BIDV khống chế tăng trưởng tín dụng năm 2011 không quá 19%/năm
08:07, 08/03/2011
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong đó nổi bật là biện pháp cụ thể đối với công tác huy động vốn và tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, về huy động vốn, tuân thủ chính sách điều hành và quy định lãi suất của NHNN Việt Nam; nâng cao chất lượng phục vụ, giữ ổn định và phấn đấu tăng trưởng huy động vốn tăng 23% (số tuyệt đối huy động tăng thêm khoảng 61.500 tỷ đồng). Về điều hành chính sách tín dụng, tăng trưởng tín dụng của BIDV năm 2011 không quá 19% (doanh số cho vay phát sinh trong kỳ khoảng 540.000 tỷ đồng).
Nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực được BIDV ưu tiến cấp tín dụng |
BIDV cũng đề ra nguyên tắc: Chỉ tăng trưởng tín dụng khi huy động được nguồn vốn và bảo đảm các tỷ lệ an toàn theo quy định. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, gắn công tác tín dụng với nhiệm vụ huy động vốn. Việc cấp tín dụng cho khách hàng phải nhằm phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Tập trung ưu tiên vốn phục vụ các lĩnh vực phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án trọng điểm nhà nước, các dự án của các doanh nghiệp tạo lập cân đối vĩ mô với tỷ trọng từ 85%-87%/tổng dư nợ. Kiểm soát và giảm tối đa tăng trưởng tín dụng cho khu vực phi sản xuất, khống chế mức tăng trưởng cho vay bất động sản dưới 9%/tổng dư nợ (kể cả các công trình hạ tầng); tỷ trọng cho vay chứng khoán dưới 0,5% tổng dư nợ. Dành doanh số cho vay từ 50.000-55.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu (gấp 2 lần so với năm 2010, nâng tỷ trọng cho vay doanh nghiệp thu mua hàng xuất khẩu chiếm 5%/tổng dư nợ) và doanh số cho vay khoảng 165.000 - 170.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (gấp 1,5 lần so với năm 2010, nâng tổng tỷ trọng cho DNVVN lên 20%/tổng dư nợ). Kiểm soát chặt chẽ trong cho vay nhập khẩu, chỉ cho vay phục vụ nhập khẩu các nhóm mặt hàng thiết yếu, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu; máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất; các mặt hàng bảo đảm cân đối nhu cầu của nền kinh tế với điều kiện khách hàng phải có dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng tạo nguồn ngoại tệ. Kiên quyết không cho vay để nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, các mặt hàng trong nước sản xuất được...
L.N
Ý kiến bạn đọc