Multimedia Đọc Báo in

Những mẩu chuyện nhỏ về chú Sáu Dân

11:16, 13/02/2019

Trong cuộc đời làm báo của mình, một trong những điều tôi cho là may mắn nhất, đó là đã nhiều lần tôi được dự để đưa tin về những cuộc làm việc của chú Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) với tỉnh Đắk Lắk.

Một con người có dáng đi nhanh nhẹn, mái tóc bạc trắng, nụ cười đôn hậu, ánh mắt tinh anh qua cặp kính lão, nhìn Chú Sáu giống giáo sư đại học hơn là một nguyên thủ quốc gia. Chú Sáu thật dễ gần và rất dung dị. Qua quan sát, được nghe chú Sáu nói, thấy những điều chú Sáu làm, kể cả đọc được những suy nghĩ trăn trở của Chú Sáu trên báo chí khi chú đã về với đời thường, tôi cảm nhận được một nhân cách thật lớn lao. Một con người của thực tiễn. Một con người của hành động. Rồi đây chắc chắn sẽ còn rất nhiều sách, báo, nhiều công trình nghiên cứu viết về nhân cách Võ Văn Kiệt, “hiện tượng Võ Văn Kiệt”.

Riêng tôi, một kẻ hậu sinh muốn ghi lại một vài mẩu chuyện nhỏ về chú Sáu Dân gửi đến quý độc giả nhân dịp mừng Xuân, đón Tết Kỷ Hợi.

1. Để ai cũng được kính

Trong một lần chủ trì cuộc làm việc của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh Tây nguyên được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đại diện Ban tổ chức lên giới thiệu thành phần đại biểu tham dự. Vì hội nghị quan trọng, có đông đủ các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên nên người làm tổ chức liên tục kính thưa và kính giới thiệu từng người. Thời gian lễ tân này kéo dài quá lâu.

Khi Ban tổ chức kính mời Thủ tướng Võ Văn Kiệt lên phát biểu, chú Sáu bước lên bục, nở nụ cười rất tươi, đôn hậu. Không đề cập đến nội dung cuộc họp, chú Sáu nói:

- Nãy giờ tôi nghe các anh kính thưa, kính giới thiệu rất dài và tưởng như đã khá kỹ. Nhưng tôi cho rằng như vậy vẫn còn thiếu.

Cả hội trường có mấy giây im lặng.

Chú Sáu nói tiếp:

- Tôi đề nghị thế này, để đỡ mất thời gian, từ nay trở đi, khi khai mạc hội nghị chỉ nên giới thiệu và kính thưa người chủ trì rồi sau đó nên kính một câu tổng quát nhất: Kính thưa tất cả các đồng chí. Như vậy trong hội trường này từ tôi đến nhân viên và cả các chị phục vụ đều được kính, phải vậy không?

Một đề nghị tưởng chừng thật đơn giản, dễ thực hiện nhưng xem ra khó vô cùng. Nếu các bạn đã từng ngồi trước ti vi xem truyền hình trực tiếp các chương trình lễ hội gần đây, chỉ riêng chuyện kính thưa và kính giới thiệu chiếm mất hàng chục phút. Hình như ai cũng muốn mình được kính thưa, kính giới thiệu.

Căn bệnh sính danh, quan cách đã ăn sâu vào suy nghĩ mất rồi. Xem ra câu thành ngữ ông bà ta đã đúc kết: “Sông núi dễ dời, thói quen khó bỏ” vẫn đúng cho đến tận hôm nay.

2. Bản thân cái ngày ấy không có tội tình gì

Một lần khác, chú Sáu làm việc với lãnh đạo tỉnh và các ngành về hình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương. Có một số công trình bị chậm tiến độ và lãnh đạo một số ngành viện dẫn rất nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan để giải thích. Và đằng sau “cái sự giải thích” ấy bao giờ cũng đưa ra một số quyết tâm:

- Báo cáo Thủ tướng, chúng tôi quyết tâm phải hoàn thành vào dịp Quốc khánh.

- Báo cáo Thủ tướng, dù rất khó khăn nhưng cán bộ nhân viên công ty sẽ hoàn thành vào ngày… để lập thành tích chào mừng…

Vẫn một phong thái ung dung, nụ cười luôn gắn trên môi, khi phát biểu chú Sáu hỏi từng người vừa báo cáo những việc rất cụ thể: nguồn lực nào để thực hiện, biện pháp triển khai và thời điểm như đã hứa có khả thi không? Vậy là có người ú ớ, thú nhận với Thủ tướng là cứ quyết tâm lấy ngày ấy làm mốc nếu không xong thì tiếp tục thi đua thực hiện đến khi hoàn thành.

Lần này khi nghe đến đây chú Sáu không còn cười nữa. Ánh mắt của chú toát lên vẻ nghiêm nghị và giọng nói khúc chiết:

- Tôi mong các đồng chí đừng duy ý chí. Biết không xong mà cố ép là bệnh hình thức. Bản thân cái ngày kỷ niệm ấy không có tội tình gì mà các đồng chí cứ lấy nó làm cái cớ. Hãy làm thật, báo cáo thật. Đừng vì cái ngày này, ngày nọ mà làm láo, làm dối là có tội.

Xem ra, lời căn dặn ấy của chú Sáu Dân còn giá trị đến mãi bây giờ.

3. Làm không xong là “dân giận” thiệt đó

Một lần chú Sáu về thăm buôn đồng bào dân tộc có nhiều thành tích trong công tác định canh, định cư. Nghe báo cáo về việc đồng bào ở đây đã biết đào giếng dùng nước sạch thay cho việc dùng nước suối. Tuy nhiên, một số hộ do tập tục, thói quen tự ngàn đời vẫn còn tiếp tục dùng nước từ suối không đảm bảo vệ sinh và sức khỏe. Khi đến thăm các hộ gia đình, chú Sáu đã đến bên giếng, tự tay thả gàu xuống giếng nước sâu trên 20 m quay gàu nước lên và bất ngờ chú đưa tay vào gàu vốc một vốc nước nhấp một ngụm trước sự ngạc nhiên của mọi người.

- Nước mát và ngọt lắm! Chú Sáu nói. Rồi tất cả cùng cười.

Vào nhà của đồng bào, chú Sáu đi xem, hỏi han từng chi tiết về phong tục, tập quán, về đời sống. Thấy vườn cà phê áp sát căn nhà, có cành vươn vào cửa sổ nhà sàn, chú Sáu hỏi:

- Cây cà phê có cần dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật trừ bệnh không?

- Dạ có ạ! Một ai đó trả lời.

- Vậy thì vườn cà phê sát nhà quá khi phun thuốc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là với các cháu nhỏ như thế này. Chú Sáu nói và đưa tay chỉ về một cháu nhỏ đang ngủ say sưa được mẹ địu sau lưng.

- Tôi đề nghị thế này: Các nhà khoa học phải cùng chính quyền vận động thuyết phục bà con chặt bỏ bớt cây cà phê chung quanh nhà để vừa tạo cảnh quan, vừa đảm bảo sức khỏe cho bà con. Chính quyền vận động bà con đào giếng để dùng nước sạch nhưng cũng phải biết giữ lại cái bến nước. Không phải cái gì cũng xóa.

Bà con chưa thông thì vận động thuyết phục. Đó là tài của cán bộ, cán bộ phải biết làm công tác dân vận. Nếu làm không xong là “dân giận” thiệt đó.

Chất giọng Nam bộ của chú Sáu thật hào sảng. Kèm theo đó là ánh nhìn, một nụ cười “rất Võ Văn Kiệt”.

Đông A


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.