Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản

18:01, 08/08/2010
Với những lợi thế như tình hình chính trị- xã hội ổn định, thị trường lớn và có tiềm năng tăng trưởng cao, lực lượng lao động dồi dào và chi phí nhân công thấp,Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản.

nguồn nhân lực dồi dào
Sản xuất thiết bị cơ khí tại Công ty TNHH Đăng Phong - TP Buôn Ma Thuột.  (Ảnh: H.H)
Tại Hội thảo Kinh tế Việt - Nhật lần thứ ba, với chủ đề “ Các xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản - Trường hợp của Việt Nam" vừa diễn ra đầu tháng 8 tại Tokyo, nhiều đại biểu nhận định: Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết: kết quả điều tra hằng năm về các công ty sản xuất của Nhật Bản đang hoạt động tại 6 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) và Ấn Độ cho thấy,  tỷ lệ các nhà đầu tư Nhật Bản dự định đầu tư vào Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao so với các nước trong khu vực. Lý do chính của “lựa chọn Việt Nam” là chi phí đầu tư thấp, tốc độ phát triển kinh tế nhanh. Gần đây các nhà đầu tư Nhật Bản có xu hướng chuyển hoặc mở rộng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào các ngành sản xuất linh kiện cho máy móc vận tải và linh kiện điện/điện tử. Bên cạnh đó, hàng loạt dự án phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được Chính phủ Việt Nam triển khai cũng là cơ hội kinh doanh có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Về thu hút đầu tư theo ngành trong tương lai trung và dài hạn, Thái Lan và Việt Nam được coi là hai địa chỉ sản xuất tốt nhất trong khu vực. Xét riêng trong 6 ngành công nghiệp chủ chốt, Việt Nam đứng đầu trong 2 ngành sản xuất linh kiện điện/điện tử và sản xuất thiết bị điện/điện tử; đứng thứ hai trong sản xuất máy móc vận tải và nhựa.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, ở Việt Nam vẫn tồn tại những yếu tố tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư. Đó là những trở ngại chung của các nước ASEAN (so với Trung Quốc) như trình độ của cán bộ nghiên cứu và kỹ sư, công nghiệp phụ trợ, đặc biệt trình độ phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp nhất không chỉ so với Trung Quốc mà còn với tất cả các nước khác; bên cạnh đó còn nhiều trở ngại khác về cơ sở hạ tầng, thủ tục hải quan, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ...

Tuy vậy, các đại biểu dự Hội thảo nhấn mạnh: với những lợi thế như tình hình chính trị - xã hội ổn định, thị trường lớn và có tiềm năng tăng trưởng cao, lực lượng lao động dồi dào và chi phí nhân công thấp, môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn rất hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản. Trong năm 2010, đa số các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam đều cho rằng tình hình kinh doanh đang được cải thiện và bày tỏ lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới cao nhất trong số các nước ASEAN. Để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng hành lang pháp lý cho mô hình đầu tư đối tác công - tư để làm nền tảng cho việc thu hút vốn từ khu vực tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng của Nhà nước.
 
H.H ( Nguồn: CTO)

Ý kiến bạn đọc