Multimedia Đọc Báo in

Thấy gì từ những sản phẩm du lịch mới ở Dak Lak?

16:47, 25/11/2010

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp (DN) làm du lịch trên địa bàn Dak Lak đã cố gắng xây dựng một số sản phẩm du lịch mới để thu hút ngày càng nhiều du khách tìm đến nghiên cứu và tham quan. Những sản phẩm du lịch này cũng dựa trên tiềm năng và đặc thù của địa phương nhằm nâng cao vị thế, hình ảnh của vùng đất vốn rất giàu bản sắc văn hóa. Tuy vậy, nhiều người quan tâm đến lĩnh vực này lo ngại rằng, đẻ ra một sản phẩm du lịch mới đã khó, nuôi nó sống được càng khó hơn…
     
Ông Phạm Chí Ta, Thư ký Hiệp hội Du lịch Dak Lak lưu ý, mối lo ngại ấy không phải là không có cơ sở. Vài năm trước đây, tuor Homstay (sống và trải nghiệm với sinh hoạt thường ngày cùng người M’nông) trong các buôn làng ở Lak) của Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak ban đầu thật sự hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Sau đó sản phẩm du lịch này dần dần vắng khách, rồi đi đến…chấm hết! Nguyên nhân là do thiếu sự đầu tư chiều sâu cho sản phẩm. Những giá trị văn hóa của đồng bào bản địa ẩn chứa trong các sinh hoạt thường nhật của họ không được đơn vị làm du lịch ở đây nghiên cứu thấu đáo, bài bản để chuyển tải đến du khách một cách sinh động và chân thật, khiến người tham gia nhàm chán, quay lưng. Chẳng hạn, thay vì du khách có nhu cầu ở lại qua đêm trong ngôi nhà sàn của đồng bào bản địa để được nghe diễn tấu cồng chiêng, hay được trực tiếp múa hát với chủ nhân của nền văn hóa ấy thì ngược lại, người tổ chức tuor du lịch này lại thuê nghệ nhân nơi khác (hoặc là người của công ty) đến đảm đương. Với cách làm như vậy thì sản phẩm du lịch trên khó sống được lâu dài - ông Ta khẳng định.

Mới đây, Công ty Du lịch-Thương mại Đam San vừa khảo sát, xây dựng Tuor du lịch trải nghiệm với văn hóa cà phê cũng đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách, nhất là du khách phương xa đến thăm thú vùng đất được mệnh danh là thủ phủ cà phê như Dak Lak. Nhiều người làm du lịch ở đây đánh giá đây là sản phẩm du lịch độc đáo và có sức sống bền vững nếu như biết khai thác một cách đồng bộ và toàn diện chuỗi giá trị (kinh tế cũng như văn hóa) mà cây cà phê mang lại. Ông Lê Hoàng Cơ, Giám đốc Công ty Du Lịch - Thương mại Đam San cho biết sẽ nỗ lực hết sức để vừa hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch này; đồng thời vừa xúc tiến quảng bá, trao đổi và liên kết với các đơn vị du lịch trong vùng, cũng như cả nước để tuor trải nghiệm với văn hóa cà phê trở thành “đặc sản” của du lịch Dak Lak trong tương lai. Song, nhìn lại hoạt động trong gần một năm qua, sản phẩm du lịch trên vẫn còn bộc lộ nhiều yếu tố bất cập. Đó là sự hợp tác, bắt tay nhau giữa những tổ chức, cá nhân liên quan đến tuor du lịch này còn quá lỏng lẻo, nếu không nói là rời rạc và đứt đoạn. Ông Cơ ví dụ, mình là người làm du lịch chuyên nghiệp nên rất hiểu du khách muốn gì khi tham gia trải nghiệm với văn hóa cà phê - từ khâu chăm bón, vun trồng, thu hái… cho đến chế biến và thưởng thức, mỗi cung đoạn du khách đều có nhu cầu nếm trải để tự thân tận hưởng những cảm xúc từ thực tế mang lại. Nhưng khi triển khai với ý nghĩa toàn vẹn ấy lại gặp không ít trục trặc, khó khăn từ phía các đối tác (vốn đang sở hữu không gian văn hóa cà phê là nương rẫy, cơ sở chế biến, kỹ thuật, công nghệ liên quan…) nên có khi bị “bể tuor”, hoặc phải hoãn lại vì nhiều lý do không lường trước được. Và cũng vì thế sản phẩm du lịch có nhiều kỳ vọng này không phải dễ dàng đứng vững được, nếu như có “lộ trình kết nối thống nhất” vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội.

Tiếp đó, từ đầu năm đến nay, một số đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh như Ban Mê Tuor, Thanh Đức… cũng đã bắt đầu thực thi ý tưởng tổ chức và đưa đón du khách đến thăm lại chiến trường xưa Tây Nguyên. Đối tượng của sản phẩm du lịch này chủ yếu là cựu chiến binh, học sinh- sinh viên trong cả nước có nhu cầu tìm về và sống lại với kỷ niệm hào hùng của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hiệp hội Du lịch Dak Lak đánh giá, đây cũng là một ý tưởng độc đáo và năng động, bởi mảnh đất vun trồng cho sản phẩm du lịch này phát triển và tươi xanh. Những địa danh gắn với những chiến thắng lịch sử của hai cuộc kháng chiến hiện lên khá dày đặc trên địa bàn Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Những cái tên như Dak Tô, Tân Cảnh (Kon Tum); Đèo Chuối, Giang Sơn, Dak Tua, Thuần Mẫn, Buôn Hồ (Dak Lak) có sức hấp dẫn và lay động trong ký ức của mọi người. Vì vậy, trong thời gian qua số du khách đi theo tuor này khá nhiều và ngày càng phổ biến. Nhưng qua tìm hiểu triển vọng của sản phẩm du lịch khá mới mẻ ấy từ các hãng lữ hành trên thì được biết, điều đáng quan tâm nhất hiện nay chính là thông tin, sử liệu về “chiến trường xưa” này còn ít và mờ  nhạt. Hơn nữa còn chưa được hệ thống đầy đủ để thỏa mãn cho du khách. Thứ đến, thời gian lưu trú lại của du khách còn quá ngắn do thiếu sự minh họa, dẫn chứng sinh động của đơn vị tổ chức tuor. Khó khăn này thuộc về hoàn cảnh khách quan như các nhân chứng sống không còn, hiện trạng, di tích lịch sử và cả cảnh quan vốn có đã đổi khác…

Một sản phẩm du lịch mới nữa do Trung tâm du lịch sinh thái Bản Đôn (Công ty Cao su Dak Lak) đang gấp rút hoàn thành và đưa vào phục vụ du khách trong thời gian tới là Khu vãn cảnh tâm linh trên núi Cư Minh (Buôn Đôn). Ông Lê Hòa, phụ trách khu du lịch này tin chắc đây sẽ là một địa chỉ hấp dẫn du khách khi đặt chân đến đây; và đó cũng là một đường hướng nhằm mở rộng không gian thăm thú, thưởng ngoạn phong cảnh thơ mộng và hùng vĩ của danh thắng Buôn Đôn, đồng thời tạo điều kiện để du khách dừng chân lâu hơn để khám phá vốn văn hóa của các tộc người bản địa. Điều băn khoăn đặt ra đối với sản phẩm du lịch tâm linh trên, theo nhiều người am hiểu nằm ở chỗ tên gọi của nó. Không phải dựng nên một tượng phật cùng các vị la hán thật to đẹp trên núi Cư Minh là du khách tìm tới. Bởi đã nói đến tâm linh, bao giờ địa danh đó đều gắn với một huyền sử dân gian nào đó có tác động, thậm chí chi phối, dẫn dắt đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân ở đó. Núi Cư Minh không có “hạnh ngộ” đó nên việc giới thiệu, quảng bá để trở thành một điểm đến thật sự là vấn đề không phải dễ dàng.

Điểm ra một vài sản phẩm du lịch có thể coi là mới mẻ của bức tranh du lịch Dak Lak hiện nay để hy vọng bước đột phá của ngành kinh tế quan trọng và giàu tiềm năng này. Nhưng qua đó cũng để thấy rằng, khó khăn và thách thức đặt ra cho những người làm du lịch ở đây không phải là ít. Mỗi bước đi vững chắc của mỗi DN có quyết tâm theo đuổi không ngừng trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn Dak Lak hiện nay không còn sự lựa chọn nào hơn là gắn kết với cộng đồng, tạo cơ hội cho họ được tham gia như người trong cuộc và chia sẻ lợi ích một cách hợp lý, công bằng từ lợi nhuận mà DN mang lại. Và chỉ có như thế mới nuôi dưỡng lâu bền các sản phẩm du lịch đã hình thành nên.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc