, các hộ dân có ký hợp đồng với công ty chỉ nhận được vỏn vẹn 220.000 đồng/ha so với tổng mức đầu tư là 11.121.000 đồng theo thỏa thuận ban đầu giữa hai bên. Ông Trỉ và nhiều hộ dân trong vùng dự án cho rằng, số tiền ấy chỉ đủ mua một cái… cuốc, vài con dao(!). Vì thế các hộ dân trồng rừng ở đây không còn cách nào khác hơn là chặt cây để bán đổ, bán tháo với giá 16.000.000-17.000.000 đồng/ha nhằm vớt vát công sức, tiền của bỏ ra trong thời gian 7 năm qua (2005-2011). Phó chủ tịch UBND xã Khuê Ngọc Điền Trần Ngọc Hùng phản ánh tình trạng các hộ dân bất chấp khuyến cáo, ngăn chặn của chính quyền địa phương đua nhau chặt rừng để bán đã gây ra những xáo trộn về mặt đời sống an ninh trên địa bàn. Bởi theo ông Hùng, năm 2010, đại diện của Công ty cổ phần Nghiệp Lâm về làm việc với chính quyền và đối tác ký hợp đồng trồng rừng để thỏa thuận việc thanh toán hết các khoản đầu tư, hỗ trợ cho người trồng rừng theo hợp đồng, sau đó sẽ tính toán chuyện “ăn chia” giữa hai bên. Đồng thời công ty này cũng yêu cầu các hộ dân trong vùng dự án không được chặt rừng (diện tích 219 ha) để bán, nếu không họ sẽ kiện ra tòa (!?) Song, ông Hùng cho biết: từ đó đến nay, người của Công ty cổ phần Nghiệp Lâm không còn mối liên hệ nào với chính quyền địa phương, cũng như hàng trăm hộ dân có ký kết hợp đồng trồng rừng. Gọi điện thoại cho Ban giám đốc công ty không được, muốn đến làm việc trực tiếp cũng không xong vì không tìm ra trụ sở làm việc của Nghiệp Lâm ở chỗ nào!
Nhiều hộ dân liên kết trồng rừng với Công ty Nghiệp Lâm đã không ngần ngại chặt cây để bán với giá rẻ nhằm vớt vát công sức đầu tư trong 7 năm qua. (Ảnh: P.V) |
Rõ ràng, lợi dụng chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh để lập ra những “dự án ma” như Công ty cổ phần Nghiệp Lâm đã làm xáo trộn, gây thêm khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên đất, rừng… vốn đã hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Trong đó, hệ lụy nhãn tiền là đất, rừng không được bố trí, sử dụng hợp lý thì người dân không được hưởng lợi gì, mà Nhà nước càng thêm thua thiệt. Có thể nói, bài học về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên đất, rừng còn phải được nhắc tới ở nhiều khía cạnh, góc độ khác nữa, đó là: chưa lường hết những mánh khóe, gian dối của DN; sự thiếu kiểm tra, giám sát của các cơ quan hữu trách trong lĩnh vực phát triển lâm nghiệp v.v…
Bài 2: Thuê nhiều trồng ít (!)
Ý kiến bạn đọc